Hiệu quả kinh tế cao từ nuôi cá quả

Thứ 4, 22/03/2023 | 00:00:00
802 lượt xem

Cá quả hay còn có tên gọi là cá chuối hoa, là dòng cá nước ngọt khá khó nuôi và đòi hỏi kỹ thuật cao. Tuy nhiên, với sự nhanh nhạy trong nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, gia đình ông Nguyễn Văn Truyền, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, đã nuôi thành công dòng cá này và mang lại giá trị kinh tế cao với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Diện tích nuôi cá quả của gia đình ông Nguyễn Văn Truyền, thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư

Năm 2018, gia đình ông Nguyễn Văn Truyền, thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, cải tạo ao đầm để chuyển từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá quả. Ông là người đầu tiên mạnh dạn khi thử nghiệm nuôi loại cá này, vì đây là dòng cá có chi phí đầu tư con giống khá lớn, trung bình khoảng 8 nghìn đồng/con. Ban đầu, ông đầu tư trên 700 triệu đồng quy hoạch, xây dựng, cải tạo toàn bộ 3 ao nuôi của gia đình, với tổng diện tích 3.000m2 để mua 10.000 con quả giống về nuôi. 


Ông Nguyễn Văn Truyền, thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư: “Sau khi tham khảo mô hình nuôi cá quả của người cháu ở Bắc Giang, tôi cũng mạnh dạn về nuôi thử nghiệm. Được cháu truyền đạt cho kinh nghiệm nuôi cá quả để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích ao nuôi”

Cá quả là giống cá phàm ăn nhưng rất khó tính

Theo ông Truyền, cá quả rất phàm ăn, nhưng cũng rất khó tính, được nuôi theo hình thức bán công nghiệp, nguồn thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp và cá biển tạp. Do cá quả ăn nổi, nên thức ăn thừa chìm xuống đáy ao dễ gây ô nhiễm nguồn nước khiến cá bị bệnh. Chính vì thế, mà môi trường nước của cá quả sinh sống và phát triển cần đảm bảo sạch sẽ.


Ông Nguyễn Văn Truyền, thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư: “Nuôi cá quả tùy theo mật độ nuôi cần thay nước thường xuyên, thường thì tháng 1- 2 lần. Đảm bảo môi trường ao nuôi luôn sạch sẽ. Đồng thời, chú ý rắc vôi khử trùng quanh ao cả khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là trời mưa”

Nguồn cung của cá quả ít nên giá thành xuất bán cao

Từ lúc nuôi thả là cá hương (khoảng 1.000 con/kg), sau 7-8 tháng nuôi thả, cá quả có thể cho thu hoạch, đạt trọng lượng 1-1,2kg/con. Vì nguồn cung của cá quả khá ít, nên giá thành xuất bán khá cao, trung bình từ 80 - 95.000 đồng/kg thương phẩm. Thị trường đầu ra rất ổn định, được các thương lái tìm mua và xuất bán cho trong và ngoài tỉnh. Ngay từ năm thứ 2 gia đình ông Truyền đã chủ động gột cá giống để nuôi.


Ông Nguyễn Văn Truyền, thôn Bổng Điền Nam, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư: “Nuôi cá quả có giá trị kinh tế cao, gấp 2, 3 lần so với cá truyền thống. Sắp tới, gia đình tăng thêm mật độ nuôi để nâng cao giá trị kinh tế”



Cá quả là giống cá ăn nổi nên môi trường nước phải luôn sạch sẽ

Trong 2 năm đầu, mỗi năm, gia đình ông Truyền thu về hơn 6 tấn cá quả, trừ chi phí thu lãi trên 200 triệu đồng mỗi năm. Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi, năm 2022, gia đình ông Truyền đã tăng mật độ nuôi, hiện tại là 15.000 con, đồng thời nuôi thả xen canh cá trê. Dự tính tháng 5 này, sẽ bắt đầu được xuất bán. Với sản lượng dự tính trên 10 tấn cá quả và 4 tấn cá trê, ước tính lợi nhuận mang lại cho gia đình ông Truyền gần 300 triệu đồng.

Phương Thúy

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...