Với những cách làm chủ động, sáng tạo theo quan điểm chỉ đạo “dân là chủ thể”, công cuộc xây dựng Nông thôn mới ( XDNTM) ở Thái Bình đã có bước phát triển đột phá. Chỉ năm 2014, toàn tỉnh có tổng số 71 xã về đích nông thôn mới ( NTM), vượt xa cả về tiến độ thời gian và số lượng xã so với mục tiêu Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Kết quả đó chính là điểm tựa vững chắc cho XDNTM trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Các vùng sản xuất tại Thái Bình
Thành quả trong XDNTM
Một mùa xuân mới đang về trên quê hương Thái Bình. Có lẽ chưa bao giờ Thái Bình có bước chuyển mình lớn đến vậy. Chỉ trong vòng một năm, 71 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM, gấp hơn 5 lần so với năm 2013. Các vùng quê đang khoác lên mình một diện mạo mới, tràn đầy sức sống. Những con đường bê tông thênh thang chạy qua các xóm làng trù phú. Các công trình phúc lợi xã hội được xây dựng khang trang. Những cánh đồng thẳng cánh cò bay với các ô thửa lớn, vuông vức. Máy móc đưa vào tận đồng. Tất cả của cải tinh thần hàng trăm năm của bà con đang được khôi phục, duy trì và phát triển. Một không gian nông thôn mới, nếp sống nông thôn mới, với chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao đang nối gần nông thôn với thị thành.
Đến nay, toàn tỉnh có 85 xã đạt 19 tiêu chí, vượt chỉ tiêu và hoàn thành sớm một năm so với mục tiêu có 70 xã về đích NTM theo mục tiêu đề ra của Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về XDNTM giai đoạn 2011 – 2015.
Các xã còn lại có 49 xã đạt 15 – 18 tiêu chí, 120 xã đạt 10 – 14 tiêu chí và chỉ còn 9 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Những thành công mà toàn tỉnh đạt được trong năm 2014 đã đánh dấu một chặng đường dài có sự chung tay nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, trong năm qua, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt ở từng cơ sở đã được nâng cao.
Sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền các cấp
Từ huyện tới xã đều xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu cụ thể, phân công cán bộ trực tiếp phụ trách, kiểm tra, đôn đốc XDNTM ở từng cơ sở, lấy kết quả XDNTM để đánh giá cán bộ, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi. Việc sát sao với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của cấp ủy, chính quyền địa phương, được ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia XDNTM tỉnh Thái Bình đánh giá lại: "Năm 2014 vừa qua, tỉnh Thái Bình đã có chỉ đạo các đồng chí từ thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ, các đồng chí Tỉnh ủy viên cùng lãnh đạo các Sở, ngành tham gia lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể cho từng huyện, xã và đặc biệt là phân công phụ trách chỉ đạo các xã yếu, kém trong tỉnh về XDNTM. Chính vì đó, mà công tác lãnh đạo chỉ đạo XDNTM trên địa bàn tỉnh đạt kết quả đáng khích lệ tạo sự đồng đều cao, phong trào rộng khắp và tính lan tỏa tính thi đua của từng địa phương được đẩy mạnh cao hơn so với những năm trước."
Kết quả của việc chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương mà năm 2014, mỗi xã xếp hạng yếu, kém trong XDNTM của tỉnh Thái Bình đều tăng từ 2 – 3 tiêu chí. Trong đó các tiêu chí khó như: Giao thông, hộ nghèo, thu nhập. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tập trung quyết liệt, sâu sát hơn đã khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại tại các địa phương và huy động được nội lực của người dân. Nhờ thế, nhiều xã đã vươn lên từ khó khăn, đăng ký về đích NTM sớm hơn so với lộ trình.
"Cú hích" từ Quyết định 19
Quyết định 19 của UBND đã huy được sức dân trong XDNTM
Năm 2014, cũng là năm mà cơ chế, chính sách XDNTM từ tỉnh đến các huyện đã ngày càng hoàn thiện. Quyết định số 19 của UBND tỉnh về hỗ trợ xi măng đưa vào thực hiện, được xem là lời giải cho bài toán khó về các tiêu chí cần nhiều kinh phí đầu tư như giao thông, thủy lợi. Luồng gió mới từ sự hỗ trợ sát sao của tỉnh đã khơi dậy tinh thần tự nguyện, khí thế tham gia hưởng ứng của người dân.
