Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã xây dựng được 3.173 mô hình dân vận khéo.Thời gian qua, công tác vận động quần chúng nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng tại tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, trở thành hạt nhân, đầu tàu trong phong trào thi đua yêu nước.
Nhiều tuyến đường tại các xã nông thôn đã được bê tông hóa
Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận, ngày 26/03/2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Chị thị số 28 về phong trào thi đua “ Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn, thể trong tỉnh đã tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả phong trào, xác định đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng.
Đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã xây dựng được 3.173 mô hình dân vận khéo. Trong đó, có 971 mô hình ở lĩnh vực kinh tế; 1.274 mô hình ở lĩnh vực văn hoá, xã hội; 484 mô hình về quốc phòng - an ninh và 444 mô hình trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị. Phong trào thi đua “ Dân vận khéo” và hoạt động của các mô hình dân vận khéo đã phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Mô hình dân vận trong đảm bảo an ninh trật tự tại các xã nông thôn mới
Xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải là một xã điểm về xây dựng mô hình “ Dân vận khéo” trong xây dựng NTM của huyện Tiền Hải và của tỉnh Thái Bình. Năm 2009, sau khi có Chỉ thị số 28 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua Dân vận khéo, Đảng uỷ xã Nam Thắng đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương. Xã đã triển khai, quán triệt, học tập Nghị quyết, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với tổ chức Ðảng và cán bộ, đảng viên. Xã quan tâm lấy ý kiến của nhân dân trước khi quyết định những việc có liên quan. Đồng thời, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo cho nhân dân. Nam Thắng đã vươn lên trở thành một trong những xã đầu tiên trên toàn tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới ( NTM) từ năm 2013. Trong năm 2014, xã được Huyện ủy Tiền Hải tặng Giấy khen Đảng bộ 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh, được Tỉnh ủy Thái Bình tặng Bằng khen Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ông Vũ Ngọc Tính, Chủ tịch UBND xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải : " Đảng ủy đã có Nghị
Quyết chuyên đề về công tác dân vận, giao cho MTTQ các chương trình hành động của môi trường và giao cho các tổ chức chính trị, đoàn thể của Đảng xây dựng các chương trình hành động của từng đoàn thể đối với thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy. Trong quá trình thực hiện từng chương trình mục tiêu, Đảng ủy cũng đã đánh giá các mô hình dân vận khéo và nhân rộng các cá nhân, cán bộ Đảng viên đầu tàu gương mẫu trong công tác dân vận."
Thành công của Nam Thắng đã thể hiện rõ hiệu quả của phong trào thi đua dân vận khéo trong xây dựng hệ thống chính trị. Đây cũng là nền tảng để làm nên nhiều thành công trong công cuộc xây dựng NTM tại các địa phương. Các mô hình
“ Dân vận khéo” trong xây dựng NTM đã kịp thời động viên, khuyến khích nhân dân phát huy tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực hoàn thành các tiêu chí NTM.
Hiện nay, trên các con đường tại thôn Kim Bàng đã trải bê tông phẳng mịn, ít ai tưởng tượng được rằng, trước kia đây từng là đoạn đường xuống cấp, khó đi nhất của thôn Kim Bàng, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy. Cả thôn Kim Bàng chỉ có hơn 100 hộ dân nằm rải rác trên 13 tuyến đường với tổng chiều dài 2 km. Khó khăn là thế, nhưng Kim Bàng lại là một trong những thôn đầu tiên hoàn thành tiêu chí giao thông ở Thái Xuyên. Kết quả bắt nguồn từ việc tham gia tích cực của người dân. Nhân dân hiến trên 300 m2 đất và đóng góp gần 200 triệu đồng kinh phí làm đường. Để huy động sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, thôn Kim Bàng tập trung thực hiện tốt công tác dân vận, thông qua các buổi sinh hoạt thôn, những nội dung về xây dựng NTM được lồng ghép để nâng cao nhận thức của người dân. Từng khu dân cư, từng ngõ xóm đều tổ chức họp bàn để người dân trực tiếp quyết định các vấn đề từ khảo sát đường, tính toán nguyên vật liệu, dự trù kinh phí,... Thành công của thôn Kim Bàng đã trở thành động lực để các thôn khác ở Thái Xuyên phấn đấu đẩy nhanh tiến độ xây dưng NTM đưa Thái Xuyên về đích năm 2014.
Ông Vũ Ngọc Cận, Bí thư Chi bộ thôn Kim Bàng, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy cho biết : "Chúng tôi đã phân ra làm nhiều khu vực, mỗi khu vực chúng tôi đều cử các đồng chí trong ban chi ủy, các đồng chí trưởng phó thôn về trực tiếp cụm đó sinh hoạt để tuyên truyền vận động tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, sau đó được sự thống nhất cao thì chúng tôi đã tính toán chi phí và lên mức đều làm căn cứ để giao chỉ tiêu cho các hộ gia đình.’’
