Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành năm 2014; báo cáo Bộ Chính trị dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; phát triển thương hiệu gạo Việt Nam;...là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 13-17/10/2014.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, cơ quan, địa phương về kết quả đạt được và những ưu điểm trong chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan, địa phương gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, điều hành khác; những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, cơ quan, địa phương.
Đồng thời đánh giá việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thuộc lĩnh vực, phạm vi của Bộ, cơ quan, địa phương; tình hình thực hiện các đề án được giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tình hình thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Bí thư Ban cán sự đảng Chính phủ, thay mặt Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Công nhận doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý việc các doanh nghiệp có quy mô, vốn đầu tư lớn, sử dụng nhiều lao động, dự án quan trọng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước khi cấp phép đầu tư sẽ được xem xét, công nhận chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan trong khi công ty đang xây dựng, hình thành cơ sở vật chất.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 86/2013/TT-BCT ngày 27/6/2013 cho phù hợp. Trong thời gian chưa sửa đổi Thông tư số 86/2013/TT-BCT, Bộ Tài chính xem xét áp dụng nguyên tắc trên để xử lý đối với các Công ty đủ điều kiện.
Xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung phát triển năng động
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8%/năm giai đoạn đến năm 2015 và khoảng 9%/năm giai đoạn 2016 - 2020. GDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt khoảng 80 triệu đồng, tương đương 3.600 USD bằng khoảng 1,1 - 1,2 lần mức bình quân đầu người của cả nước.
Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam
Tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về Đề án phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Hiệp hội lương thực Việt Nam và các địa phương, doanh nghiệp liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Đề án trên theo hướng xây dựng và phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam ở cả 3 cấp độ: quốc gia, vùng và địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm; trước mắt vùng đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất và xuất khẩu gạo trọng điểm để xây dựng thương hiệu.
Đồng thời xác định các định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam trên cơ sở phân tích nhu cầu thị trường, khả năng sản xuất, tiềm năng thâm nhập vào các phân khúc của thị trường gạo thế giới trong thời gian tới.
Bên cạnh đó đề ra những nội dung, dự án và giải pháp cần thiết trong Đề án để đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu gạo các cấp độ, đồng thời có các chính sách phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thực hiện công tác xây dựng và phát triển thương hiệu gạo.
Chủ động phương án ứng phó với siêu bão
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tất cả các địa phương, Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương chậm nhất tháng 6/2015 phải xây dựng, ban hành phương án cụ thể ứng phó với bão rất mạnh và siêu bão.
Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm
Tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 tại cuộc họp lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: 1- Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; 2- Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; 3- Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; 4- Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.
Thành lập Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh
Ngày 15/10/2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định số 1878/QĐ-TTg thành lập Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh trên cơ sở nâng cấp Trường Cán bộ TP Hồ Chí Minh.
Học viện được thành lập nhằm tập trung đào tạo, bồi dưỡng về các ngành chính trị, hành chính cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và Đoàn thể của TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, đào tạo cán bộ quản lý hành chính Nhà nước, quản trị hành chính văn phòng, nhân viên thư ký hành chính; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và chuyên viên chính, bồi dưỡng nghiệp vụ hành chính cho các chức danh chuyên viên của UBND các cấp và sở, ban, ngành Thành phố.
Chính sách ưu đãi cho dự án sản xuất vắc xin
Nhằm duy trì và phát triển sản xuất vắc xin trong nước để chủ động đáp ứng nhu cầu sử dụng vắc xin phòng bệnh cho nhân dân và hướng tới xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ cho phép các dự án đầu tư sản xuất vắc xin trong nước được áp dụng một số cơ chế, chính sách.
Cụ thể, các dự án đầu tư sản xuất vắc xin trong nước được vay vốn tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đầu tư nâng cấp và đầu tư mới một số dây chuyền sản xuất vắc xin với mục tiêu sản xuất vắc xin đa giá thay thế một phần vắc xin đa giá phải nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay.
Đồng thời được áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ dự án đầu tư sản xuất nguyên liệu kháng sinh; được giao, thuê đất trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin, trước mắt ưu tiên cho đơn vị sản xuất vắc xin hiện đang có khó khăn về đất.
Hoàng Diên
Chinhphu.vn
Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày...
Việc giải quyết KỊP THỜI những ý kiến, kiến nghị của cử Không những giúp...
Từ 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...