Nỗi trăn trở ngày Chiến thắng và niềm tin vào đổi mới

Thứ 4, 29/04/2015 | 14:19:57
649 lượt xem

“Cuộc cách mạng nào cũng cần dân, có dân mới thành công. Cách mạng trong kinh tế cũng vậy” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Đúng một tháng trước dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất non sông, ngày 30/3/2015, tại cuộc đối thoại “Kinh tế Việt Nam 2015 - Cơ hội và thách thức”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, điều ông hằng trăn trở đó là tại sao con người Việt Nam thông minh, học giỏi, năng động, sáng tạo, cần cù, chịu khó và cũng đã làm được những điều kỳ diệu trong đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc, vậy nhưng kinh tế Việt Nam lại chỉ xếp hạng thấp ở trong khu vực.

Nỗi niềm này hẳn không phải chỉ riêng của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh. Ngày 27/4, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức một hội thảo mà ngay chủ đề cũng đã ít nhiều nói lên điều đó: “40 năm thống nhất đất nước với công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập”. Tại hội thảo, khoảng cách phát triển còn lớn giữa Việt Nam và các nước tiên tiến đã được các nhà khoa học quan tâm đề cập.

Những điều trên đây cho thấy, 40 năm sau chiến thắng vĩ đại ngày 30/4/1975, bên cạnh những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử, đáng tự hào, vẫn còn rất nhiều điều khiến chúng ta phải trăn trở.

Năm 2015 cũng được nhắc tới nhiều như một cột mốc đáng nhớ, đánh dấu bước hội nhập sâu rộng chưa từng có của Việt Nam với hàng loạt hiệp định thương mại tự do. Có thể nói, sau 40 năm, đất nước ta đang đứng trước những cơ hội lớn lao để chuyển mình bứt phá, nhưng cùng với đó là thách thức – thậm chí là sức ép - về trách nhiệm trước câu hỏi làm thế nào để tận dụng được tối đa tất cả những cơ hội đó?

Điều đáng mừng, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, là trong bối cảnh nói trên, Đang và Nhà nước Việt Nam đã quyết tâm cải cách. Ông thừa nhận, từ năm 2014, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những đổi mới quyết liệt, khiến chính ông phải ngỡ ngàng.

Thật ra thì không chỉ có Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ngỡ ngàng. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc kể lại tại một hội thảo mới đây, khi ông giới thiệu Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội trường đã liên tục vang lên những tràng pháo tay của lãnh đạo các doanh nghiệp.

“Việt Nam không thể chấp nhận vị trí hiện tại về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được, không có lý do gì không cải thiện được môi trường kinh doanh”, đây là thông điệp được Thủ tướng nhiều lần nhắc các bộ, ngành. Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải xác định đây là một nhiệm vụ cấp thiết, có hành động cụ thể; còn như cách diễn đạt của Chủ tịch VCCI của Vũ Tiến Lộc, thì thực tế đang đòi hỏi các cấp chính quyền và từng cán bộ, công chức phải “đồng tốc” với Thủ tướng trong tư duy và hành động đổi mới.

Cũng đã rất nhiều lần, người đứng đầu Chính phủ khẳng định nếu như thời kháng chiến, phải toàn dân đánh giặc mới có thắng lợi, thì ngày nay cũng phải toàn dân làm kinh tế, dân mà không làm là thua. Mới đây nhất, ngày 21/4, tại hội nghị về xây dựng kết cấu hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định: “Cuộc cách mạng nào cũng cần dân. Có dân mới thành công. Cách mạng trong kinh tế cũng vậy. Để người dân tham gia vào mọi lĩnh vực… Doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng chính là dân. Người dân làm tốt thì để người dân làm”.

Nhìn cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, thì nói như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tại buổi đối thoại nói trên, Nhà nước phải tạo điều kiện tối đa cho khu vực tư nhân phát triển, trở thành động lực quan trọng, là nền tảng của nền kinh tế. Còn nhìn rộng hơn, đó là yêu cầu về phát huy dân chủ - như Thủ tướng đã viết trong Thông điệp đầu năm mới 2014: Những động lực mới để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới đây phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.

Theo các chuyên gia, 40 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, trước yêu cầu từ nội tại nền kinh tế và sức ép hội nhập, làn sóng đổi mới lần thứ hai đã được khởi động với những hành động của Chính phủ. Nhìn xa vào lịch sử, nhờ nắm chắc ngọn cờ dân chủ, phát huy sức mạnh của toàn dân mà Việt Nam đã đánh bại được những cường quốc hùng mạnh - mà một đỉnh cao là chiến thắng vĩ đại ngày 30/4. Còn nhìn lại gần 30 năm đổi mới vừa qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước cũng đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế.

Bài học lớn đó đang được Chính phủ tiếp tục, theo hướng đổi mới mạnh mẽ hơn, triệt để hơn quan điểm về nhiệm vụ của nhà nước và của xã hội. Tư tưởng đổi mới đó cũng chính là cốt lõi trong quan điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Thủ tướng từng nhắc đến.

Năm nay, lần đầu tiên sau rất nhiều năm, dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 trùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, chúng ta nhớ lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Lớp lớp những người đi trước đã có công dựng nước và giữ nước, trách nhiệm của thế hệ hôm nay là phải làm thế nào để đất nước có thể sánh vai với những cường quốc năm châu và đó chính là cách tưởng nhớ, tri ân ý nghĩa nhất với tiền nhân?

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair trong chuyến làm việc gần đây ở Việt Nam đã có một phát biểu khá ấn tượng: “Cải cách không ai phản đối là cải cách tồi”. Rõ ràng là con đường đổi mới tại Việt Nam đã và sẽ gặp không ít trở lực, nhưng chắc chắn rằng mọi việc làm có lợi cho đất nước sẽ nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân và nhất định sẽ thành công.

Hà Chính

Chinhphu.vn

  • Từ khóa
Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật
Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật

Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường xem xét, biểu quyết thông qua các dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...