Đặc khu có nên cho nhà đầu tư thuê đất 99 năm?

Chủ nhật, 03/06/2018 | 15:28:16
383 lượt xem

Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được đưa ra Quốc hội và đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm.

Công trình nhà ga sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đang được gấp rút xây dựng - Ảnh: ĐỨC HIẾU

Tuổi Trẻ Online ghi nhận thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các lãnh đạo địa phương và chuyên gia về vấn đề này.

* Đại biểu DƯƠNG TRUNG QUỐC:

Tôi rất băn khoăn.

 Nếu hiểu đặc khu là một môi trường để chúng ta tạo thuận lợi nhất cho đầu tư và phát triển bền vững thì tôi hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, với những mô hình đưa ra hiện nay, tôi có cảm giác rằng chúng ta chỉ dựa trên những cái thành công của quá khứ mà không đặt vào hoàn cảnh cụ thể.

Chúng ta chưa quan tâm đến tính lịch sử của nó, hay là vị trí địa lý của nó nên sẽ thấy những tiêu chí, hay những cái gọi là ưu đãi thu hút để tạo ưu trội của mình so với người khác, thực ra chỉ là thời gian giao đất, mở casino, nhân lực phong phú và rẻ tiền...

Tôi rất băn khoăn bởi vì ít nhất chúng ta phải có cái gì khác, đó là đội ngũ nhân lực đáng giá, cái đó liên quan đến thu nhập và đời sống của dân chứ không phải mãi mãi tự hào là chúng ta có nhiều cái rẻ. 

Thứ hai, chúng ta đang đặt mục tiêu hướng tới những giá trị gia tăng nhờ công nghệ, nhưng chúng ta chỉ nghĩ đến chuyện bất động sản. Những nhà đầu tư vào công nghệ, nhất là công nghệ cao, người ta đâu cần đến 70-99 năm?

Quan điểm của tôi là không đưa thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất 99 năm vào luật, bởi đó là một con số rất nhạy cảm.

* Ông NGUYỄN VĂN THÂN (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN):

Không ủng hộ luật sẽ là sai lầm

Tôi cho rằng tinh thần của chúng ta làm đặc khu là thử nghiệm, muốn đột phá. Bây giờ mình lo ngại thời gian giao đất 99 năm, nhưng người ta bỏ tiền kinh doanh thì họ phải thu lợi nhuận, người ta có lấy được đất của mình đâu?

Còn chuyện mình lo ngại sẽ thành đất của họ, rồi công nhân lao động sinh sống ở đó, tôi cho rằng điều đó là suy nghĩ không thực tế vì mình có nhiều bộ luật khác để chế tài. Chẳng hạn như các quy định về thời gian lao động, quy định về xuất nhập cảnh... 

Nếu nói 99 năm là dài thì tôi nghĩ chỉ cần 20 năm cũng dài rồi. Vấn đề là họ có đóng góp cho địa phương, có nộp thuế tốt, có tuân thủ pháp luật sở tại thì thậm chí ở các nước người ta còn cấp thủ tục cho họ làm công dân thường trú. 

Chúng ta có nhiều quy định, họ ở đó mà không đủ giấy tờ, quá hạn thì mình trục xuất, xử lý. Tôi cho rằng Luật đặc khu cần làm càng sớm càng tốt, đi đôi với đó là các điều kiện đặc thù để bổ sung. Mình không ủng hộ thì sẽ là sai lầm.

* Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH (Đại học Fulbright VN):

Doanh nghiệp khởi nghiệp không cần đất đến 99 năm

Phát triển những ngành công nghiệp công nghệ cao, môi trường tự do cho khởi nghiệp, hướng vào sáng tạo thì sức hút nằm ở những điều khác chứ không hẳn là những ưu đãi về đất đai. 

Bởi bản thân những ngành sáng tạo không cần nhiều diện tích đất mà cần những hoạt động hỗ trợ thuận lợi cho sáng tạo phát triển, đô thị có phát triển theo cụm hay trường đại học tốt hay không, hoạt động hỗ trợ tài chính năng động...

Muốn xây dựng các đặc khu trở thành những trung tâm tài chính năng động của khu vực thì chúng ta cần xây dựng mạng lưới doanh nghiệp, cơ chế huy động vốn, hoạt động kiểm toán, tư vấn luật pháp đi kèm...

Tôi nhận thấy cái luẩn quẩn ở đây là câu chuyện ưu đãi của các đặc khu, đặc biệt áp lực lên các địa phương cực kỳ lớn. Việc thời hạn thuê đất lên tới 99 năm chỉ có lợi cho doanh nghiệp bất động sản, nghỉ dưỡng.

TS Bùi Trinh

Cho thuê đất dài hạn và ưu đãi về thuế được xem như "mồi" để thu hút nhà đầu tư. Nhưng thực tế là gì? Trong mấy chục năm miệt mài thu hút đầu tư nước ngoài với những ưu đãi thuế, ưu đãi về sử dụng đất đai, chúng ta có được một chút ít từ chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng thực chất hưởng lợi không đáng kể.

