Góc nhìn từ hướng dạy nghề cho lao động nông thôn tại Thái Thụy

Thứ 4, 07/01/2015 | 15:12:00
1,433 lượt xem

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Thời gian qua, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã tổ chức hơn 170 lớp học nghề giúp hàng ngàn người lao động có công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống gia đình.

* Những phương án dạy nghề cho lao động nông thôn

 

Ông Gia Công Hinh truyền nghề làm mộc

Năm nay đã ngoài 40 tuổi, ông Gia Công Hinh, thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy dành hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề nông. Vất vả sớm hôm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng thu nhập vẫn bấp bênh. Quyết tâm vươn lên thoát khỏi khó khăn, ông Hinh đăng ký học nghề mộc dân dụng tổ chức tại địa phương. Tiếp thu được nghề, ông mạnh dạn mở xưởng sản xuất. Ban đầu, ông chỉ nhận làm các vật dụng đơn giản. Nhờ nắm vững kỹ thuật, giữ uy tín về chất lượng với khách hàng, nên xưởng mộc của ông Hinh ngày càng được nhiều người biết tới. Đến nay, ông đã mở rộng quy mô, nhận làm từ các vật dụng nhỏ trong gia đình, tới các loại giường, tủ, bàn ghế, đa dạng về mẫu mã. Lợi nhuận hàng tháng của xưởng mộc lên tới hàng chục triệu đồng.

Ông Gia Công Hinh, thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Hinh còn tích cực dạy nghề và tạo việc làm cho  6 lao động khác trong thôn. Ông Gia Công Hinh tâm sự: Hiện nay đang làm cho tôi có 6 người. Mức thu nhập ổn định từ 4 triệu rưỡi đến 5 triệu.Tôi cũng tiếp tục phấn đấu để làm sao tạo thêm công ăn việc làm,  nâng cao đời sống thu nhập cho từ 5 người đến 10 người.Đấy là niềm vui và tự hào của mình.”

Những người đã thành công từ việc học nghề từ các ban, ngành tại địa phương tổ chức như ông Gia Công Hinh không còn hiếm ở Thái Xuyên. Nếu như trước đây, người dân xã Thái Xuyên sống chủ yếu dựa vào nghề nông thì nay đã khác. Nhiều nghề mới được phổ biến cho thu nhập ổn định, giúp người nông dân vốn một nắng hai sương với đồng ruộng, đang dần thay đổi nhận thức trong chọn nghề làm ăn sinh sống. Hàng năm, xã tổ chức 3 – 4 lớp dạy nghề, mỗi lớp thu hút từ 40 – 50 học viên.

Song song với việc du nhập nghề mới như cơ khí, mộc, may công nghiệp... thì những nghề truyền thống lâu đời như mây tre đan, móc sợi cũng được xã tập trung phát triển. Chính quyền xã còn liên hệ với các đơn vị tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, hợp tác đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu việc làm cho học viên ngay sau khi kết thúc khóa học. Nhờ thế, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề ở Thái Xuyên luôn ở mức trên 80%. Một trong số địa chỉ được xã Thái Xuyên dạy nghề cho nông dân là Doanh Mây tre đan xuất khẩu Thanh Bình. Hiện nay, doanh nghiệp này có 2.000 lao động đang làm gia công tại chỗ và đang dạy nghề 9, trong đó có 5 lớp hàng sợi và 4 lớp hàng mây. Sau khi  học nghề xong,  học viên được nhận làm ngay tại xưởng và có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy cho biết về cách liên kết dạy nghề cho lao động nông thôn: “ Tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã chiếm 47%. Do vậy mà chúng tôi đã vận động nhân dân tích cực tham gia các ngành nghề trên xã. Từ dạy nghề, phát triển nghề truyền thống, du nhập thêm nghề mới để đảm bảo cho người dân có thu nhập và đời sống tốt hơn.”

Đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn là cú hích quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ( NTM). Đến nay, các xã trên địa bàn huyện Thái Thụy đều đã hoàn thành tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Hơn 60% số xã hoàn thành tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Các xã làm tốt những tiêu chí này phần lớn đều có điều kiện thực hiện các tiêu chí về cơ sở vật chất hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Chặng đường tiến đến danh hiệu huyện NTM của Thái Thụy đã hoàn thiện hơn 70%.

