Chuyện đình làng Thượng Phúc

Thứ 4, 24/07/2019 | 15:26:44
13,015 lượt xem

Nằm giữa quần thể cư dân, đình làng Thượng Phúc uy nghiêm, cổ kính, với cảnh quan cây xanh cổ thụ hơn 200 năm, là nơi phụng thờ vị Thánh Hoàng “Đông Hải Đại Vương”, “Nam Hải Đại Vương” và “Bạch Y Tôn thần’’. Ngôi đình là hồn cốt của làng Mỹ Lạc xưa, nay là thôn Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương. Là một di sản có kiến trúc giàu tính mỹ thuật.

Đình Thượng Phúc được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng thế kỷ thứ 17. Cách đây 118 năm Đình được trùng tu lần thứ nhất và đến Hoàng triều Khải Định Kỷ Mùi năm 1919 đình được xây dựng lại to đẹp hơn. 

Ông Nguyễn Văn Tuy - Ban công tác mặt trận thôn Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương: Theo Dư địa chí Thái Bình, Đình làng Thượng Phúc xưa được xây dựng đầu tiên là 3 gian miếu nhỏ sơ sài, tức là hậu cung bây giờ, rồi được xây dựng lại vào thời Lê Trung Hưng, tính đến nay cũng phải hơn 230 năm.


Đình Thượng Phúc là một ngôi đình cổ có quy mô lớn kiến trúc theo kiểu “Tiên nhất Hậu công”. Toà hậu cung xây theo kiểu chồng diêm cổ các ba tầng cao hơn 10m, bờ nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ, đao trang trí hình tượng song loan, cổ lâu đắp nổi phù điêu nội dung tứ linh và dây hoa lá cách điệu. 

Toà trung đường 3 gian cuốn vòm mái lợp ngói, toà ống muống cuốn vòm, hệ thống cột dạng bổ trụ đắp gờ chỉ và hình các con dơi.Toà bái đường 5 gian, được xây theo kiểu hồi văn năm đấu, khung kiến trúc kiểu lòng thuyền tứ trụ, chất liệu toàn gỗ lim chạm trổ tinh xảo các đề tài Tứ Linh xen với Tứ Quý.

Ông Nguyễn Văn Tuy - Ban công tác mặt trận thôn Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương  “Đình do 3 dải thợ cất dựng lên: dải thợ 1 do cụ xã Tốn người làng Thượng Phúc đảm nhận, dải thợ thứ 2 do người Hưng Yên, dải thợ thứ 3 là người Nam Định. Theo các cụ kể lại, thì trong lúc làm thì 3 dải thợ này ở 3 trại khác nhau, không được đến thăm nhau, không ai được biết ai làm gì. Tuy nhiên, đến lúc cất dựng Đình thì kết cấu của Đình lại hoàn toàn ăn khớp và những hoa văn chạm khắc lại rất tương đồng.

Hơn 200 năm nay, đình làng Thượng Phúc vẫn trường tồn với thời gian… Hiện đình còn lưu giữ được 3 bức đại tự, 1 cuốn thư cổ và 7 đạo sắc phong các triều đại vua phong kiến xưa. Trải qua nhiều lần thẩm định và xét duyệt, năm 1991, đình Thượng Phúc được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Và từ đó cho đến nay, đình đã trải qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo to đẹp như ngày nay.

Ngoài giá trị là một di sản có kiến trúc nghệ thuật, đình còn là căn cứ kháng chiến, nơi tập hợp, giác ngộ phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân của làng Mỹ Lạc xưa. Phong trào cách mạng của làng Thượng Phúc có từ rất sớm và Đình Thượng Phúc là địa điểm liên lạc, hội họp bí mật và cất giấu tài liệu của Đảng, có thời hậu cung của đình trở thành nơi in ấn tài liệu cách mạng. Tháng 12/1941 hội nghị Đảng bộ tỉnh đã họp tại đình nhằm củng cố tổ chức cách mạng, đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Tuy - Ban công tác mặt trận thôn Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương: Đình gắn liền với cơ sở kháng chiến và 2 cây gạo di sản ở Đình luôn phất phới lá cờ đỏ sao vàng. Năm 1955 tổng kết cuộc kháng chiến chống Pháp, Đình có 2 gia đình cách mạng và 15 gia đình kháng chiến được Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 1966 trong thời gian Mỹ đánh chiến miền Bắc, Đình được chọn là nơi sơ tán của hàng công nghiệp về đấy.

 

Quá trình lập làng, giữ đất của người dân nơi đây gắn liền với lịch sử đình làng Thượng Phúc. Hình ảnh ngôi đình làng sẽ còn mãi trong ký ức của mỗi người dân qua nhiều thế hệ. Bởi nó, không chỉ ẩn chứa những giá trị văn hóa, mà còn là những "chứng nhân" của nhiều giai đoạn lịch sử.

Ông Vũ Đình Siêu - Phó Ban quản lý di tích Đình Thượng Phúc, xã Quang Trung, huyện Kiến Xương: Hàng năm cứ vào 10 -13/2 âm lịch là làng lại mở hội Đình Thượng Phúc, người dân ở địa phương dù ở đâu hay ở nước ngoài cũng trở về lễ hội, để cầu mong gia đình được sức khỏe, bình an



Lễ hội và mái đình làng vì thế trở thành nhịp cầu nối của tinh thần đoàn kết trong xóm ngoài làng, trở thành nét văn hóa đặc trưng đan kết quá khứ với thực tại, giúp dân làng Thượng Phúc giữ gìn nếp sống cộng đồng vừa hài hòa vừa có sắc màu độc đáo riêng. Đình làng sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của mỗi con người mỗi vùng quê vì hình ảnh "Cây đa, bến nước, sân đình" đã gắn liền với tuổi thơ và cả lúc tuổi già. Ngày nay, họ sinh sống, hăng say lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống và lưu giữ mái đình làng Thượng Phúc cho con cháu muôn đời sau./.

Phương Thúy

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...