Trải qua chặng đường dài với những nỗ lực không ngừng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nét nổi bật nhất nằm ở kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM). Đến nay, với 16 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, Thái Thụy là một trong những huyện đi đầu về XDNTM trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình.
Bộ mặt nông thôn khởi sắc tại huyện Thái Thụy
* Kinh nghiệm XDNTM tại Thái Thụy
Về Thái Thụy những ngày này, ấn tượng đầu tiên với nhiều người là những con đường liên thôn, liên xã, đã được đổ bê tông thẳng tắp. Các công trình trường học, nhà văn hóa, hội trường thôn xây dựng rộng rãi, khang trang. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay với không khí sản xuất khẩn trương, tất bật. Tất cả vẽ nên bức tranh nhiều màu sắc về diện mạo mới, sức sống mới trên khắp các vùng quê. Ước mơ của người dân nhiều năm qua về cuộc sống mới sung túc, đủ đầy, cũng đang dần trở thành hiện thực.
Bắt tay vào XDNTM, Thái Thụy chỉ có 2 xã đạt 10 tiêu chí, các xã còn lại đa phần đạt dưới 5 tiêu chí. Qua 4 năm thực hiện, đến nay tổng tiêu chí toàn huyện đạt được đã lên tới 745 tiêu chí, gấp hơn 3 lần so với khi mới bắt đầu. Bên cạnh 16 xã về đích, Thái Thụy có 5 xã đạt 16 – 17 tiêu chí, 17 xã đạt 14 – 15 tiêu chí và 9 xã đạt 10 – 13 tiêu chí.
Xây dựng giao thông nội đồng
Một trong những yếu tố làm nên thành công trong XDNTM ở Thái Thụy là sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ của cấp ủy Đảng chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, qua đó dần khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại ở một số địa phương. Các mục tiêu và lợi ích của XDNTM cũng được huyện tuyên truyền sâu rộng, tạo sức lan tỏa lớn. Người dân nhận thức đầy đủ về vai trò của mình, từ đó tự nguyện đóng góp thời gian, công sức, vật chất để thực hiện 19 tiêu chí.
Ông Phan Đình Dực, Phó Bí thư Huyện ủy Thái Thụy cho biết :“ Huyện phân công các đồng chí Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo những xã sớm về đích và những xã khó khăn trong XDNTM, các tổ chức đoàn thể có sự phối hợp với nhau. Huyện giao cho Mặt trận Tổ quốc đứng ra chủ trì ký kết hợp tác với các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, bao gồm 9 tổ chức trong cả hệ thống để làm sao 9 tổ chức này xuống từng địa phương theo từng đợt để dấy lên phong trào thi đua ở các địa phương”.
Đào tạo nghề tiểu thủ công cho lao động nông thôn tại huyện Thái Thụy
Trên cơ sở “lấy dân làm gốc”, nhiều xã trên địa bàn huyện Thái Thụy đã có cách làm hay, lộ trình sáng tạo, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Sở, ban ngành, đúc kết, rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai tại các địa phương còn lại. Trong đó, có những xã dù không được lựa chọn làm điểm trong XDNTM nhưng vẫn vươn lên về đích sớm. Xã Thụy Văn là một minh chứng. Nói về kinh nghiệm XDNTM tại Thụy Văn, ông Vũ Hữu Tiếp - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thụy Văn cho hay: “ Phương châm chỉ đạo là làm từ ngoài đồng về trong làng, từ ngõ làm ra và sau cùng mới làm đến công sở. Tất cả các công việc từ lớn đến nhỏ đều đưa ra nhân dân bàn bạc, dân chủ công khai và minh bạch. Đặc biệt, vấn đề làm đến đâu triển khai đến đó và nói đi đôi với làm. Chính vì vậy tất cả người dân Thụy Văn đều đồng tình hưởng ứng rất cao.”
Năm 2014, đánh dấu bước ngoặt lớn trong XDNTM của cả tỉnh nói chung, và Thái Thụy cũng không là ngoại lệ. Quyết định số 19 của UBND tỉnh về hỗ trợ xi măng đưa vào thực hiện, được xem là lời giải cho bài toán khó về các tiêu chí cần nhiều kinh phí đầu tư như giao thông, thủy lợi. Luồng gió mới từ sự hỗ trợ sát sao của tỉnh, cùng sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện, đã khơi dậy tinh thần, khí thế tham gia hưởng ứng của người dân. Thái Thụy có 47/48 xã đăng ký tiếp nhận 116.973 tấn xi măng hỗ trợ, được tỉnh phê duyệt trên 70%.
Hết năm 2014, các địa phương đã hoàn thành 202 km đường giao thông nông thôn; 31km đường giao thông nội đồng và cứng hóa gần 11km kênh mương. Tổng nguồn lực huy động để đầu tư XDNTM trên toàn huyện đạt 734 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 300 tỷ đồng.
