Nhà giáo, nhà phê bình văn học Đỗ Lâm Hà

Thứ 7, 20/11/2021 | 00:00:00
2,204 lượt xem

Nhà giáo Đỗ Lâm Hà còn được biết đến là Nhà phê bình văn học trên văn đàn của Thái Bình, là hội viên Hội VHNT tỉnh. Ông mới ra mắt tập sách có tên "Đền đáp", được Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam ấn hành. Đây là một công trình đồ sộ, dày gần 700 trang, tri ân những người cầm bút là người có công với nước, cựu chiến binh và con của liệt sỹ.

 

Đỗ Lâm Hà được biết đến trên văn đàn Thái Bình như một Nhà lý luận phê bình văn học đầy nhiệt huyết, mẫu mực và có tư duy định hướng. Ông có tên thật là Đỗ Ngọc Cầu, sinh năm 1939, xã Đông Tân huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình, hiện cư trú tại phường Quang Trung. Ông từng là giảng viên tại trường Đại học Mỏ Địa chất và nguyên là Phó hiệu trưởng trường Nghiệp vụ thuỷ lợi tỉnh Quảng Ninh.


Năm 2000, khi về nghỉ chế độ ông mới bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình. Tuy không qua trường lớp đào tạo chính quy nhưng ông rất chịu khó đọc, học hỏi và suy ngẫm nên mới viết nên những vần thơ, câu văn làm cảm động lòng người. Cùng với vốn sống phong phú ông đã sáng tác và xuất bản được hơn chục quyển sách, trong đó có 5 tập thơ và 6 tập Tiểu luận phê bình văn học, mỗi cuốn dày đến vài trăm trang, chưa kể những cuốn sách biên tập cho các hội, nhóm và cá nhân hay CLB thơ nhiều nơi trong tỉnh. 

82 tác giả trong tập “Đền đáp” của Nhà phê bình văn học (NPBVH) Đỗ Lâm Hà đã giới thiệu với độc giả hàng trăm bài viết tâm huyết. Ông đã phải đọc hàng nghìn trang sách, dành nhiều thời gian nghiên cứu, đúc rút lại để viết được bài phê bình ưng ý, mỗi bài viết dài chừng 3 trang. Từ khi về hưu, ông đã đọc không biết bao nhiêu tác phẩm của các tác giả nơi ông đã từng công tác như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình…và các tác giả thuộc nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nam Định và cả Thành Phố Hồ Chí Minh…., do vậy nhiều chân dung văn học qua tác phẩm của họ đã tạo nên một sự đa dạng nhiều màu sắc của nội dung cuốn “Đền đáp”.


Nhà phê bình văn học Đỗ Lâm Hà chia sẻ: ”Khi đọc các tác phẩm thì mình thấy say mê, trước hết là tôi rất trân trọng người cầm bút, từ nhà văn lớn cho đến hội viên của các CLB và khâm phục họ. Đọc sách là một niềm vui và khi viết giới thiệu thì lại trải được lòng mình qua tác phẩm, thật đồng cảm với các tác giả nên mình mới trải lòng vào đó.”

Với ý tưởng cao đẹp cùng niềm đam mê mãnh liệt với văn chương cộng với sự khổ công lao động nghệ thuật, bất chấp tuổi cao sức yếu và mọi khó khăn trong đời thường mà Đỗ Lâm Hà đã hoàn thành được tâm nguyện lớn với khối công việc đồ sộ như thế.  Câu trả lời nằm trong lời tâm sự trong phần đầu cuốn sách của tác giả: “Tôi đang bước vào thập niên thứ 9 của đời mình và dang hưởng thụ chế độ ưu đãi của người có công với nước mà đêm đêm trong phòng văn tĩnh lặng vẫn canh cánh bên lòng còn nợ nước non, đồng bào, đồng chí mãi chưa bao giờ trả xong. Món nợ to lớn nhất choán hết đời tôi là nợ thế hệ bao con cháu Lạc Hồng ra chiến trường đánh giặc cứu nước bảo vệ tổ quốc, máu đã thấm đỏ vào lòng đất Mẹ thiêng liêng.”

