Các nhà khoa học và lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã thể hiện một cách tư duy, ứng xử mới với truyền thống lịch sử, họ mong muốn biến những nguồn lực truyền thống đó thành động lực phát triển trong giai đoạn mới.
Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khánh thành đê Hưng Nhân và Mỹ Lộc, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao tặng tỉnh Thái Bình tại hội thảo. Bức ảnh chụp ngày 28/4/1946. Trong ảnh, phía sau Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Tố, Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Lê Văn Hiến… |
Dòng chảy truyển thống văn hóa, lịch sử của Thái Bình dài lâu, nhưng hội thảo khoa học do Tỉnh ủy Thái Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 16/3 đặt trọng tâm vào chặng đường hình thành và phát triển của vùng đất này với tư cách là một đơn vị hành chính độc lập, trực thuộc chính quyền Trung ương, được xác lập cách nay 125 năm, ngày 21/3/1890, khi Toàn quyền Đông Dương Jules Piquet ký Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình.
Một sự trùng hợp khá thú vị, dịp kỷ niệm 125 năm thành lập diễn ra trong thời điểm Thái Bình đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, với một loạt thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo, với tân Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Sinh và tân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên. Nhưng nói như nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hội thảo lần đầu tiên về việc thành lập tỉnh Thái Bình này hoàn toàn không phải là một sự kiện chỉ mang tính chất ôn lại lịch sử.
Tham gia hội thảo, hơn 40 tham luận với những lý giải khoa học, khách quan đã làm rõ những truyền thống nổi bật và chặng đường hình thành, phát triển của mảnh đất, con người Thái Bình; khẳng định vị thế, đóng góp của Thái Bình trong từng giai đoạn lịch sử; về quá trình phát huy thế mạnh, tiềm năng trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Từ truyền thống đến “những đổi thay chưa từng có”
Có tầm bao quát và tính chất nghiên cứu hàn lâm, nhưng các bài tham luận tại hội thảo cũng không thiếu những chi tiết có thể khiến không ít người ngạc nhiên thú vị. Những cách nhìn, những tư liệu mới đã gợi mở nhiều vấn đề, góp phần làm rõ, soi sáng lịch sử, truyền thống của tỉnh Thái Bình, vừa hòa nhập vào dòng chảy chung của lịch sử dân tộc, vừa có những nét riêng khó lẫn. Truyền thống ấy bộc lộ qua những nhân vật “anh tài kiệt hiệt” các thời, vừa biểu hiện qua những điều giản dị ít người nghĩ đến như ngôn ngữ địa phương hay đặc tính cư dân, thậm chí chỉ một tấm bia đá trong một ngôi chùa làng…
Chẳng hạn, về truyền thống canh nông của Thái Bình trong một đất nước có truyền thống nông nghiệp, nếu Đại Việt sử ký toàn thư chép lại sự kiện các vua đầu triều Lý ra cày ruộng tịch điền tại cửa biển Bố Hải (nay là thành phố Thái Bình), thì trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi cũng nhận định: Đất vùng này “cấy lúa thì thích hợp, nhân công làm lụng hơn các lộ khác. Phí dụng nuôi quân, các triều đều nhờ ở đấy”. Nhận xét ngắn gọn chỉ trong một hai dòng của một danh nhân văn hóa thế giới, một anh hùng dân tộc đủ nổi rõ vị trí của “quê lúa” trong suốt chiều dài lịch sử.
Trong con mắt những viên quan thực dân cai trị, và cả những nhà khoa học người Pháp, thì đại ý “Thái Bình là một trong những tỉnh lớn nhất, quan trọng nhất của Bắc Kỳ, nhưng dân vùng này ngoan ngạnh, khó trị, phải thành lập tỉnh riêng và cử quan công sứ cai trị”. Quyết định thành lập tỉnh của chính quyền thực dân ra đời trên cơ sở nhận định đó, nhưng rồi người Pháp không thể dập tắt nổi truyền thống “ngoan ngạnh” chống xâm lược của người Thái Bình.
Và đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, thì như nhận định của GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, “Thái Bình đã trải qua những cuộc đổi thay chưa từng có, ghi dấu ấn sâu sắc trong nhiều sự kiện lớn của những trang vàng lịch sử cách mạng Việt Nam”.
Trong tham luận của mình, GS Tạ Ngọc Tấn đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục cho nhận định “Thái Bình là một trong những điểm sáng đầu tiên trong buổi bình minh của lịch sử cách mạng Việt Nam”. Thường vụ Trung ương sau khi thành lập Đảng đánh giá, “Thái Bình là địa phương có phong trào mạnh nhất ở Bắc Kỳ”.