Còn ông Đỗ Văn Điều, Bí thư Đảng bộ xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy nói về cách làm của thôn : " Chúng tôi còn có kiểm tra đôn đốc và có những biểu dương khen thưởng tổng hợp nhanh những hộ gia đình hiến nhiều đất, đóng nhiều tiền để thông báo lên loa truyền thanh của xã của thôn để khích lệ phong trào... làm dân vận khéo việc gì cũng thành công ".
Không chỉ vận động người dân đóng góp nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn, đội ngũ cán bộ dân vận tại các xã còn tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất của người dân, hướng dẫn người dân sản xuất tập trung theo quy mô hàng hóa.
Cánh đồng lúa hàng hóa tại xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải
Trở lại về mô hình “ Dân vận khéo” tại xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải – Đây là xã nội đồng, Nam Thắng có 381 ha đất nông nghiệp, trong đó, 281 ha sản xuất 2 vụ lúa. Nông dân ở 8 thôn có ruộng liền kề đã gieo cấy 200 ha một giống TBR 225 và 70 ha lúa giống BC15 cho Tổng công ty giống cây trồng Thái Bình, tạo thành vùng sản xuất tập trung, mang lại hiệu quả cao.
" Hội nông dân đã tập trung tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng diện tích cánh đồng mẫu bằng cách liên kết sản xuất cung ứng giống vật tư cho nông dân. Đồng thời, chuyển giao khoa học công nghệ mới cho người nông dân. Do vậy, năng suất lúa hàng năm đạt 125 tạ/ha... Hội nông dân và xã ký hợp đồng với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình để nông dân tham gia sản xuất lúa giống. Công ty sẽ mua lại 100% sản phẩm thóc mà nhân dân sản xuất ra với giá gấp 1,3 -1,8 lần so với thóc thương phẩm.”- Ông Vũ Văn Biền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải bộ lộ suy nghĩ.
Còn ông Trần Văn Cân, xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải vui vẻ cho biết: " Chúng tôi rất phấn khởi đưa giống mới vào sản xuất có một loại, chi phí sản xuất giảm. Chúng tôi đưa máy móc gặt, máy cày 100%... năng suất tăng gấp rưỡi so với các giống trước đây và nhất là sâu bệnh giảm lớn.”
Không riêng ở Nam Thắng, trong 5 năm qua, cơ cấu cây trồng, mùa vụ và con vật nuôi trên toàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác tăng từ 86,8 triệu đồng ( năm 2010) lên 120,8 triệu đồng ( năm 2015). Hiện nay, Thái Bình đã quy hoạch, xây dựng nhiều vùng cây màu và lúa chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, 143 cánh đồng mẫu với diện tích 6.072 ha. Thời gian qua, toàn tỉnh còn xuất hiện nhiều tấm gương điển hình thực hiện phong trào thi đua " Dân vận khéo" góp phần nâng cao hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào.
Thái Bình đã quy hoạch 143 cánh đồng mẫu
Đến nay đã hơn chục năm, ông Nguyễn Quang Khánh giữ vị trí Chủ tịch UBMTTQ xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư. Trong thời gian công tác, ông Khánh đã tham gia làm nên nhiều thành công của xã Vũ Đoài, đặc biệt, trong việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư". Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, ông tập trung vận động nhân dân xây dựng hương ước, quy ước thực hiện việc cưới, việc tang đơn giản, gọn nhẹ, thực hiện thành công mô hình thôn, xóm, khu dân cư không có tệ nạn xã hội. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ông còn hướng dẫn người dân lồng ghép nội dung về xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa vào các tiết mục văn nghệ, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Do vậy đến nay, Vũ Đoài đã có 9/11 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa. Toàn xã có hơn 80% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa.
Ông Nguyễn Quang Khánh, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam xã Vũ Đoài cho biết : “ Cán bộ dân vận phải gần dân sát dân trọng dân, nghe dân hỏi, đặc biệt, bám sát tình hình nhiệm vụ chính trị của địa phương gắn với cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”,… Bản thân tôi thì đã chủ động cùng Ban thường trực UBMTTQ xã xây dựng các tiêu chí cụ thể trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết XD đời sống văn hóa khu dân cư, ví dụ bảng điểm chi tiết đối với tiêu chuẩn gia đình văn hóa, tiêu chuẩn thôn văn hóa và tiêu chuẩn chùa cảnh 4 gương mẫu, xứ họ đạo 4 gương mẫu để các đơn vị, các gia đình phấn đấu thực hiện. ”
Thực hiện tốt công tác dân vận không chỉ giúp các địa phương đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế,văn hóa, xã hội mà còn đóng vai trò không nhỏ trong đảm bảo an ninh trật tự. Câu chuyện về áp dụng công tác “ Dân vận khéo” trong hoạt động nghiệp vụ của Trung tá Cao Thị Minh Toàn - Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Thái Bình là một ví dụ điển hình.
