Mức giá rẻ bèo vì Việt Nam chủ yếu nhập mặt hàng được coi là thứ phẩm, không được thị trường Mỹ chuộng. Tại Mỹ, chân, cánh, đùi gà thường để chế biến bột thịt xương cho chăn nuôi.
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính): Tính đến hết tháng 6, Việt Nam nhập khẩu 62.400 tấn thịt gà các loại từ Mỹ với giá trị nhập khẩu đạt 48,6 triệu USD. Như vậy, tính ra thịt gà nhập từ Mỹ về Việt Nam có giá siêu rẻ chỉ dưới 18.000 đồng/kg.
Tại sao gà Mỹ nhập về Việt Nam lại có giá quá “bèo”?
Mỹ không ưa nhưng Việt Nam lại chuộng
Đem thắc mắc này trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), ông cho hay gà nhập khẩu chủ yếu là gà công nghiệp. Các mặt hàng nhập khẩu như đùi, cổ, cánh không được coi là hàng chính phẩm mà chỉ là thứ phẩm tại Mỹ. Bởi vậy, mặt hàng này được xuất khẩu ra các thị trường, trong đó có Việt Nam với mức giá rẻ.
“Các mặt hàng này cũng có những phân khúc tiêu thụ nhất định, ví dụ như phục vụ các quán ăn bán chân gà, cổ, cánh… nướng hoặc phục vục các bếp ăn công nghiệp.
Với những mặt hàng này, dù thị trường Mỹ không ưa chuộng song đó lại là thứ mà người tiêu dùng Việt Nam thích”, ông Dương phân tích.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, cũng đồng quan điểm. Ông Thắng phân tích tại nhiều nước phương tây, trong đó có Mỹ, thịt lườn mới là mặt hàng được ưa chuộng với mức giá đắt. Còn các loại thịt như đùi, cánh không được ưa chuộng.
“Đây thực chất là sản phẩm phụ phẩm cho chế biến song vẫn xuất khẩu được sang các nước châu Á thì họ vẫn xuất sang”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc Công ty TNHH Lucavi, một doanh nghiệp kinh doanh nông phẩm, giải thích gà nhập khẩu từ Mỹ không có sản phẩm gà thải loại như nhiều người vẫn bày tỏ lo ngại mà đều là gà nhập khẩu chính ngạch theo container, giá thành nhìn chung rất rẻ.
“Thị trường Mỹ chỉ chuộng phần ức gà vì đó là thịt rắng. Người chăn nuôi tại Mỹ chỉ bán riêng phần ức gà đã có lời. Phần chân, cánh, đùi gà được xem là phụ phẩm, để chế biến bột thịt xương dùng trong chăn nuôi. Mức giá bán bột thịt xương còn thấp hơn để nguyên xuất khẩu sang Việt Nam với giá thành 18.000 đồng/kg. Gà này nhập về Việt Nam được bán ra với mức giá khoảng hơn 40.000 đồng/kg. Như vậy đã là mức lợi nhuận quá lớn”, ông Cường nhận định.
Chi phí sản xuất gà Mỹ cực cạnh tranh
Việc nhập khẩu chủ yếu phụ phẩm thực chất chỉ là phần nổi của “tảng băng” trong câu chuyện gà Mỹ nhập về Việt Nam có giá quá “bèo”.
Cả giới chuyên gia lẫn doanh nghiệp đều nhận định, nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chi phí sản xuất tại Mỹ quá cạnh tranh.
Theo ông Thắng, trong các sản phẩm chăn nuôi, gà công nghiệp có giá thành sản xuất rẻ nhất, đặc biệt là tại thị trường Mỹ. Gà có tỷ lệ lớn nhanh, mật độ nuôi cao. Công nghệ về giống, thức ăn đều tốt.
Ông Cường đặt lên bàn cân so sánh để thấy được sự chênh lệch rõ ràng trong chi phí sản xuất gà tại Mỹ và Việt Nam. Theo đó, 1 kg thịt gà hơi tại Mỹ sản xuất ra có giá thành khoảng 15.000-16.000 đồng/kg. Ở Việt Nam, con số này là hơn 20.000 đồng/kg.
Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố như: Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Mỹ rẻ hơn Việt Nam khá nhiều. Ví dụ như, giá đậu tương tại Mỹ là 9.000 đồng/kg thì tại Việt Nam lên tới 16.000 đồng/kg. Trong khi đó, khô đậu tương chiếm tới 15% khẩu phần thức ăn chăn nuôi.
Hệ số chuyển đổi thức ăn trong chăn nuôi gà của Việt Nam là 1.6, nghĩa là mất 1,6 kg thức ăn thì cho ra 1 kg tăng trọng gà. Trong khi đó, hệ số này tại Mỹ chỉ là 1.4 và 1.2.
Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng quy mô, trình độ và công nghệ chăn nuôi của Mỹ khá lớn, hiện đại. Một chuồng gà tại Mỹ có khoảng 100.000 con gà, thậm chí lên tới hàng triệu con. Trong khi đó, Việt Nam khi đã ứng dụng công nghệ vào, một chuồng cũng chỉ có thể nuôi 10.000-20.000 gà.
“Một người ở Mỹ có thể đảm bảo cho sự vận hành nuôi khoảng hàng triệu gà bởi mọi thứ được tự động hóa hết từ các khâu như dọn chuồng, nước uống, bắt gà… Giá gà Mỹ rẻ hơn Việt Nam là điều chắc chắn”, ông Cường nhấn mạnh.
Khi gà Mỹ giá rẻ nhập khẩu nhiều vào Việt Nam, nhiều người lo ngại đặt ra là sự cạnh tranh với ngành chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Dương, với lượng nhập khẩu hiện nay, ngành chăn nuôi gia cầm chưa bị tác động nhiều.
"Nếu lượng nhập khẩu tăng lên, gây ra áp lực cạnh tranh với chăn nuôi trong nước, thì sẽ là điều đáng lo ngại”, ông nói.
Một số chuyên gia khác nhận định người Việt Nam không ăn nhiều gà công nghiệp. Gà nhập khẩu về chủ yếu để sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm.
Tỷ lệ nhập khẩu tăng cao có thể sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới sản lượng sản xuất gà công nghiệp trong nước của những doanh nghiệp lớn như CP, Dabaco… Tuy nhiên, người sản xuất nhỏ lẻ, nuôi gà màu bán phục vụ nhu cầu thị hiếu của người Việt sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Đồng tình với quan điểm việc nhập khẩu gà Mỹ chưa gây ra tác động gì đáng kể cho ngành chăn nuôi gia cầm trong nước, vị giám đốc Công ty Lucavi lưu ý: “Điều quan trọng nhất trong vấn đề nhập khẩu gà từ Mỹ là phải đảm bảo vấn đề vệ sinh thực phẩm và an toàn dịch bệnh”.
Theo vietnamnet.vn
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội...
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...