Giá hàng hóa dịch vụ đồng loạt tăng theo giá điện, xăng dầu

Thứ 4, 24/04/2019 | 14:55:17
391 lượt xem

Tăng giá 2 mặt hàng xăng dầu và điện đang tác động lan truyền đến nhiều mặt hàng thiết yếu và dịch vụ phục vụ nhu cầu của cuộc sống.

Các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí khi giá xăng dầu và điện cùng tăng

Việc điều chỉnh 2 mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và điện trong khoảng thời gian ngắn vừa qua đã và đang kéo theo sự tăng giá của nhiều hàng hóa phục vụ nhu cầu cuộc sống. Nhiều chuyên gia nhận định, do tăng giá 2 mặt hàng thiết yếu nên sẽ tác động đến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới mức 4%.

Thời điểm này tại nhiều chợ truyền thống, các mặt hàng thực phẩm được điều chỉnh tăng giá hơn so với thời gian trước đó. Hiện, nhiều đơn vị bán lẻ đã lập mặt bằng giá mới nhiều mặt hàng. Cụ thể, đối với các mặt hàng thực phẩm như thịt lợn tăng khoảng 20.000 đồng/kg; cá các nước ngọt tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg; mặt hàng rau xanh có mức tăng nhẹ nhưng tăng nhiều nhất là những loại rau như rau muống, rau cải, rau mồng tơi… rau cải ngọt đã tăng 5.000 đồng/kg.

Một số tiểu thương cho biết, điện xăng tăng giá khiến các mặt hàng rau cỏ, thịt đều tăng. Thịt lợn nạc vai, thăn, sườn đều tăng thêm 20.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg. Cá quả trước đây chỉ 135.000 đồng/kg nhưng nay là 140.000/kg; cá chép tăng từ 5.000 – 7.000 đồng/kg; cá rô phi tăng 5.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg, cá lăng trước 85.000 đồng/kg nay tăng lên 88.000 đồng…

Xăng dầu tăng giá cũng khiến dịch vụ vận tải tăng giá theo, mức tăng dao động từ 20-30%. Anh Nguyễn Tuấn Linh, tài xế của hãng Grab Bike cho biết, trước đây với quãng đường 10 km, khách hàng chỉ phải trả khoảng 50.000 đồng, bây giờ được điều chỉnh lên 70.000 đồng để bù vào chi phí.

“Xăng lên giá nên giá cước tăng cao hơn so với trước từ 4.000 – 5.000 đồng/km. Chi phí tăng lên nên lái xe buộc phải tăng thêm nên giá cước và khách hàng khi sử dụng phương tiện phải chấp nhận mức giá mới”, anh Linh cho biết.

Điện, xăng tăng giá cũng tác động rất lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, làm cho giá thành sản xuất tăng. Không những thế, khi chi phí vận tải tăng cũng kéo theo giá sản phẩm dịch vụ tăng theo, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của doanh  nghiệp.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội da giày- túi xách Việt Nam cho rằng, tăng giá các mặt hàng điện và xăng dầu sẽ làm tăng chi phí đầu vào, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới.

“Việc tăng giá 2 mặt hàng thiết yếu tạo ra sự bị động rất lớn cho nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp bị giảm bớt lợi nhuận bởi nhiều đơn hàng đã được ký kết từ trước, nay do chi phí tăng cao, muốn đàm phán lại hợp đồng rất khó khăn. Không còn cách nào khác, các doanh nghiệp phải tiết giảm, thu gọn các chi phí không cần thiết, tập trung sản xuất các nguyên liệu có giá tốt hơn để bù đắp lại những khoản tăng của chi phí đầu vào về giá xăng và điện”, bà Xuân chia sẻ.

Tăng giá 2 mặt hàng xăng và điện đang có tác động lan truyền đến tất cả các mặt hàng hóa khác. Bởi các hoạt động đều sử dụng trực tiếp và gián tiếp đến xăng dầu và điện. Do đó, khi giá đầu vào tăng, kéo theo giá thành sản phẩm tăng theo và sẽ có tác động lan truyền không chỉ đối những người trực tiếp sử dụng điện, xăng mà đối với những doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng bởi các yếu tố đầu vào của quy trình sản xuất.

Các chuyên gia nhận định, tăng giá hai mặt hàng này sẽ có tác động lan tỏa từ 2 - 3 tháng tới và kéo theo cộng hưởng khiến giá hàng hóa "té nước theo mưa". Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với mục tiêu mà Quốc hội đề ra về chỉ số lạm phát dưới 4% sẽ là thách thức trong năm 2019 này. Do vậy, chỉ số này sẽ cao hơn vì tác động tăng giá của 2 mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống là xăng và điện.

“Việc duy trì lạm phát ở mức 4% như Quốc hội đề ra sẽ là thách thức rất lớn trong năm nay. Tuy nhiên, do không thể không tăng giá xăng dầu nên tất cả các thành phần kinh tế cần phải sử dụng tiết kiệm khi sử dụng xăng dầu và điện, cũng như các nguyên vật liệu hiệu quả hơn nhằm tiết kiệm các chi phí”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Rõ ràng, việc tăng giá hai mặt hàng thiết yếu này đã và đang có nhiều tác động đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp. Do vậy, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp, người dân cần nâng cao tinh thần tiết kiệm năng lượng, góp phần hoàn thành mục tiêu duy trì chỉ số lạm phát dưới 4% trong năm nay./.

Theo vov.vn

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...