Vấn đề quản lý đối với tiền ảo và khối chuỗi tại Việt Nam

Thứ 3, 05/06/2018 | 15:31:58
412 lượt xem

Thủ tướng đã giao cho Bộ Tư pháp nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo, phù hợp với kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam, đồng thời không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. TS. Nguyễn Xuân Hải đến từ Đại học Trung hoa của Hồng Công (Trung Quốc) đã có bài viết giải bài toán nan giải này.

 

Ngày 21-8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1255 giao cho Bộ Tư pháp “nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo,” thời gian hoàn thành vào tháng 12-2018. Hơn thế nữa, Thủ tướng cũng yêu cầu các nghiên cứu, đề xuất phải phù hợp với kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam, “giảm thiểu các rủi ro này nhưng không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.”

Trong khuôn khổ tiền mã hoá và công nghệ khối chuỗi nói riêng, đây là một bài toán cấp thiết, liên quan đến ổn định tài chính vĩ mô và các chính sách tiền tệ, ngoại hối. Thế nhưng đây cũng là một bài toán vô cùng hóc búa, khó có câu trả lời “tối ưu” ở thời điểm hiện tại.

Trên phương diện quốc tế, hiện các quốc gia đang có hướng tiếp cận rất khác nhau trong quản lý tiền mã hoá và hầu như chưa có quy định trong quản lý việc ứng dụng khối chuỗi.

Sự cấp thiết trong việc quản lý tiền mã hoá được hình thành và nhấn mạnh trước ba rủi ro chính.

Thứ nhất, đối với các quốc gia có chính sách ngoại hối liên quan mật thiết đến bình ổn tỷ giá và lãi suất, sự phát triển của tiền ảo có thể dẫn tới khả năng mất cân bằng dòng vốn, tạo dao động mạnh trong tỷ giá hối đoái, lãi suất trong nước và ảnh hưởng đến sự ổn định tài chính vĩ mô nói chung. Tại thời điểm hiện tại, phần lớn dòng vốn xuyên quốc gia chảy qua các định chế tài chính như Citibank hay JP Morgan Chase. Các chính sách quản lý ngoại hối, vì thế, chủ yếu dựa trên việc quản lý chặt chẽ các định chế tài chính này.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ gần đây của tiền mã hoá đang làm việc quản lý trở nên khó khăn hơn. Các đồng tiền mã hoá, xây dựng trên công nghệ khối chuỗi với đặc tính phân phối và phi tập trung, cho phép người sử dụng giao dịch không qua trung gian tài chính, tương tự như việc sử dụng tiền mặt mà không cần gặp trực tiếp. Các đồng tiền mã hoá cũng vì thế mà xoá nhoà biên giới quốc gia. Dòng vốn có thể chảy từ bất kỳ ai, đến bất kỳ đâu với số lượng bất kỳ mà không chịu nhiều kiểm soát của các nhà chức trách.

Đứng trước rủi ro cao về mất kiểm soát ngoại hối, Trung Quốc đã rất mạnh tay siết chặt việc sử dụng, mua bán, giao dịch tiền mã hoá trong thời gian qua. Đáng chú ý hơn, Việt Nam hiện có chính sách quản lý ngoại hối và dòng vốn tương tự như của Trung Quốc. Đây cũng là một trong những lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhấn mạnh việc tiền ảo (bao gồm cả tiền mã hoá) không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp từ năm 2016. Gần đây nhất, chỉ thị 02/CT-NHNN ra ngày 13-4-2018 cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng và các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không được thực hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo.

Thứ hai, nếu tiền mã hoá được phố biến rộng rãi, vai trò của hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính truyền thống có thể bị đe, gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên thị trường nợ và ảnh hưởng tiêu cực lên các dự án đầu tư dài hạn.