Ông Bùi Đức Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy
Đúc rút thành công lớn XDNTM tại Thái Thụy, ông Bùi Đức Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy hệ thống lại “ Một là, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó xác định người dân là trọng tâm XDNTM. Thứ hai, cán bộ phải công tâm khách quan và minh bạch trong việc huy động nguồn vốn của nhân dân.... Thứ ba, chính quyền phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các xã, thị trấn tiếp nhận nguồn vốn từ trên xuống. Thứ tư, tiếp tục thực hiện việc huy động các nguồn lực tổ chức gặp mặt con em xa quê vận động các xã đi trao đổi học tập mô hình kinh nghiệm cũng như kêu gọi con em xa quê huy động nguồn vốn XDNTM."
Thụy Dương là một trong những xã nhận nhiều xi măng hỗ trợ nhất của huyện Thái Thụy. Tiếp nhận hơn 3.000 tấn xi măng, xã đã cứng hóa 14 km đường giao thông nông thôn; 1,2km đường ngõ xóm; 6km đường giao thông nội đồng và gần 2km mương máng phục vụ tưới tiêu, thủy lợi. Người dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất và phá dỡ nhiều tường rào, cổng dậu để mở rộng đường. Chỉ sau một năm thực hiện Quyết định 19 của UBND tỉnh Thái Bình về hỗ trợ xi măng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, Thụy Dương đã hoàn thành những tiêu chí cuối cùng về giao thông, thủy lợi nội đồng, về đích XDNTM vào cuối năm 2014. Ông Bùi Doãn Thiện – thôn Đông, xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy bộc bạch: “Sau khi nghe chủ trương của Đảng và Nhà nước về XDNTM, gia đình tôi đã đóng góp đất để xây dựng đường giao thông nội đồng và giao thông nông thôn gần 100 m. Người dân chúng tôi đều rất hăng hái, nhiệt tình, không quản bất cứ gì. Kể cả tháng 6 nắng như vậy nhưng nhân dân vẫn tích cực tham gia trên đồng ruộng để làm đường nội đồng, đường làng.”
Cánh đồng màu xã Thụy An
Thành công của XDNTM ở Thái Thụy không chỉ thể hiện trên những con đường khang trang, rộng mở, mà còn từ chính sự thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa của người dân. Công tác dồn điền đổi thửa được các địa phương tập trung hoàn thành từ năm 2012. Đây được coi là “cuộc cách mạng đất đai” lớn tạo ra bước đột phá trong phát triển nông nghiệp trên toàn huyện. Từ đó, Thái Thụy đã có điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giảm tải sức lao động, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn huyện hiện có 1.800 ha cánh đồng mẫu, nâng hiệu quả sản xuất từ 15 – 20% so với sản xuất truyền thống, giá trị tăng gần 20 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2014, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện tăng 22,6% so với năm 2010.
Cánh đồng mẫu chuyên màu ở xã Thụy An có quy trình luân canh 4 vụ/năm. Không giống những địa phương khác - trồng nhiều cây theo nhu cầu thị trường, nông dân Thụy An hầu hết đều trồng một loại cây ở cùng một thời vụ, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn và đảm bảo chất lượng. Năm 2014, Thụy An liên kết với 1 số doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm đẩu ra cho nông dân, tạo nguồn tiêu thụ với mức giá cao và ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân trên cánh đồng mẫu lên tới 600 – 700 triệu đồng/ha/năm.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, Thái Thụy còn đẩy mạnh việc duy trì, phát triển nghề và làng nghề, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, số cơ sở, tổ sản xuất ở Thái Thụy có sự suy giảm nhẹ. Đến hết năm 2014, toàn huyện có 5.200 cơ sở, tổ sản xuất, giảm 11% so với năm 2010. Những cơ sở còn trụ lại đều phát triển tốt, tìm được hướng đi mới, sáng tạo. Hiện Thái Thụy có 24 làng nghề và 2 xã nghề, thu hút 18.500 lao động tham gia. Xu hướng sản xuất phát triển tốt trong 5 năm qua là các doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ máy móc thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất, thu hút lượng lớn lao động địa phương. Đến nay, tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm trên toàn huyện đạt 97%. Số lao động đã qua đào tạo chiếm 53,7%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 3%.
* Kết quả XDNTM tạo tiền đề cho định hướng phát triển tương lai
Nghề rèn tại xã Thụy Dân
Từ kết quả XDNTM đang có nhiều thành công mà đời sống người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn khởi sắc. Các ban, ngành, đoàn thể và địa phương đều có tiền đề vững để xây dựng kế hoạch phát triển của huyện. Ông Lê Sĩ Thiệp - Trưởng phòng Công thương huyện Thái Thụy cho biết: “ Những năm tới, chúng tôi vẫn quan tâm theo dõi đôn đốc và phân từng nhóm nghề với từng khu vực. Từ phân nhóm khu vực xã thì chúng tôi sẽ có nhóm chỉ đạo xuống xã thì đặc biệt tuyên truyền cho nhân dâ. Sau đó, dùng cơ chế, chính sách nguồn khuyến công của tỉnh, Trung ương và của huyện trích một phần động viên các cơ sở phát triển. Huyện chú trọng đối với nhóm nghề chế biến, quan tâm cho bà con khai thác ngư dân đánh bắt thủy hải sản, chế biến đạt hiệu quả cho đời sống của ngư dân ven biển.”