Cùng với 770 tấn xi măng hỗ trợ, các địa phương đã phát huy dân chủ, huy động nguồn lực trong dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Tổng nguồn lực huy động XDNTM năm 2014 đạt trên 6.000 tỷ đồng. Khối lượng các công trình trong năm 2014 ước bằng 3 lần khối lượng các công trình xây dựng trong 3 năm từ 2011 - 2013 cộng lại. Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Tự Tân, huyện Vũ Thư nhận định: " Quyết định 19 của tỉnh hỗ trợ xi măng cho các xã. Nó giúp cho các xã giải quyết khoảng 40-45% lượng đóng góp để làm đường. Đây là Quyết định rất tích cực, nếu không có quyết định này thì là rất khó khăn với ngân sách xã và nhân dân địa phương".
Cơ sở vật chất phục vụ an sinh xã hội của các địa phương được cải thiện nhờ XDNTM
Quyết định 19 của UBND tỉnh đã tạo ra " cú hích" mạnh mẽ trong huy động sự hăng hái, nhiệt tình và nội lực của những người làm chủ thể của chương trình nông thôn mới. Ông Bùi Doãn Thiện, thôn Đông, xã Thụy Dương, huyện Thái Thụy chia sẻ: " Gia đình tôi đã đóng góp đất để xây dựng đường giao thông nội đồng và giao thông nông thôn gần 100 m đất. Không quản bất cứ gì, kể cả tháng 6 nắng như vậy nhưng gia đình tôi và nhân dân trong thôn vẫn tích cực tham gia trên đồng ruộng để làm đường".
Năm 2014, Hưng Hà là huyện đăng ký tiếp nhận nhiều xi măng nhất của tỉnh 111,5 tấn. Huyện tiếp tục xây dựng cơ chế trích 20% tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất thuộc quyền của huyện, để hỗ trợ các xã đăng ký về đích. Đây có thể coi là nỗ lực của Hưng Hà để đẩy phong trào toàn dân tham gia XDNTM trên toàn huyện lên cao hơn, có tính lan tỏa rộng hơn. Trong vòng một năm, huyện có tới 13 xã về đích, trở thành một trong những địa phương đi đầu về XDNTM trên toàn tỉnh. " Khi Nghị quyết riêng của chúng tôi là NQ104 và đề án 02 về tận thu những diện tích đất để xử lý đưa vào đóng góp chung trong XDNTM. Các xã đều có cơ chế trích lại tỷ lệ, tiền đất của xã để cho các thôn, các thôn tự quản lý và thực hiện theo cơ chế chung của nguyên tắc nhà nước. Đó cũng là 1 cú hích, chứ nếu cứ huy động trong dân mà không có cú hích lớn như thế thì tôi nghĩ rằng rất khó". Ông Trần Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà thẳng thắn nhìn nhận.
Sự hỗ trợ kịp thời từ tỉnh, sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân các địa phương, kết cấu hạ tầng NTM tại nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã dần được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ hoàn thành những tiêu chí còn lại.
Các địa phương đưa giải pháp tăng thu nhập
Cánh đồng ớt tại xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ
Với mục tiêu hướng tới là sự thay đổi toàn diện trong cuộc sống của người dân, thành công trong XDNTM năm 2014 còn nằm ở hiệu quả sản xuất trên các cánh đồng, tại những khu trang trại lớn. Người nông dân đang dần từ bỏ thói quen canh tác nhỏ lẻ, chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa trên quy mô lớn. Cánh đồng mẫu chuyên màu ở xã Thụy An, huyện Thái Thụy có quy trình luân canh 4 vụ/năm là một ví dụ.
Không giống những địa phương khác là người dân trồng nhiều cây theo nhu cầu thị trường, nông dân Thụy An hầu hết đều trồng một loại cây ở cùng một thời vụ, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn và đảm bảo chất lượng. Đây chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển bền vững của các cánh đồng mẫu nói chung. Năm 2014, Thụy An liên kết với một số doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân, tạo nguồn tiêu thụ với mức giá cao và ổn định. Đến nay, thu nhập bình quân trên cánh đồng mẫu lên tới 600 – 700 triệu đồng/ha/năm. Ông Mai Công Hải, Phó CT UBND xã Thụy An, huyện Thái Thụy cho biết: Thụy An đã xây dựng kế hoạch xây 2 trạm bơm để mở rộng cánh đồng màu tăng diện tích 4 vụ/năm. Tới đây, Thụy An phát huy cây truyền thống, tuyên truyền và chuyển giao khoa học kỹ thuật tới nhân dân để mở rộng một số cây xuất khẩu có đầu ra, tạo điều kiện tăng thu nhập ".
