Gặp lại những người lính tham gia giải phóng Sài Gòn

Thứ 5, 30/04/2020 | 00:00:00
7,855 lượt xem

Đã 45 năm kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử, nhưng những giây phút chiến đấu ác liệt, khoảnh khắc đứng giữa lằn ranh sự sống và cái chết, thời khắc sung sướng, tự hào khi được chứng kiến giây phút lịch sử 11h30 phút ngày 30/4/1974 vẫn còn nguyên trong ký ức của các CCB. Họ là những người lính may mắn được tham gia chiến dịch HCM, trong đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

Giờ phút lịch sử 11h30 phút ngày 30/4/1974 - lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập

Trước khi tiến vào Sài Gòn, những người lính của Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 như CCB Quách Đình Nhàn đã tham gia đánh trận Xuân Lộc, mở cánh cửa thép phòng ngự ở phía Đông Sài Gòn. Với Quân giải phóng, Xuân Lộc là vấn đề chiến lược liên quan trực tiếp đến thời gian, tốc độ của những chiến dịch kế tiếp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mà trực tiếp nhất là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

CCB Quách Đình Nhàn, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4: 

Đây là cửa ngõ nên chúng bố trí 1 lực lượng rất quan trọng, để đổ dồn vào đây, VNCH nói mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn nên chúng bố trí lực lượng trang thiết bị vũ khí để bảo vệ. Ngày 9/4 đơn vị chúng tôi được lệnh tấn công vào 4 điểm quan trọng….đến 20 lợi dụng trời mưa địch rút lui, cuối cùng bắt được tỉnh trưởng Nguyễn Văn Phúc.

Niềm vui giải phóng - Ảnh sưu tầm

Chiến thắng Xuân Lộc ngày 21/4/1975 đã khơi dậy, cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng khí thế cách mạng tiến công của toàn quân và dân cho trận quyết chiến chiến lược. Còn đối với chính quyền và quân đội Sài Gòn, sự kiện Xuân Lộc đã tạo ra một áp lực mạnh mẽ làm cho nội bộ lục đục và suy yếu thêm. Ngày 23-4-1975, Tổng thống Mỹ Giô Dơn Pho tuyên bố: “Cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ”. Sau khi mở được cánh cửa thép, những người lính quân đoàn 4 tiếp tục tiến vào giải phóng Sài Gòn.

CCB Trần Văn Minh, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 273, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4:

 Quân ta đang trên đà chiến thắng, các loại hỏa lực quân ta đánh vào Trảng Bom, trên đường gặp phải sự chống trả cuộc địch, đến 7h30-8h làm chủ Chi khu trảng bom. Sáng ngày 30/4 nhận lệnh cấp trên phối hợp với đơn vị xe tăng miền Đông Nam Bộ tiến vào Sài Gòn.


Còn với CCB Nguyễn Quang Tiệp, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, cảm xúc của những ngày tham gia chiến dịch HCM vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức. Ông Tiệp nhớ lại, đơn vị ông lúc đó là Đại đội 18, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 được giao nhiệm vụ tiến công giải phóng Sài Gòn từ hướng Bắc, với các mục tiêu như Lái Thiêu, cầu Bình Triệu, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy.

CCB Nguyễn Quang Tiệp, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ: Hướng chủ yếu là Bộ Tổng tham mưu ngụy. Tiếp cận lúc 4h30 sáng, tầm 6h đồng chí Lại Đức Lưu được phân công lên cắm cờ. Cắm cờ ở đây rất nhiều lực lượng được phân công…Anh em bộ đội hăng say, đến giờ phút này quân đội VN đã chiếm được vào Sài Gòn, cũng là niềm phấn khởi rồi. Anh em chúng tôi không nghĩ đến hi sinh, chỉ nghĩ làm sao giải phóng được Sài Gòn, giải phóng được đất nước.


Với tốc độ thần kỳ “một ngày bằng 20 năm”, quân ta chia thành 5 hướng tiến công về Sài Gòn. Nhiều người con Thái Bình có mặt trong đoàn quân ấy, mỗi người một nhiệm vụ khác nhau. Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, đơn vị của CCB Phạm Duy Đô là Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn đặc công 116, Quân khu 7 nhận lệnh tấn công kho xăng An Bình, chiếm và giữ cầu Xa lộ Biên Hòa và bảo vệ một loạt các cứ điểm trọng yếu ở cửa ngõ vào Sài Gòn, đợi quân đội chủ lực của ta vào hiệp đồng tác chiến.

 CCB Phạm Duy Đô - Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn đặc công 116, Quân khu 7: "Đơn vị tiếp tục lên xe tăng để dẫn đường cho đơn vị xe tăng vào dinh độc lập. Lúc đó tôi đại đội trưởng tôi ngồi xe tăng cùng đồng chí Bùi Quang Thận…. Nhiệm vụ trên đường đi không đơn giản bởi căn cứ Nước Trong, Thủ Đức địch ngoan cố bắn trả quyết liệt…"



Bức ảnh kỷ niệm ngày tiến vào Sài Gòn đã trở thành kỷ vật thiêng liêng của những người lính như CCB Phạm Duy Đô

Trưa ngày 30/4/1975, sau khi xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, đơn vị của ông Đô cũng có mặt tại đây. Lên tầng 2 của Dinh Độc Lập, đại đội trưởng Phạm Duy Đô ra ban công phất cờ chiến thắng làm tín hiệu cho bộ đội ta tiếp tục tiến vào. Cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, đất nước hoàn toàn được giải phóng. Có trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước 2 miền chia cắt mới thấy hết ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30-4-1975, mới cảm nhận hết giá trị của hòa bình và sự thống nhất, toàn vẹn Tổ quốc, Bắc – Nam sum họp một nhà.

CCB Phạm Duy Đô - Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn đặc công 116, Quân khu 7: 

Vào Dinh Độc Lập phất lá cờ an toàn trong lòng phấn chấn, hào hứng, không thể tả nổi cảm xúc lúc ấy, anh em ở miền Bắc, miền Nam ôm nhau mừng rỡ.


Những ký ức hào hùng của thời khắc lịch sử 30/4/1975 vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi người lính từng tham gia chiến dịch HCM. Đúng 11h30, lá cờ quân giải phóng đã tung bay ngay tại Tổng hành dinh của Chính quyền Sài gòn. Đó là giây phút mong chờ của biết bao người Việt Nam. Để đến được ngày hòa bình ấy, cả dân tộc đã trải qua bao nhiêu hy sinh, gian khó. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn, non sông đã được thu về một mối. Cả đất nước trọn niềm vui.

Ninh Thanh

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...