Một trong những ảnh hưởng trực diện nhất của tiền mã hoá là người sử dụng không còn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng trong giao dịch, thanh toán, từ đó không có nhu cầu gửi tiền vào ngân hàng. Điều này sẽ gây khó khăn cho ngân hàng trong hoạt động cho vay, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường xuyên trong nền kinh tế.
Trên thực tế, mặc dù thị trường chứng khoán trên thế giới đã có bề dày lịch sử và đã đạt độ phổ cập cao với tổng vốn hoá lên tới 127 nghìn tỷ đô la Mỹ (cite), tỷ lệ huy động vốn bên ngoài (external source of funding) từ nợ (chủ yếu là nợ ngân hàng) của các doanh nghiệp, tập đoàn ở các nước như Mỹ, Đức, Nhật và Canada vẫn vào khoảng 90%, so với khoảng 10% từ phát hành cổ phiếu (cite). Ở các nước đang phát triển, nợ ngân hàng là một yếu tố đặc biệt quan trọng vì thị trường vốn nói riêng và hệ thống tài chính nói chung thường còn đang ở giai đoạn sơ khai. Theo nghiên cứu từ Harvard Business School, các nước Đông Á trung bình sử dụng 1,5 đồng nợ cho mỗi đồng vốn (cite). Trong khi đó, theo nghiên cứu của OECD, các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cần khoảng hơn 3 đồng nợ cho mỗi đồng vốn, và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cần khoảng hơn 2 đồng (cite).

Hiện nay, do thị trường tiền mã hoá còn khá nhỏ và chưa có tương tác nhiều với nền kinh tế truyền thống, các rủi ro về suy giảm tiền gửi ngân hàng và bất ổn định ở thị trường nợ vẫn còn khá nhỏ. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề cần được quan tâm và có các biện pháp lường trước.

Thứ ba, tiền mã hoá cũng khiến các quốc gia trên thế giới quan ngại sâu sắc về vấn đề rửa tiền và tài trợ khủng bố. Trong khi các loại tiền mã hoá cho phép các giao dịch được thực hiện vượt qua biên giới quốc gia mà không cần các định chế trung gian, chúng cũng thường có tính bảo mật và riêng tư cao nhờ công nghệ mã hoá tiên tiến. Đây chính là những yếu tố mà những kẻ xấu, những kẻ cực đoan có thể lợi dụng để tài trợ cho những hoạt động bất chính, gây bất ổn xã hội và chính trị. Mối lo này không thuộc về riêng quốc gia nào. Chính vì vậy, hầu hết các nước trên thế giới đều yêu cầu các tổ chức liên quan đến tiền mã hoá thực thi nghiêm túc các quy định liên quan, thí dụ như Nhận biết khách hàng (KYC) và Chống rửa tiền (AML).

Việt Nam phải làm gì?

Mặc dù có nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn đối với tiền mã hoá - một trong những ứng dụng nổi bật nhất của khối chuỗi hiện nay, song công nghệ khối chuỗi còn có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Ba nhóm ứng dụng chính bao gồm: (i) giao dịch theo đơn vị; (ii) lưu trữ và quản lý dữ liệu và (iii) ứng dụng hợp đồng thông minh. Các ứng dụng này đều hứa hẹn thay đổi các hoạt động kinh tế truyền thống một cách đáng kể, hướng tới minh bạch hoá thông tin, chống sai sót, sửa đổi, làm giả, cắt giảm chi phí và thời gian và giảm thiểu sự chồng chéo trong quản lý, kiểm tra, kiểm định giấy tờ thủ tục. Đây đều là những lĩnh vực Việt Nam đang còn yếu và có nhu cầu phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Bài toán đặt ra cho Việt Nam vào thời điểm này là xây dựng được khung pháp lý bảo đảm vừa quản lý được tiền mã hoá, vừa không hạn chế khả năng ứng dụng công nghệ khối chuỗi vào các lĩnh vực khác.

Để giải được bài toán này, trước hết chúng ta phải nhận định rõ ràng rằng các phương pháp quản lý hiện hành như theo dõi, điều hành, kiểm tra, rà soát, tịch thu sẽ không hữu hiệu trong thế giới tiền mã hoá. Khi đối mặt với một tổ chức tội phạm thông thường, các cơ quan chức năng chỉ cần tìm ra người, nhóm đứng đầu, bắt và tịch thu tài sản của chúng thì phần lớn hoạt động của tổ chức đó sẽ bị tê liệt. Tuy nhiên, với tính chất phân phối và phi tập trung, lại sử dụng các công nghệ mã hoá (chưa thể phá được) trên khối chuỗi, tiền mã hoá sẽ không có người đứng đầu điều hành, các hoạt động giao dịch không thể được quan sát, kiểm tra, và việc tịch thu tài sản mã hoá cũng sẽ vô cùng khó khăn.

Vì sự mới mẻ và phức tạp này, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang phải đau đầu tìm một lời giải hợp lý.

Quản lý các “gateways"

Trong khi một phương pháp tiếp cận tối ưu được đưa ra, trước mắt Việt Nam nên xây dựng khung chính sách quản lý tiền mã hoá trên nguyên tắc minh bạch hoá. Cụ thể hơn, có hai việc chúng ta cần làm ngay.