Cánh đồng mẫu tại xã Thụy An, huyện Thái Thụy
Việc quy hoạch cánh đồng mẫu thay đổi tư duy sản xuất của người dân, không chỉ mang lại hiệu quả cao ở những địa phương đã có truyền thống canh tác tốt như Thụy An, mà với những xã khó khăn, cánh đồng mẫu lại càng phát huy hiệu quả.
Cánh đồng mẫu rộng hơn 50 ha của xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ quy hoạch xong từ đầu năm 2014. Nhìn những thửa ruộng vuông vức, ngay ngắn, nhìn không khí sản xuất tất bật, phấn khởi của bà con, ít ai có thể tưởng tượng rằng, cách đây chưa tới 5 năm, sản xuất nông nghiệp từng là bài toán khó đối với Quỳnh Hoàng. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền xã và các đoàn thể đã cùng vào cuộc thực hiện hiệu quả tất cả các khâu, từ quy hoạch, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, đến liên kết đầu vào, đầu ra cho nông sản. Tạo được sự khác biệt về hiệu quả kinh tế là bí quyết giúp Quỳnh Hoàng từng bước vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, gắn sản xuất với thị trường. Ông Tạ Tiến Khang, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ chia sẻ: " Chúng tôi đã triển khai ký kết với đơn vị cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho nhân dân, được nhân dân đồng thuận chấp hành tốt. Tiếp thu một số giống cây mới trong sản xuất tại cánh đồng mẫu cũng góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập của nhân dân".
Đến nay toàn tỉnh Thái Bình đã hình thành 143 cánh đồng mẫu với diện tích 6.072 ha, trong đó: 115 cánh đồng mẫu có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Trên cánh đồng mẫu đã hình thành sự đồng bộ trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất, làm ra sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Mô hình cũng tạo nên những chuyển biến tích cực, từ diện mạo nông thôn đến lối nghĩ, cách làm của mỗi người dân.
Hy vọng mới cho XDNTM trong năm 2015
Trạm y tế, nhà văn hóa tại các địa phương ngày càng khang trang
Cùng với nỗ lực cải thiện cơ sở vật chất hạ tầng và phát triển sản xuất, những tiêu chí khác trong XDNTM cũng được các địa phương quan tâm thực hiện. Các thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư, gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Phong trào xây dựng thôn làng, gia đình văn hóa, các phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng phát triển sôi nổi, rộng khắp. Đồng thời, sức khỏe của người dân được quan tâm chăm sóc có hiệu quả hơn ngay từ tuyến ban đầu. 100% trạm y tế xã đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Những vấn đề về môi trường ở nông thôn cũng đang từng bước được giải quyết. An ninh trật tự được giữ vững. Đến hết năm 2014, bình quân 1 xã đạt 15 tiêu chí trở lên, tăng 10 tiêu chí/xã so với năm 2010.
Mục tiêu năm 2015: toàn tỉnh có ít nhất 130 xã về đích và 1 – 2 huyện đạt huyện Nông thôn mới. Ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia XDNTM tỉnh Thái Bình cho biết: " Thái Bình tiếp tục tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, tạo ra được sự dân chủ công khai minh bạch trong XDNTM ở các địa phương. Đối với các xã đã về đích và các xã đang phấn đấu về đích thì tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho nhân dân ".
Hoàn thành XDNTM đã khó, nhưng để giữ vững và phát huy hiệu quả của 19 tiêu chí còn nhiều khó khăn hơn. Tiếp tục nâng cao đời sống của nhân dân, duy trì và không ngừng thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực. Đây cũng là mục tiêu mà các địa phương đặt ra và tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Diện mạo nông thôn đang bừng sáng trên khắp các làng quê. Một mùa xuân mới đã đến. Những niềm vui trong năm cũ dường như đang được nhân lên và trở thành điểm tựa để công cuộc XDNTM của Thái Bình tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới, thắng lợi mới trong chặng đường phía trước.
Hà My
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...