  * Khó khăn trong đào tạo nghề nông thôn

Dù đã đạt được nhiều kết quả thiết thực nhưng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thái Thụy vẫn tồn tại không ít khó khăn. Một số địa phương chưa định hướng dài hạn ngành nghề, từ đó chưa xác định được nghề cần đào tạo, không đáp ứng được yêu cầu việc làm của người lao động. Ở những xã xa trung tâm, nhận thức của một bộ phận lao động nông thôn về học nghề và việc làm còn hạn chế. Tư tưởng gắn bó và sống dựa vào sản xuất nông nghiệp đã khiến bà con không mấy mặn mà với việc học nghề. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường cũng dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác dạy nghề, tạo việc làm. Kinh tế nhiều biến động, sản phẩm của một số nghề làm ra không tiêu thụ được, đầu ra bấp bênh, không ổn định. Những nguyên nhân này khiến không ít người dân dù được đào tạo bài bản nhưng lại không thể phát triển được tay nghề tại địa phương. 

Nhiều sản phẩm gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ 

Xã Thái Hòa là một minh chứng cụ thể. Là xã thuần nông nằm xa trung tâm huyện, Thái Hòa đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM. Tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đã đạt nhưng việc làm của người dân mới chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp trên quy mô nhỏ, tự sản tự tiêu, thu nhập bấp bênh và phụ thuộc vào thời tiết, thị trường. Mỗi năm xã tổ chức 1 - 2 lớp học nghề may, mây tre đan. Nhưng do chưa liên kết được với nhiều doanh nghiệp, công ty trong khu vực nên lao động đào tạo xong vẫn chật vật khi tìm kiếm việc làm. Những người có mong muốn tự phát triển nghề thì lại vấp phải không ít khó khăn từ vốn đến thị trường tiêu thụ.

* Giải pháp nâng cao hiệu quả dạy nghề

 Nghề rèn truyền thống đang được huyện Thái Thụy khuyến khích phát triển tạo thu nhập ổn định cho người dân

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết khó khăn cho các địa phương, huyện Thái Thụy tập trung rà soát nhu cầu học nghề, bố trí chương trình đào tạo nghề phù hợp với mong muốn của người dân và nhu cầu của thị trường. Công tác xã hội hóa, thu hút sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong đào tạo nghề, cũng được đẩy mạnh. Đồng thời, huyện Thái Thụy đã tiến hành khảo sát tại các khu công nghiệp lớn để xây dựng dự án đào tạo cho các ngành nghề áp dụng công nghệ mới, đòi hỏi lao động phải có các kỹ năng chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Các làng nghề truyền thống cũng được tập trung xây dựng dự án đào tạo nghề nhằm giữ gìn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, Thái Thụy chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề và có ý thức phát triển nghề tại địa phương.

Dạy nghề cho lao động nông thôn có vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực tại nông thôn, có tác động mạnh mẽ đến phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Làm tốt công tác này, huyện Thái Thụy đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở nông thôn, từng bước xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại và bền vững.

Ông Nguyễn Duy Cam - Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết biện pháp nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề: “Đối với trung tâm dạy nghề, chúng tôi tập trung nỗ lực cao hơn nữa trong việc hoàn thiện nâng cao cơ sở vật chất, rồi nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ giáo viên, mở rộng cơ cấu đào tạo nghề, tiến tới mở rộng những thị trường lao động để cung cấp cho nhu cầu lao động ở trong địa phương và cả ngoài địa phương, thậm chí tiến tới liên kết trong đào tạo và xuất khẩu lao động”.

Trăn trở về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chắc – Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy chia sẻ về giải pháp mà xã đang làm: Một là, mình cố gắng tạo điều kiện hết sức để cho các cơ sở, chủ doanh nghiệp có hành lang pháp lý; đặc biệt là vấn đề vốn, liên hệ với các Ngân hàng vay vốn để tạo điều kiện cho họ. Thứ hai là kêu gọi các con em xa quê nếu có điều kiện tìm đầu ra để giúp đỡ địa phương để các chủ doanh nghiệp có bước đệm phát triển.”

Hà My

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...