Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập |
Điều đó cũng đồng nghĩa, một dân tộc còn bị áp bức, bị nước khác thống trị, nhân dân còn phải sống trong nô lệ và bị bóc lột thì dân tộc đó không thể có quyền con người, cũng không thể có bình đẳng, tự do. Tư tưởng này đã được ghi nhận trong Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- Hiến pháp năm 1946.
Giáo sư Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội cho rằng: “Với tư tưởng đề cao nhân quyền, Hiến pháp năm 1946 đã trở thành bản tuyên ngôn về phương diện nhà nước. Nó có ý nghĩa pháp lý, trang trọng tuyên bố với nhân dân thế giới rằng người dân Việt Nam có tư cách công dân của một nước độc lập có chủ quyền. Vì vậy nội dung của quyền và nghĩa vụ pháp lý cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1946 là nhằm mục tiêu bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Ba nguyên tắc xây dựng Hiến pháp năm 1946 là đoàn kết toàn dân, đảm bảo quyền tự do dân chủ và thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”.
Quyền con người tiếp tục được khẳng định và mở rộng trong các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2001. Đặc biệt Hiến pháp 2013 đã dành hẳn một chương riêng quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
TS Cao Đức Thái, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Hiến pháp 2013 có một bước tiến rất xa so với các bản Hiến pháp trước đây về quyền con người. Hiến pháp đã khẳng định quyền con người là quyền đương nhiên và chỉ có thể bị hạn chế bởi 4 lý do: An ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khoẻ cộng đồng.
Bên cạnh việc khẳng định những quyền cơ bản của con người, Hiến pháp cũng đặt ra nội dung kiểm sát chặt chẽ hơn những hoạt động hạn chế quyền con người.
TS Cao Đức Thái phân tích: “So với các công ước quốc tế về quyền con người, chương 2 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn tương thích. Về mặt nội dung đã thể hiện đầy đủ các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nó cũng thể hiện được các nguyên tắc của luật quốc tế về quyền con người, đó là nguyên tắc về giới hạn quyền. Nghĩa là Nhà nước phải tự giới hạn quyền của mình. Ví dụ chúng ta đã có quy định tất cả những giới hạn quyền phải bằng luật chứ không thể bằng các văn bản dưới luật”.
Sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua, rất nhiều Luật được rà soát để sửa đổi, bổ sung các điều khoản liên quan đến quyền con người. Trong các dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ Luật tố tụng Dân sự (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét để thông qua thì định hướng đầu tiên sửa đổi là bảo đảm quyền con người như quy định Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có luật; bảo đảm quyền tự bào chữa của công dân; hạn chế hình phạt tử hình…
Bên cạnh đó, các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát, Tổ chức Tòa án… cũng chứa đựng các điều khoản liên quan đến quyền con người. Nhiều dự án Luật đang được xây dựng như dự án Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng đã ghi nhận và bảo đảm quyền con người như tạo cơ chế thuận lợi để người dân được tiếp cận thông tin; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, quyền tự do báo chí…
Trong phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Quốc hội khóa 13 đang nỗ lực để hoàn thành cơ bản việc ban hành các đạo luật cần thiết để thực thi Hiến pháp 2013, nhất là về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
“Kì họp tới này sẽ tập trung cao độ cho mảng pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp từ điều tra, công tố đến xét xử và thi hành án. Nếu thông qua được những bộ luật quan trọng này, thì vấn đề rất lớn trong Hiến pháp là quyền con người, sự bảo đảm về tôn trọng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của con người, của công dân và bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân ta sẽ được thực hiện đúng theo tinh thần Hiến pháp”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Với việc tích cực triển khai xây dựng và ban hành các văn bản Luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về quyền con người đã cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Bởi, tôn trọng quyền con người, đấu tranh vì quyền con người chính là khát vọng của dân tộc ta, là mục tiêu phấn đấu của Đảng ta trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng./.