Trung tá Cao Thị Minh Toàn giữ chức Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Thái Bình đến nay là năm thứ 2. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn như vậy, trung tá Cao Thị Minh Toàn đã giải quyết triệt để các tụ điểm đen về tai nạn giao thông và tệ nạn xã hội từng gây nhức nhối trên địa bàn. Trung tá Cao Thị Minh Toàn đã dùng chuyên môn, nghiệp vụ, lấy tình thương, trách nhiệm của bản thân để vận động, thuyết phục sự tham gia của người dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, đặc biệt, phát hiện, tố giác và ngăn chặn kịp thời các đối tượng có biểu hiện vi phạm an ninh trật tự.
Đến nay, phường Trần Hưng Đạo đã xây dựng và duy trì tốt hoạt động của 3 mô hình tự quảnvan ninh trật tự, 2 mô hình tự quản an toàn giao thông. Nhờ sự nhiệt tình, tận tâm trong công việc, trung tá Cao Thị Minh Toàn đã chiếm được lòng tin của người dân, thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Trung tá Cao Thị Minh Toàn - Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo, Thành phố Thái Bình chia sẻ cách làm : " Chúng tôi tuyên truyền ở đây về mặt đường lối phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, sau đó, các biện pháp phải làm, từ trong biện pháp của công an chúng tôi. Chúng tôi phải lấy các biện pháp đấu tranh như thế nào để hiệu quả và áp dụng trong công tác phòng ngừa để nhân dân hiểu làm dễ nhất. Khi đã áp dụng rồi thì phải theo dõi, ..chúng tôi lại phải sát sao theo địa bàn chỉ huy sự gắn bó mật thiết của cán bộ cơ sở từ cảnh sat khu vực đến chỉ huy với người dân, nếu đồng lòng thì phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc rất cao. ”
“ Đây là đồng chí nữ làm việc trên tinh thần hết sức nhiệt tình, hăng hái, sôi nổi và có rất nhiều những sáng tạo trong công việc. Ví dụ thứ nhất, thường xuyên quan tâm đến các khu dân cư, từ chỗ đó anh em chiến sĩ Công an phường người ta noi gương của thủ trưởng để tập trung đi cơ sở nhiều hơn, đặc biệt, những thời gian cao điểm chiến sĩ cảnh sát khu vực xuống bám sát dân. Đấy là một trong những vấn đề mà làm cho tình hình an ninh trật tự nói chung ở phường Trần Hưng Đạo và nói riêng ở khu chúng tôi là tương đối an toàn ” - Ông Nguyễn Kim Môn - Bí thư Chi bộ tổ dân phố 28, phường Trần Hưng Đạo kể lại.
Phong trào thi đua sản xuất giỏi được triển khai rộng khắp tại các doanh nghiệp
Có thể thấy, phong trào thi đua “ Dân vận khéo” đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh- quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, gắn với “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là xây dựng NTM. Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện phong trào vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Công tác triển khai quán triệt phổ biến Chỉ thị số 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức phong trào thi đua dân vận khéo ở một số địa phương còn chưa đồng bộ. Công tác tham mưu của đội ngũ những người làm công tác vận động quần chúng ở một vài địa phương đơn vị chưa cụ thể, chưa bám sát thực tiễn. Một số mô hình còn mang tính hình thức. Công tác sơ kết kiểm tra thi đua khen thưởng ở một số nơi chưa kịp thời, chính vì thế chưa động viên khích lệ được phong trào.
Thời gian tới, Ban dân vận các cấp và những người làm công tác vận động quần chúng tiếp tục chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền các địa phương thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 28 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của từng địa phương đơn vị, đặc biệt là những nhiệm vụ, những mục tiêu giải pháp mà nghị quyết đại hội đảng các cấp đã đề ra.
- Ông Phạm Hồng Bàng, Tỉnh ủy viên – Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết:
“ Trong thời gian tới, chúng tôi chọn nội dung mô hình cụ thể, sát thực tiễn nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, tạo sự thống nhất đồng thuận cao trong toàn xã hội. Để phong trào thực sự đem lại hiệu quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, kinh tế về văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở... phải làm tốt công tác kiểm tra định kỳ sơ tổng kết động viên thi đua khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào để nuôi dưỡng động viên và khích lệ phong trào trong thời gian tới. ”
Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua tại tỉnh Thái Bình chính là một trong những tiền đề để cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội mà Đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Nó là động lực để từng bước xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Từ phong trào thi đua " Dân vận khéo" trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng và nâng cấp hơn 4.700 km đường giao thông trục chính nội đồng, đường giao thông nông thôn; 94 trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non; 867 nhà văn hóa thôn, 171 trạm y tế. Tổng vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới 5 năm đạt 8.000 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 4.460 tỷ đồng |
Hà My
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...