Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô: Không sai nhưng chưa toàn diện

Thứ 7, 20/08/2016 | 08:33:58
573 lượt xem

Sau những ý kiến trái chiều liên quan đến việc giữ hay bỏ Thông tư 20, Bộ Công Thương vừa có báo cáo chính thức trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó khẳng định Thông tư đã đạt được mục đích ban đầu của nó. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải tìm giải pháp toàn diện hơn.

Ban hành thông tư là cần thiết

Trong báo cáo, Bộ Công Thương cho biết, trước thời điểm Thông tư 20/2011/TT - BCT quy định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô mới dưới 9 chỗ ngồi phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền hoặc hợp đồng đại lý chính hãng của hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó (gọi tắt là Thông tư 20) được ban hành, thường xuyên xảy ra tình trạng một số chủng loại phương tiện (chủ yếu là xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống) được nhà sản xuất triệu hồi trên toàn thế giới để khắc phục lỗi nhưng không được triệu hồi ở Việt Nam.

Bộ Công Thương cho rằng Thông tư 20 là cần thiết để bảo vệ người mua xe.

Thông tư 20 không được ban hành để "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu". Mục đích ban hành Thông tư 20 là "nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) và an toàn giao thông đường bộ", thông qua việc yêu cầu thương nhân nhập khẩu, phân phối xe mới từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải chịu trách nhiệm với NTD về việc bảo hành xe và phải thay mặt nhà sản xuất chịu trách nhiệm về xe nhập khẩu đó trong một số trường hợp nhất định như triệu hồi do lỗi của nhà sản xuất. Theo Bộ Công Thương, đến nay, Thông tư 20 đã đạt được mục đích quan trọng đó.

Liên quan đến ý kiến cho rằng Thông tư 20 là điều kiện đầu tư kinh doanh, trái với Luật Đầu tư năm 2014 do nhập khẩu ô tô không phải là ngành thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định, nên cần phải được bãi bỏ, Bộ Công Thương khẳng định Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm mục tiêu quản lý.

Tìm giải pháp toàn diện hơn

Mặc dù vậy Bộ Công Thương cũng chỉ ra một số bất cập của Thông tư 20. Cụ thể, Thông tư 20 chỉ điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh các loại phương tiện khác trong khi rủi ro gây mất an toàn và xâm phạm quyền lợi của NTD của tất cả các loại phương tiện là như nhau. Mặt khác, Thông tư 20 cũng chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu, không áp dụng cho hàng sản xuất trong nước.

Để thực sự bảo vệ quyền lợi của NTD và bảo đảm an toàn giao thông, các quy định như của Thông tư 20 cần được áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia lưu thông, bất kể là xe chở người hay chở hàng, xe nhập khẩu hay xe sản xuất trong nước. Cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành các quy định như vậy là Bộ Giao thông Vận tải.

Thông tư 20 cũng không điều chỉnh xe đã qua sử dụng, xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu theo đường quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển... nên đã xuất hiện tình trạng biến xe mới thành xe cũ hoặc đưa xe mới về nước theo đường quà biếu, quà tặng để "lách" Thông tư 20. Các tiêu cực dạng này không thể khắc phục được bằng Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền chính hãng, chỉ có thể khắc phục được bằng cách áp dụng các quy định trong nước, cụ thể là tại khâu đăng ký lưu hành phương tiện.

Do đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan sớm ban hành các quy định có tác dụng tương đương Thông tư 20, áp dụng tại khâu đăng ký lưu hành và áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia giao thông đường bộ, bảo đảm các loại phương tiện này được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.

Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ Thông tư 20 khi các quy định do Bộ Giao thông Vận tải ban hành chính thức có hiệu lực. Đồng thời, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...