Độc đáo phong tục củi hứa hôn của người Giẻ Triêng

Thứ 6, 15/02/2019 | 15:29:00
1,216 lượt xem

"Củi hứa hôn là phong tục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Giẻ Triêng trước khi về nhà chồng. Người con gái đảm đang, khéo tay sẽ chọn lựa nhiều củi đẹp, đều. Củi càng nhiều, đẹp, thì vợ chồng sống với nhau hòa thuận".

Già A Nghe (86 tuổi) ở làng Dục Nhầy 2, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) kể về cái hay, cái đẹp của phong tục củi hứa hôn của người con gái Giẻ Triêng trước khi về nhà chồng như vậy. 

Củi tình yêu

Chạy dọc các làng của người Giẻ Triêng ở huyện Ngọc Hồi, hình ảnh dễ bắt gặp với mọi người là những đống củi to, được xẻ, cắt ngắn, che chắn cẩn thận ở quanh nhà sàn của người dân.

Lấy chồng được gần một năm nhưng đống củi mà Y Hạo (20 tuổi) ở làng Dục Nhầy 2 vẫn đẹp. Theo Y Hạo, từ năm 15 tuổi, cô đã được cha mẹ hướng dẫn chuẩn bị củi hứa hôn. Với người con gái Giẻ Triêng củi hứa hôn như thể hiện tấm lòng, tình yêu của người con gái đối với chàng trai được chọn. Mỗi khi đi rẫy, mẹ Y Hạo đều cùng con lên rừng, chỉ từng cây, hướng dẫn từng bước để em có thể chọn những cây rừng đẹp nhất đốn về làm củi hứa hôn. Cây được chọn là cây dẻ, thông đỏ, thẳng, lột sạch vỏ, thân sáng là đẹp nhất. Mỗi cây dài khoảng 80cm.

Ngày về nhà chồng, hơn 100 bó củi hứa hôn của Y Hạo rất đẹp, đều; các khúc củi thẳng, sáng, chẻ đều, không tách rời. Món quà cưới mang theo của Y Hạo làm cho nhà A Kham (chồng em) nở mặt với mọi người. “Con Y Hạo khéo tay. Với bó củi đều, đẹp sau này vợ chồng sống hòa thuận, có của ăn, của để, con cái khỏe mạnh”, mọi người trầm trồ khen các bó củi hứa hôn của Y Hạo mang theo khi về nhà chồng.

Củi hứa hôn của chị Y Hạo ở làng Dục Nhầy 2, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. 

“Ngày xưa phải lên rừng lấy cây dẻ, thông đỏ, đây là các loại cây tốt để làm củi hứa hôn, nhưng nay rất khó tìm, mình chỉ có vài bó tượng trưng từ cây rừng, còn lại là cây bời lời. Đến ngày cưới thì nhà gái sẽ gùi những bó củi này đến nhà trai”, Y Hạo cho biết.

Trong khi đó, A Kham, chồng Y Hạo cho rằng người con trai khi tìm hiểu vợ cũng để ý đến củi hứa hôn. “Nhìn vào bó củi hứa hôn, người con trai có thể nhận biết được phẩm chất, tài năng của người con gái. Những bó củi thẳng, chẻ đều, đẹp chứng tỏ người con gái đó khỏe, khéo tay, siêng năng và đã trưởng thành”, A Kham cho biết thêm.

Ngày nay, người Giẻ Triêng không dùng rìu đốn mà cưa máy nên công việc nhẹ nhàng. Ngoài con gái, người trong nhà cùng tham gia giúp con cháu chuẩn bị củi hứa hôn. Với người dân, đây như là tài sản hồi môn đặc biệt của người con gái trước khi về nhà chồng. Củi nhiều, đẹp, cháy tốt sẽ giúp sưởi ấm quan hệ trong gia đình.

Ngày nay, một số phụ nữ người dân tộc Giẻ Triêng khi lấy chồng người Kinh cũng chuẩn bị ít củi hứa hôn cho riêng mình. “Nó là nét văn hóa đẹp tượng trưng cho tình yêu lứa đôi bền chặt của người con gái”, cô Y Noam (60 tuổi) ở làng Dục Nhầy 2 khẳng định.

Giữ rừng, giữ văn hóa

Củi hứa hôn của người Giẻ Triêng ở xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. 

Việc lưu giữ nét văn hóa củi hứa hôn, củi tình yêu của người phụ nữ Giẻ Triêng những năm qua bị sức ép trước việc xâm phạm tài nguyên rừng. Để không phá rừng nhưng vẫn giữ được văn hóa truyền thống, người Giẻ Triêng đã nghĩ ra cách làm hay khi dùng cây trồng (thường là cây bời lời) làm củi hứa hôn. Cây bời lời hiện được người dân trồng nhiều ở các sườn đồi, nương rẫy, quanh nhà. Việc chọn cây trồng giúp người con gái Giẻ Triêng nơi đây bớt vất vả, không phải lo lên rừng đốn củi.

Hiện tại, các loại cây thông đỏ, dẻ rất khó tìm, người con gái Giẻ Triêng chuẩn bị củi hứa hôn chỉ có vài bó tượng trưng từ cây rừng, còn lại đều phải dùng củi từ cây bời lời. Bời lời khi đến ngày khai thác (bóc vỏ) thì thân có thể bán hoặc dùng làm củi hứa hôn rất thuận tiện cho người con gái. Việc trồng bời lời cũng được người dân chú trọng trong nhiều năm qua. Cây bời lời là tài sản, trồng bời lời giúp dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

Chị Y Thu ở làng Đăk Ba, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, cho biết trồng bời lời giúp gia đình có của ăn, của để. Khai thác xong, dùng bời lời làm củi hứa hôn cũng giúp người con gái Giẻ Triêng bớt vất vả vì ngày nay lên rừng rất khó kiếm được củi hứa hôn. Mình phá cây rừng làm củi hứa hôn sẽ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Cây bời lời thường to đều, thẳng, sáng nên khi làm củi hứa hôn rất đẹp.

Theo già A Nghe, ngày xưa không có cây trồng nên phải lên rừng tìm củi hứa hôn. Mỗi lần đi mất 2-3 ngày. Người con gái cùng gia đình và bạn phải đi tìm cây thông đỏ, dẻ nên vất vả, nguy hiểm. Ngày nay, người trong làng đã giảm số lượng củi hứa hôn và dùng củi từ cây trồng (bời lời) để thay thế, nên người con gái Giẻ Triêng không vất vả khi chuẩn bị củi hứa hôn.

Ông Huỳnh Dũng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngọc Hồi cho biết, trước đây tình trạng đốn cây rừng làm củi hứa hôn khá nhiều, gây áp lực cho lực lượng chức năng. Nay người dân chọn cây bời lời làm củi hứa hôn nên lực lượng kiểm lâm cũng đỡ vất vả. Cây bời lời được người dân trồng nhiều. Ngoài việc khai thác đem lại thu nhập, thân cây được dùng làm củi hứa hôn là điều tốt.

Chuẩn bị củi hứa hôn, củi tình yêu, là nét văn hóa lâu đời của người phụ nữ dân tộc Giẻ Triêng ở Kon Tum trước khi về nhà chồng. Trải qua nhiều năm, nét văn hóa trên vẫn được người con gái Giẻ Triêng ở huyện vùng biên Ngọc Hồi duy trì, dù khác xưa.

 Theo baotintuc.vn

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...