Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Thiếu doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt

Thứ 6, 21/12/2018 | 10:23:58
499 lượt xem

Dù năng lực sản xuất đã được cải thiện nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu có đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị “Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” diễn ra sáng 19.12 tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Nút thắt cổ chai 

Chia sẻ về công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành dệt, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho biết, dệt may là ngành đặc thù, liên kết theo chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và may trên quy mô toàn cầu và cấu trúc song song theo chuỗi giá trị. Mặc dù con số tăng trưởng của ngành luôn ở ngưỡng hai con số, song ngành dệt may Việt Nam phát triển không đồng đều giữa các khâu đoạn. Trong khi các phân khúc kéo sợi và may phát triển nhanh chóng thì phân khúc sản xuất vải (bao gồm dệt, nhuộm, hoàn tất) lại kém phát triển, tạo ra thế “nút thắt cổ chai” khiến sự phát triển toàn ngành khó bền vững. Theo ông Tuấn, nguyên nhân của “nút thắt cổ chai” trong ngành dệt may chủ yếu là do điểm đứt gẫy tại phân khúc nhuộm do nhận thức về ngành này chưa đúng, đủ; cũng như chưa có chính sách quy hoạch vùng miền nhất quán tại địa phương dẫn đến thiếu hạ tầng cơ sở phục vụ ngành, thiếu khu công nghiệp đặc thù chuyên ngành được trang bị hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn...

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, hạn chế lớn nhất hiện nay của công nghiệp hỗ trợ là chính sách và khuôn khổ pháp luật chậm được ban hành, chưa đáp ứng thực tiễn và chưa đồng bộ, vì vậy chưa tạo ra cơ chế mạnh mẽ thúc đẩy ngành này phát triển. Bên cạnh đó, quy mô cũng như năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn hạn chế, số lượng còn ít. Cả nước mới chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp nội địa và chỉ có 300 doanh nghiệp tham gia vào tập đoàn đa quốc gia nhưng hiện vẫn khó tìm nguồn cung ứng cho chuỗi sản xuất. Trong khi đó, dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp hỗ trợ rất hạn chế do phải tuân thủ các cam kết quốc tế. Dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, trong khi doanh nghiệp phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia.

Đặc biệt, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, công nghiệp hỗ trợ hiện chưa có các tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực và toàn cầu, gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực để tạo tính lan tỏa, dẫn dắt nền công nghiệp. Trình độ doanh nghiệp nội địa chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi sản xuất, chất lượng các chính sách còn hạn chế, môi trường kinh tế mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn chưa hấp dẫn thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Việc khởi tạo các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo còn nhiều khó khăn và rủi ro.

Doanh nghiệp lớn phải có vai trò dẫn dắt

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt, nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra, cho nên công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp. Nguyên nhân được xác định là thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Thủ tướng cho rằng, các cơ quan mới cấp được 23 giấy xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển là quá thấp.

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp trong nước chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ của Việt Nam còn khoảng cách so với các nước cùng khu vực, trong khi vẫn còn tư duy sản xuất sản phẩm khép kín. Một hạn chế nữa được Thủ tướng chỉ ra là nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân là do nội dung đào tạo tại các trường kỹ thuật lạc hậu, không gắn với thực tiễn sản xuất, chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó, sự gắn kết của doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI còn hạn chế, một số doanh nghiệp FDI chưa chú trọng phát triển các nhà cung cấp nội địa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong thời gian tới, Việt Nam cần đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, sản xuất, để biến nước ta thành một công xưởng sản xuất của khu vực ASEAN, châu Á, thế giới. Việt Nam có khát vọng phát triển nền tảng công nghiệp phụ trợ không chỉ là ô tô, xe máy, mà có thể là Boeing sẽ sản xuất cánh máy bay ở nước ta. Thủ tướng cũng nhắc lại mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng canh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; có khoảng 1 nghìn doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2 nghìn doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

“Muốn làm được hay không do chính chúng ta”, Thủ tướng nói và yêu cầu việc đầu tiên cần nghiên cứu là học tập cách Hàn Quốc, Nhật Bản, Séc, nhiều nước khác phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thủ tướng cũng đề nghị làm rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu trong việc hỗ trợ, dẫn dắt doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển và yêu cầu các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến nghiên cứu và phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...