Qua lời tâm sự của ông có thể thấy ông đã dành hết tâm huyết cho công trình “Đền đáp”. Đỗ Lâm Hà muốn qua tập “Đền đáp” tri ân những người lính, những cựu chiến binh, những người có công với cách mạng, những người là con của liệt sỹ, sau khi hoàn thành sứ mạng vẻ vang bảo vệ nền độc lập dân tộc, họ còn sáng tạo những tác phẩm văn học, đóng góp công sức làm đẹp cho đời. Xuất phát từ cái tâm vời vợi của một tấm lòng tri ân những người có công với đất nước, nhà phê bình văn học Đỗ lâm Hà khiến ta phải phâm phục, kính nể tấm lòng của một người cha liệt sỹ Đỗ lâm Hà.

Phần mở đầu cuốn “Đền đáp” trân trọng giới thiệu bộ sách gồm 5 tập “Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quốc bảo của nền văn hiến nước nhà.” Ông đã đánh giá rất cao giá trị của bộ sách vì nó tóm tắt những lời dạy cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả cuộc đời hoạt động của Bác. Những lời dạy vàng ngọc của Bác Hồ dành cho mọi đối tượng nhân dân, các cấp, các ngành trở thành kim chỉ nam cho mọi ngành, mọi người noi theo. Nhà phê bình Đỗ Lâm Hà cũng đánh giá cao ý tưởng độc đáo, tâm huyết, sự tuyển chọn khoa học của Tiến sỹ Nguyễn Hồng Chuyên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thái Bình và Ban biên tập bộ sách quý. 

Trong một bài viết khiêm tốn hơn 2 trang giấy, Đỗ Lâm Hà đã chắt lọc nhưng trang nhật ký của liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm một đoạn giàu chất thơ và xin phép hương linh liệt sỹ cho ông đặt tên đoạn nhật ký đó là “Chiều nay” để bạn đọc biết đến vẻ đẹp mang đầy tứ thơ qua những dòng nhật ký của liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm: “Chiều nay có tứ thơ hay và thi pháp mới mẻ…Chiều nay như một bông hoa bất tử, thanh khiết, hương ngát lòng ta”.

Cuốn văn xuôi gồm những bài viết về thanh niên xung phong Thái Bình mang tên “Thanh niên xung phong Thái Bình-Những dấu ấn lịch sử” do hai cựu TNXP Phạm Tần và Đặng Văn Bộ làm chủ biên, Đỗ Lâm Hà đã gọi là “Một tác phẩm đậm chất sử thi”.  Còn tập thơ của TNXP Thái Bình sáng tác mang tên “Tình em gửi trọn con đường", Đỗ Lâm Hà khẳng định: “Đây thực sự là một tác phẩm đậm chất văn học và nghệ thuật thơ truyền thống Việt Nam. Thi phẩm này sẽ là cảo thơm cho mai sau về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.” Ông đã dành tới 29 trang viết trân trọng giới thiệu hai bộ sách quý này. 

Giới thiệu tập thơ và ký “Chiến sĩ Trường Sơn quê lúa” của Hội Truyền thống Trường Sơn do CCB Vũ Hồng Thái - nguyên Phó Bí thư thành uỷ Thái Bình làm chủ biên với tiêu đề “Từ khoảng lặng tâm hồn, sáu mươi năm ngày ấy Trường Sơn”, Nhà phê bình văn học Đỗ Lâm Hà viết: “Khoảng lặng tâm hồn 60 năm ấy của CCB Trường Sơn quê lúa Thái Bình (19/05/1959-19/052019), khoảng lặng tâm hồn ký ức trong chiến trường máu lửa, trong đói khổ, trong thắt lưng buộc bụng phục hồi kinh tế thời hậu chiến, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc do bọn diệt chúng Pon-pot và bọn Trung Quốc bành trướng xâm lăng, trong đổi mới kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế. Từ ba khoảng thời gian sôi động cách mạng chưa từng có trong lịch sử đất nước… Các CCB Trường Sơn quê lúa Thái Bình dành giây phút bình tâm ghi lại tiếng lòng của mình bằng những trang thơ, văn trong 60 năm lịch sử Binh đoàn. Tôi rưng rưng xúc động đọc một tác phẩm văn học được viết ra từ tâm huyết những người Cựu lính Trường Sơn”.