Thứ nhất là quản lý các gateways có sẵn. Hiện nay, quy mô và độ phổ cập của tiền mã hoá còn khá nhỏ so với các hệ thống tài chính và nền kinh tế truyền thống. Việc quản lý sự chuyển đổi từ tiền pháp định sang các loại tiền mã hoá thông qua quản lý các gateways sẽ đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Cụ thể hơn, Việt Nam có thể ban hành khung luật, hoặc hướng dẫn các định chế tài chính phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để kiểm soát các giao dịch tiền mã hoá. Trên tinh thần không cấm, nhưng phải minh bạch, việc mua bán, chuyển đổi từ tiền mặt sang tiền mã hoá phải được kiểm soát chặc chẽ.

Thứ hai là kiến tạo các gateway mới. Việc giao dịch tiền mã hoá hiện nay đang tập trung nhiều ở các sàn giao dịch như Coinbase, Binance hay Gemini. Do việc quản lý các sàn giao dịch này sẽ dễ hơn rất nhiều so với việc quản lý các giao dịch trực tiếp, Việt Nam nên thử nghiệm việc xây dựng một hoặc một vài sàn giao dịch tập trung do Chính phủ quản lý. Tất cả các giao dịch liên quan đến tiền mã hoá phải đi qua các sàn giao dịch này.

Song song với đó, các sàn giao dịch nên có các “sandbox" gắn liền, cho phép các công ty thử kiệm, khởi nghiệp sáng tạo liên quan đến khối chuỗi, thông qua sàn để gọi vốn và phát triển. Như vậy, chúng ta cũng sẽ đạt được mục đích khuyến khích sự phát triển của khối chuỗi và các ứng dụng liên quan.

Kết luận: Khối chuỗi có nhiều ứng dụng tiềm năng lớn, bao gồm cả các lĩnh vực như chính phủ điện tử, tài chính thương mại, quản lý chuỗi cung ứng v.v. Trong khi một khung pháp lý cho tiền mã hoá, tài sản mã hoá cần phải được xây dựng để bảo đảm ổn định chính sách quản lý ngoại hối, ổn định lạm phát và lãi suất, nó cũng phải tạo được môi trường ổn định, nới rộng cửa cho cuộc Cách mạng 4.0. Phương pháp quản lý gateway sẵn có và xây dựng gateway mới là chiến lược nên làm hiện nay.

Vài nét về GS.TS Nguyễn Xuân Hải:

TS Nguyễn Xuân Hải đứng cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi gặp gỡ nhân chuyến thăm tới Hồng Công của Thủ tướng.

TS Nguyễn Xuân Hải sinh năm 1985 tại Hà Nội, hiện đang giữ vị trí Assistant Professor of Economics (Giáo sư dự khuyết tại trường đại học Chinese University of Hong Kong - Đại học Trung Hoa của Hồng Công) ở Hồng Công. Lĩnh vực nghiên cứu chính của TS Hải bao gồm ngân hàng, tài chính, và các vấn đề liên quan đến luật và chính sách ngân hàng, tài chính. Các nghiên cứu của anh vận dụng lý thuyết trò chơi, lý thuyết hợp đồng, và các lý thuyết liên quan, để phân tích các thất bại thị trường và đưa ra những chính sách hợp lý nhằm xử lý và hạn chế những thất bại đó.

TS Hải hoàn thành chương trình Tiến sĩ Kinh tế tại đại học Johns Hopkins University (Mỹ), Thạc sĩ Khoa học chuyên ngành Toán học tại đại học University of Tennessee (Mỹ), và Cử nhân chuyên ngành Toán và Kinh tế tại đại học University of Tennessee (Mỹ). TS Hải đã từng tham gia giảng dạy tại cả hai trường trên, đồng thời tham gia và tham luận khoa học tại nhiều hội thảo nghiên cứu kinh tế và tài chính tại Mỹ, Anh, Australia, Thái Lan, Hồng Công và cả Việt Nam.

Ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu tại trường hiện tại, TS Hải đang đẩy mạnh xây dựng quan hệ với các trường và viện tài chính nổi tiếng trên thế giới, bao gồm cả ở Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hồng Công, làm cầu nối đưa về Việt Nam những mô hình quản lý giáo dục tiên tiến, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam.

TS NGUYỄN XUÂN HẢI
Trưởng Nhóm Chính sách Kinh tế, EPG-AVSE Global

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...