Và liên tục 85 năm qua – chiếm 2/3 chặng đường 125 năm thành lập tỉnh - Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng. Một chi tiết có thể nói lên nhiều điều: Trong thời kỳ chống Mỹ, Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ tuyển quân so với dân số cao nhất miền Bắc.
Các tham luận tại hội thảo đã khẳng định, 85 năm qua là quá trình liên tục tiếp nối và chuyển hóa các giá trị truyền thống vào sự nghiệp cách mạng, là quá trình hòa nhập các giá trị của Thái Bình vào dòng chảy của cả nước, đồng thời đóng góp những dấu ấn riêng có của Thái Bình vào sự nghiệp chung. Ngược lại, quá trình ấy cũng đã đưa đến những đổi thay chưa từng có cho vùng đất này.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao tặng tỉnh Thái Bình bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khánh thành đê Hưng Nhân và Mỹ Lộc. Từ trái qua phải: Nhà sử học Dương Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Văn Sinh và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên. |
Vượt qua nhận thức của quá khứ
Thế nhưng, hội thảo không chỉ nhằm làm rõ, khẳng định một cách thuyết phục những giá trị truyền thống phong phú, dày dặn của Thái Bình, mà còn có thể giải đáp những câu hỏi mà thực tiễn hôm nay đặt ra. Đó cũng là kỳ vọng của những nhà lãnh đạo tỉnh khi tổ chức hội thảo.
Các nhà khoa học đều thống nhất cho rằng, hội thảo - với sự tham dự của những lãnh đạo cao nhất của địa phương - thể hiện một bước ngoặt trong cách tư duy, ứng xử với truyền thống của đội ngũ lãnh đạo tỉnh, nhằm phát huy truyền thống ấy trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội ngày nay. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, ý nghĩa của không ít bài học trong số đó đã vượt qua ngoài khuôn khổ của một địa phương.
Hội thảo đã đưa ra không ít những góp ý, “hiến kế”, bao phủ rộng nhiều vấn đề từ vĩ mô đến cụ thể. Có thể cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo hơn, nhưng những ý kiến đó đều đề cập đến những vấn đề mà các nhà lãnh đạo, quản lý đã và đang suy tư.
Có không ít những cách tiếp cận mới mẻ, đầy tính gợi mở, như cách khái quát về tiềm năng Thái Bình của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin: Khi xét cả 3 yếu tố tự nhiên, kinh tế, dân cư, từ truyền thống đến hiện đại, Thái Bình vốn có “3 biển”, Biển Đông - biển người - biển lúa.
Là người tham gia chủ trì hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét, hội thảo chứng tỏ lãnh đạo địa phương đã có một bước tiến mới về nhận thức, vượt qua được những rào cản của quá khứ. Có thể thấy điều này ngay từ vấn đề đầu tiên: Việc quyết định lấy ngày 21/3 là ngày thành lập tỉnh.
Nhà sử học này đặt vấn đề, vì sao suốt 125 năm qua, trong đó có 70 năm dưới chính quyền mới, địa giới hành chính của tỉnh ổn định như thế. Việc xác lập địa giới như vậy cũng rất hiệu quả, thể hiện ở việc tỉnh cũng có nhiều đóng góp cho quốc gia trong chiến tranh cũng như khi hòa bình.
“Đã đành người Pháp thành lập tỉnh Thái Bình với mục tiêu thực dân, nhưng họ đưa ra quyết định đó trên cơ sở nhận thức hiện đại và khoa học về quản trị quốc gia. Trải qua những băn khoăn, suy nghĩ, thậm chí mặc cảm với chế độ thuộc địa, chúng ta khẳng định đây là một công cụ, một phương thức quản lý địa phương có hiệu quả. Tôi nghĩ rằng đó là cách tiếp cận mới, khoa học và thực tế, giúp thống nhất nhận thức để phát triển địa phương cũng như phát huy vai trò của tỉnh đối với quốc gia”.
“Hội thảo tiếp tục khẳng định, tôn vinh những giá trị của mảnh đất, con người Thái Bình, bồi đắp và cổ vũ niềm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước. Hội thảo cũng kiến nghị những chính sách, cơ chế đặc thù, phù hợp với Thái Bình, chẳng hạn để chuyển nhanh, chuyển mạnh những sản phẩm nông nghiệp trở thành hàng hóa, để tiếp tục khai thác, phát huy những tiềm năng, thế mạnh trong tiến trình hội nhập và phát triển”, như tân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Diên nhận xét.
Hà Chính
Chinhphu.vn
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường xem xét, biểu quyết thông qua các dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...