Trong tập “Đền đáp” còn tập hợp nhiều chân dung và tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ Thái Bình được ông viết bài và đã đăng trên báo Thái Bình từ năm 2000 như: Nhà thơ, con liệt sỹ Đỗ Trọng Khơi, nhà thơ con liệt sỹ Ánh Tuyết, Đại tá nhà văn quân Đội Bùi Thanh Minh, nhà thơ CCB Phan Đức Chính, nhà văn Trần Văn Thước, nhà thơ Phạm Minh Giắng, dịch giả Trần Bích Lan …

Nhà thơ Ánh Tuyết, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình đã nói về điểm độc đáo của cuốn sách “Đền đáp”:


Nhà thơ Ánh Tuyết, Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh nói: “Tôi muốn nói đến cái lạ và độc và ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa tôn vinh và ý nghĩa cao cả của dân tộc rất lớn, Đấy chính là làm nên ý nghĩa lớn trong tập sách “Đền đáp” của Nhà phê bình văn học Đỗ Lâm Hà. Có vài chục tác giả là người Thái Bình được giới thiệu trong cuốn sách này”  

Nhà phê bình văn học Đỗ Lâm Hà đi nhiều, đọc nhiều nên trong tập “Đền đáp” còn giới thiệu các tác giả, tác phẩm là người dân tộc…dường như nó đã thêm một sức sống mới, nội lực mới cho cuốn sách.


Nhà thơ Ánh Tuyết, Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng cho biết thêm: “Trong nhiều năm, Nhà phê bình văn học Đỗ Lâm Hà đã cặm cụi viết những tác phẩm phê bình văn học rất có giá trị , ví dụ như là: 4 tập “Trang văn vời vợi bên đèn”, rồi “Của tin” và ông đã từng đạt giải ba của Liên hiệp các hội VHNT, giải Lê Quý Đôn và nhiều giải thưởng khác của tỉnh. Năm nay ông đã 82 tuổi rồi, ông làm tôi rất cảm động vì ông đã từng nói: Tôi phải làm nhanh cho kịp với thời gian để tri ân những người đã có công với đất nước”. 


Giữ cương vị chủ nhiệm CLB thơ phường Quang Trung từ nhiều năm nay, ông Đỗ Lâm Hà đã dóng dựng phong trào sáng tác thơ, văn trong hội người cao tuổi, đổi mới chương trình sinh hoạt mang tính học thuật nhiều hơn để hội viên thêm hứng thú nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về thơ ca, sáng tác, dần dần nâng cao chất lượng phong trào.


Nhà phê bình văn học Đỗ Lâm Hà chia sẻ: ”Tôi không phân biệt nhà văn chuyên nghiệp với nhà văn nghiệp dư, không phận biệt hội viên Hội VHNT của Trung ương, không phân biệt là hội viên của Hội VHNT tỉnh, cũng không phân biệt là nhà thơ của các CLB …các cụ thường xuyên là các cụ làm được thơ thì đưa lên tôi biên tập giúp.”

Cuốn sách “Đền đáp” mới được xuất bản năm nay của nhà phê bình văn học Đỗ Lâm Hà đã thắp lên ngọn lửa thiêng, ngọn lửa của những tư tưởng đạo dức cách mạng lớn, của những tình cảm tha thiết yêu cuộc sống, yêu con người, ý thức trách nhiệm với đất nước, với quê hương, của những lối sống đẹp, những nhân cách cao cả mà thông qua các tác phẩm được đề cập đến. 

Tập “Đền đáp” đã thắp lên ngọn lửa của tấm lòng biết ơn, sự tri ân đối với những người lính, thân nhân của liệt sỹ, những người có công với cách mạng, những người con Lạc, cháu Hồng. Tác phẩm “Đền đáp” mang một ý nghĩa lớn lao, góp phần vào kho sách quý của nền văn học tỉnh nhà và trên cả nước./.

Trà My

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...