Các quan chức cấp cao đến từ các nước ASEAN yêu cầu các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); nhấn mạnh sự cấp thiết phải sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) để bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo ngày 9/5.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Trưởng SOM Việt Nam, đã thông tin cập nhật về các diễn biến phức tạp hiện nay ở biển Đông; nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 và đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có cả tàu quân sự, vào sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hơn 80 hải lý đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, vi phạm luật pháp quốc tế và DOC.
Các tàu của Trung Quốc còn chủ động đâm và dùng vòi rồng phun nước làm hư hỏng nhiều tàu thuyền, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu Việt Nam. Tình hình vi phạm nêu trên là rất nghiêm trọng, phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực, cũng như các nỗ lực củng cố lòng tin trong khu vực.
ASEAN cần phải có tiếng nói chung trước tình hình nghiêm trọng trên, nhấn mạnh yêu cầu phải nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, trong đó có các quy định về tôn trọng vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.
ASEAN Termsak Chalermpalanupap
Cuộc họp SOM đã thống nhất kiến nghị dự kiến lịch hoạt động, chương trình nghị sự và chủ đề của các hội nghị liên quan. Theo đó, tại Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, dự kiến các nước sẽ trao đổi về tiến độ triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả 3 trụ cột.
Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, các bộ trưởng sẽ rà soát tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, các đại biểu sẽ thảo luận chung về biện pháp đẩy mạnh việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối ngoại của ASEAN, trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, trong đó có các diễn biến phức tạp ở biển Đông.
Dự kiến, các lãnh đạo ASEAN sẽ ra tuyên bố Nay Pyi Taw về xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, nhấn mạnh cam kết của các nước ASEAN trong việc đẩy nhanh hoàn thành các phần việc còn lại trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và tiến hành công tác chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng vào 2015 và định hướng phát triển của ASEAN trong giai đoạn sau 2015.
Chuyên gia ASEAN: Trung Quốc không nên bắt nạt nước nhỏ
Là nước lớn, Trung Quốc không nên ỷ lớn hiếp nhỏ mà cần làm đúng tuyên bố của mình là sẽ “trỗi dậy một cách hòa bình”, ông Termsak Chalermpalanupap, cựu thành viên Ban Thư ký ASEAN, trao đổi với Tiền Phong ngày 9/5, nhân việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu trái phép vào vùng biển Việt Nam.
Việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar (từ ngày 10 tới 11/5) sẽ đem lại những tác động tiêu cực không chỉ với các nước liên quan mà cả với ASEAN.
“Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu tới vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa xảy ra vào thời điểm ASEAN và Trung Quốc đang ở giai đoạn tương đối lạc quan trong quá trình xây dựng lòng tin ở biển Đông”, ông Termsak Chalermpalanupap, nhà nghiên cứu chính trị và an ninh ASEAN tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, khẳng định.
Có thể thấy điều đó qua Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc về DOC và đợt tham vấn ASEAN - Trung Quốc tại Thái Lan từ ngày 21 đến 22/4 vừa qua, ông dẫn chứng. Vì thế, các hội nghị ASEAN sắp tới ở Myanmar có thể xem xét kỹ lưỡng những động thái gây hấn mới đây của Trung Quốc trên biển Đông.
Ngày 9/5, báo chí Philippines đưa tin, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24, Tổng thống nước này, ông Benigno Aquino, sẽ nêu vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, và dự định thúc giục các bên đẩy mạnh đàm phán COC.
Theo ông Termsak, lãnh đạo các nước ASEAN có thể sẽ không bàn nhiều về vấn đề biển Đông, nhưng các bộ trưởng ngoại giao ASEAN cùng các quan chức cấp cao khác sẽ bàn thảo chi tiết. Bên cạnh Hội nghị Cấp cao ASEAN, các hội nghị cấp bộ trưởng và cấp SOM về ngoại giao, quốc phòng cũng sẽ diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar. Vì thế, “chúng ta có thể kỳ vọng họ xem xét kỹ lưỡng những sự cố khó chịu ở biển Đông”, ông Termsak nhận định.
Vị cựu thành viên Ban Thư ký ASEAN cho rằng, các bộ trưởng ngoại giao và quan chức cấp cao ASEAN nên kêu gọi “kiềm chế và đối thoại, nhằm tránh leo thang căng thẳng và phòng ngừa hiểu nhầm giữa các bên liên quan”. Về vấn đề liên quan quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam và Trung Quốc nên có đối thoại song phương, trong khi vai trò trung tâm của ASEAN đối với các vấn đề khu vực cần được tăng cường, ông Termsak nêu ý kiến.
Theo ông Termsak, thách thức lớn nhất của các thành viên ASEAN là làm cách nào để thực hiện những cam kết chung trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN thành công, thịnh vượng sau năm 2015. “Nếu thất bại mục tiêu này, mỗi quốc gia ASEAN sẽ chịu tác động mạnh hơn từ những cường quốc muốn thúc đẩy lợi ích chiến lược của họ ở Đông Nam Á”, vị cựu thành viên Ban Thư ký ASEAN nhận định.
Theo: Tienphong.vn