Thành công trong XDNTM ở Thái Thụy những năm qua còn là tiền đề để xây dựng nếp sống văn hóa tinh thần cho nhân dân thêm phong phú. Ngay từ khi bắt tay vào XDNTM, Thụy Ninh là xã đầu tiên ở Thái Thụy triển khai xây dựng đình làng kết hợp với nhà văn hóa thôn, gọi là đình làng văn hóa. Đây là cách làm sáng tạo của địa phương, vừa đổi mới bộ mặt làng quê nhưng vẫn gìn được nét văn hóa truyền thống. Những đình làng văn hóa được xây dựng khang trang, thực sự đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ của bà con. Đến nay, mỗi thôn trong xã đều thành lập và duy trì một CLB chèo. Thông qua hoạt động của CLB, các nghệ sĩ nghiệp dư đã biến làn điệu chèo trở thành công cụ đắc lực, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, cổ vũ tinh thần hăng hái tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế của bà con. Người dân xã Thụy Ninh đã mang cả trí tuệ, lòng nhiệt huyết góp phần vào sự đổi mới của quê hương. Ông Phạm Văn Ngọ- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thụy Ninh cho rằng trong thời gian tới xã xây dựng kế hoạch phát triển văn hóa như sau: “ Chúng tôi sẽ huy động sự đóng góp của con em xa quê, những người có tâm với quê hương sẽ tham gia ủng hộ đóng góp cho làng. Chúng tôi đã có những người đóng góp hàng trăm triệu để xây dựng đội văn nghệ, mua sắm từ phông màn, quần áo đến nhạc cụ. Cùng với tuyên truyền thì xã cũng tạo nguồn lực, có kinh phí nhất định, từ chi phí của văn hóa để giúp các đội văn hóa văn nghệ, các thôn có điều kiện thực hiện mục tiêu”. Nâng cao đời sống của người dân về mọi mặt đó là mục tiêu mà huyện Thái Thụy hướng tới trong XDNTM. Những tiêu chí nông thôn mới về y tế, giáo dục, môi trường, an ninh trật tự đều được các địa phương trong huyện tập trung thực hiện. Chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ, phương pháp dạy học được chuẩn hóa. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. 100% số xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 1. Song song với đó, vấn đề môi trường ở nông thôn cũng đang từng bước được giải quyết. ANTT được giữ vững. Những thành công bước đầu đã trở thành động lực để các địa phương tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của 19 tiêu chí NTM, dần thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực hơn. Ông Đoàn Quang Thạo - Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Dương nói về hướng phát triển và giữ vững và phát triển thành quả XDNTM đã đạt: “Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để phát huy hiệu quả trong công tác XDNTM. Vận động nhân dân sử dụng có hiệu quả các công trình. Đối với các tiêu chí không cần về kinh phí mà chủ yếu về ý thức người dân thì chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, đặc biệt tuyên truyền với các đoàn thể, các chi bộ để thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.”
Những xã đã hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí trong XDNTM tiếp tục nâng hiệu quả kinh tế của 19 tiêu chí này, tập trung chủ yếu vào nội đồng, quy hoạch nội đồng, mở rộng diện tích cây vụ đông, chú trọng phát triển kinh tế để làm nâng cao đời sống nhân dân trong thời gian tới.
Giao thông nông thôn Thái Thụy gọn gàng, sạch sẽ
Thời gian tới, Thái Thụy tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế chính sách liên quan đến XDNTM, thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền để cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đẩy đủ, sâu sắc hơn về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong XDNTM. Đồng thời, huy động tốt mọi nguồn lực theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy dân chủ để tăng cường nguồn lực XDNTM.
Ông Phan Đình Dực - Phó Bí thư Huyện ủy Thái Thụy
Ông Phan Đình Dực, Phó Bí thư Huyện ủy Thái Thụy cho biết kế hoạch XDNTM trong thời gian tới: “ Huyện đã yêu cầu các xã rà soát từng tiêu chí, từng tiểu mục để có lộ trình phấn đấu hết sức cụ thể. Các đồng chí Huyện ủy viên, cán bộ phòng, ban, đơn vị phải trực tiếp xuống hướng dẫn đôn đốc kiểm tra và thường xuyên báo cáo để có bước chấn chỉnh, động viên các xã có thể về đích sớm. Nục tiêu năm 2015 này, huyện Thái Thụy tiếp tục phấn đấu 8 xã về đích nông thôn mới.”
Xây dựng nông thôn mới cần quá trình lâu dài và chắc chắn còn không ít khó khăn. Muốn đạt được thành công trong chặng đường này cần có sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, sự tham gia tích cực của người dân. Những kết quả đạt được hôm nay, chính là kinh nghiệm và bài học quý giá để Thái Thụy tiếp tục tiến những bước vững chắc, hướng tới mục tiêu năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới.
Hà My
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường xem xét, biểu quyết thông qua các dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...