Các địa phương, đơn vị chủ động đối phó với cơn bão số 3

Thứ 3, 16/09/2014 | 11:09:19
1,139 lượt xem

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, các địa phương, đơn vị chủ động phương án phòng chống.

*, Huyện Quỳnh Phụ: Yêu cầu hệ thống đài truyền thanh cập nhật liên tục thông tin về diễn biến, cường độ của cơn bão số 3; các địa phương thực hiện ngay phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, đảm bảo an toàn hàng hoá, thiết bị. Địa phương cũng đảm bảo tiêu úng kịp thời, nhất là đối với 500 ha ớt đông đang phân cành, 1.000 ha cây rau màu sớm; vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín và 50 ha cây màu hè thu; hoàn thành phương án di chuyển các hộ dân đang sinh sống ở vùng xung yếu vào khu vực an toàn, đặc biệt là 17 hộ dân đang ở vùng xung yếu ngoài đê bối xã Quỳnh Lâm trước 16h ngày 16/9.  Ngay trong chiều 15/9, Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi huyện Quỳnh Phụ đã đóng các cống tưới, mở cống tiêu của toàn hệ thống, tranh thủ tiêu trọng lực qua cống Trà Linh và hệ thống cống ngang, giữ mực nước trong hệ thống thấp hơn so với yêu cầu, giải tỏa triệt để vật cản và các vi phạm khác trên hệ thống sông trục.

*, Huyện Vũ Thư: Hơn 8000 ha lúa mùa của huyện đang trong giai đoạn chín; 1.800 ha ngô, rau màu đang phát triển; 2 điểm kè Hướng Điền và Hồng Lý có nhiều điểm sạt lở; hơn 1.400 hộ dân có nhà ở không đảm bảo cần di dời. Ban Chỉ huy PCLB huyện Vũ Thư yêu cầu: Xí nghiệp khai thác công trình thuỷ lợi huyện và các địa phương thực hiện biện pháp tiêu thoát nước trên sông trục, sông tiêu và chủ động tiêu thoát nước trong đồng khi bão vào gây mưa lớn; nghiêm cấm việc neo đậu tàu thuyền bên kè, cống; có ngay biện pháp bảo vệ các lồng cá nuôi trên sông. Đặc biệt, chủ động di dời các hộ có nhà ở yếu trước 17h ngày 16/9.

*, Huyện Hưng Hà: Tăng cường kiểm tra các trọng điểm đê, kè xung yếu; đảm bảo an toàn đò ngang vận chuyển khách; các chủ phương tiện thủy neo đậu trên sông có biện pháp phòng chống. Trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, xí nghiệp chằng chống nhà xưởng, nơi sản xuất, đảm bảo an toàn trang thiết bị, cơ sở vật chất. Đặc biệt, huyện Hưng Hà đã chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng tiêu thoát nước triệt để trên mặt ruộng, các sông trục, kênh mương đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa; tăng cường lực lượng tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự; chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời trong trường hợp bão số 3 đổ bộ vào, đảm bảo an toàn cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

 *, Huyện Đông Hưng: Chủ động các phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ngay từ chiều ngày 15/9, các địa phương, cơ quan đơn vị đã tổ chức thực hiện phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu đê, kè, cống. Nhất là các công trình đang thi trên đê và các công trình hạ tầng nông thôn mới. Đồng thời kiểm tra, vận hành chạy thử các trạm bơm tiêu nước, khơi thông dòng chảy toàn bộ hệ thống kênh mương nội đồng, triệt để tiêu nước trên sông, sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn. Tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, trạm y tế...và rà soát lại phương án bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, trẻ em và người già cô đơn. Hiện tại, các lực lượng Công an, Ban chỉ huy Quân sự huyện đã triển khai lực lượng đảm bảo an ninh trật tự và sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh điều động. Đài phát thanh huyện và Đài truyền thanh các xã, thị trấn thường xuyên thông tin, tuyên truyền để nhân dân không chủ quan lơ là trong công tác đối phó với bão số 3, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có mưa bão lớn xảy ra.

*, Các Khu công nghiệp trong tỉnh: Ban Quản lí các Khu công nghiệp tỉnh yêu cầu công ty phát triển hạ tầng, doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp, nhà thầu thi công xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp khẩn trương kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn của các hạng mục công trình xây dựng như: Nhà làm việc, xưởng sản xuất, nhà kho có phương án sửa chữa kịp thời hoặc gia cố vững chắc, nâng cao độ an toàn và sức chống đỡ khi có thiên tai; nạo vét, khơi thông cống rãnh để khi mưa bão lớn không xảy ra ngập, lụt. Kiểm tra, rà soát, bổ sung vật tư, thiết bị, phương tiện phòng chống lụt, bão; chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có lũ, bão xảy ra. Các nhà thầu, đơn vị thi công triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản, phương tiện, công trình xây dựng; có phương án sẵn sàng khôi phục thi công, đẩy nhanh tiến độ ngay sau bão.

PV - CTV

  • Từ khóa
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 30.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...