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp cho thấy giai đoạn 2011-2016 khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có lợi nhuận trước thuế cao hơn khu vực ngoài quốc doanh trong nước hơn 181%, lợi nhuận này của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là lợi nhuận đã khai báo với cơ quan thuế. 

Thực tế lợi nhuận của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài so với lợi nhuận của khu vực kinh tế ngoài nhà nước có thể còn cao hơn khá nhiều.

Trong khi đó, thuế và các khoản nộp ngân sách của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ bằng 81% khu vực ngoài nhà nước, khoản thuế không bao gồm thuế gián thu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nộp vào ngân sách chỉ bằng 51% khu vực ngoài nhà nước.

TS Trần Du Lịch

Ưu đãi không phải là thời hạn giao đất

Cần hiểu quy định cho thuê đất tối đa 99 năm tại dự thảo luật chỉ áp dụng đối với một số dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển trong đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và phải được Thủ tướng quyết định. 

Không phải dự án nào được triển khai trong 3 đặc khu này là hiển nhiên được thuê đất 99 năm. Các dự án đầu tư khác trong đặc khu cũng chỉ được hưởng ưu đãi tương đương với quy định hiện nay.

Hiện nay chúng ta đã có cơ chế giao đất tối đa 70 năm, chúng ta có thể bàn đến 99 năm theo từng dự án và có thể nghĩ đến cách gia hạn sau mức 70 năm nếu dự án làm tốt. 

Nhưng theo tôi với cái ưu đãi, tính hấp dẫn không phải là thời hạn giao đất. Rõ ràng, với thời hạn đất dài như vậy, chúng ta chỉ có thể thu hút được casino và bất động sản.

Ngoài ra, cũng cần đặt vấn đề đặc khu muốn thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư ở vùng nào, trình độ công nghệ ra sao, song song đó là thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ mức độ công khai minh bạch mà chính quyền đặc khu phải tuân thủ.

* Ông LÊ XUÂN THÂN (trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa):

Trường hợp đặc biệt đang được thảo luận

Việc được thành lập đặc khu Bắc Vân Phong đối với chúng tôi là một sức bật và là tâm tư nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền cũng như đông đảo người dân.

Vị trí của Bắc Vân Phong có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được đầu tư. Chúng tôi nghĩ rằng với những chính sách như dự thảo luật thì số lượng nhà đầu tư đổ vào Bắc Vân Phong sẽ rất nhiều.

Luật giao cho chủ tịch đặc khu một số thẩm quyền, theo tôi là rất cần thiết để xử lý nhanh kiến nghị của nhà đầu tư. Chúng tôi quan tâm nhiều nhất tới thủ tục về đầu tư, xin giấy phép, những điều kiện… Việc này cần quan tâm nhiều hơn về tính công khai minh bạch, rõ ràng và thời hạn để thực hiện các thủ tục này.

Về các lo ngại về thời gian cho thuê đất quá lâu, Quốc hội đang có hướng bàn thời gian giao đất 70 năm - bằng thời gian theo Luật Đất đai hiện tại. Chỉ có những trường hợp đặc biệt, rất đặc biệt mới trình và Thủ tướng sẽ có ý kiến tăng thời gian cho thuê đất lên.

Điều này là cần thiết để chúng ta thận trọng, cân nhắc trước khi trình Thủ tướng và Thủ tướng cũng sẽ xem xét giao ở đâu, bao nhiêu năm… Trường hợp đặc biệt hiện đang thảo luận.

* Ông ĐINH KHOA TOÀN (chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang):

Nếu giao đất tới 99 năm, Nhà nước sẽ thiệt

Liên quan tới việc dự kiến thời hạn giao đất tại các đặc khu kinh tế có thể lên tới 99 năm, ông Đinh Khoa Toàn - chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - cho rằng nếu chủ trương này thành hiện thực, Nhà nước sẽ thiệt hại.

Theo ông Toàn, hiện tại chính sách giao đất cho nhà đầu tư các dự án đã lên tới mức tối đa 70 năm, phổ biến là giao đất trong mốc 50-55 năm, tùy từng trường hợp cụ thể.

Trên thực tế, thời hạn 50 năm có thể nói đã khá dài. Nếu tính về hiệu quả sau khi đầu tư, chỉ cần 10, 15 hoặc nhiều lắm 20 năm là doanh nghiệp đã thu hồi vốn và có lãi, khoảng thời gian sau đó chỉ thu lợi nhuận ròng.

Để thu hút nhiều dự án, chính sách ưu đãi là cần thiết, không cần thiết phải "hi sinh" quá nhiều cho doanh nghiệp. Đất đai là loại tài nguyên có giới hạn, đồng thời cũng là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trên đảo Phú Quốc, nguồn lực đất đai càng hạn chế so với đất liền.

"Quan điểm cá nhân của tôi là không nên giao đất cho chủ dự án tới 99 năm, vì chắc chắn Nhà nước sẽ chịu thiệt. Hiện nay, để thu hút đầu tư, khi giao đất cho các dự án, chúng ta đã có rất nhiều ưu đãi về miễn, giảm thuế..." - ông Toàn nói.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...