Nỗi lo phai nhạt bản sắc

Thứ 6, 11/01/2019 | 08:31:42
930 lượt xem

Nhiều du khách muốn chọn du lịch home stay để được hòa mình, trải nghiệm đời sống sinh hoạt, văn hóa của một cộng đồng, một vùng đất. Tuy nhiên, chính sự tiếp xúc với các nền văn hóa khác có thể tác động ngược, làm pha tạp, phai nhạt bản sắc của cộng đồng.

Giữ bản sắc văn hóa sẽ tạo sức hút cho du lịch cộng đồng

Thiếu mô hình bền vững

Khi du lịch cộng đồng phát triển tại một số vùng quê, nhất là ở miền núi, để đáp ứng nhu cầu của du khách, giữa khung cảnh hoang sơ dần “mọc” lên những tòa nhà bê tông, hàng quán với các món ăn phương Tây, khung cảnh, môi trường xung quanh biến đổi. Phát triển đến một mức nào đó, vùng đất ấy sẽ mất dần sức hấp dẫn với khách du lịch... Đó là vấn đề được các diễn giả đưa ra thảo luận tại tọa đàm “Tăng cường sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam”, do Diễn đàn Mô phỏng Nghị viện trẻ tổ chức cuối tuần qua.

Theo Báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới 2017, trên phạm vi toàn cầu, nhu cầu về sản phẩm du lịch có sự thay đổi, từ tham quan - ngắm cảnh chuyển sang tìm hiểu các giá trị văn hóa cuộc sống bản địa để làm phong phú thêm hiểu biết và hoàn thiện bản thân. 65% du khách muốn trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương; 97% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho kỳ nghỉ thân thiện với môi trường và mang lại nhiều lợi ích thực sự cho người nghèo. Thực tế, ở nhiều nơi, du lịch cộng đồng thời gian qua đã được quan tâm phát triển. Từ những năm 1990, du lịch cộng đồng đã được triển khai tại một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Indonesia... sau đó lan rộng ra toàn khu vực. Tại Việt Nam, du lịch cộng đồng xuất hiện khoảng 20 năm trước và phát triển mạnh mẽ những năm gần đây.

Theo chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, Trợ lý dự án tại Quỹ Văn hóa Hà Nội, du lịch cộng đồng khi mới đến Việt Nam được coi là một sinh kế, giải pháp cho cuộc sống của cộng đồng vùng nông thôn, miền núi, nhưng qua thời gian, loại hình du lịch này đã dần khẳng định vị thế, vai trò, trở thành xu hướng phát triển mang lại nhiều lợi ích cho người dân bản địa. Tại miền Bắc, du lịch cộng đồng phát triển tại một số nơi như: Bản Lác (Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), xã Tả Van (Sa Pa, tỉnh Lào Cai)... Ở miền Trung như ở làng cổ Phước Tích, Thừa Thiên - Huế; Hội An, Quảng Nam… Ở miền Tây cũng có các tour như “Về quê tát mương bắt cá” tại Cồn Phụng (Bến Tre), “Một ngày làm nông dân” ở Cái Bè (Tiền Giang), “Tây ở nhà ta” (Vĩnh Long)...

Có thể thấy, du lịch cộng đồng đã phát triển rộng khắp và không còn là một khái niệm xa lạ, tuy nhiên, Việt Nam lại không có nhiều mô hình du lịch cộng đồng quy mô lớn và có thể duy trì trong dài hạn. Theo nhiều chuyên gia du lịch, loại hình này đang khá manh mún, tự phát.

Đừng thay thắng cố thành mì Ý

Khi du khách tới ăn cùng, ở cùng, làm cùng với người dân bản địa, họ trải nghiệm đặc trưng trong lối sống của con người vùng miền ấy, đồng thời qua tiếp xúc hàng ngày, họ cũng có những tác động trở lại, tạo ra sự giao thoa, thậm chí hòa tan về văn hóa. Trong khi đó, chỉ những vùng đất nào giữ được các giá trị đặc sắc mới là điểm đến thu hút khách du lịch lâu dài.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam Nguyễn Quang Trung, sản phẩm du lịch của một vùng đất phải đặc trưng, thậm chí là đặc sản. Tuy nhiên, sự gia tăng lượng khách nhanh chóng tại một số nơi dẫn tới nhận thức của nhà quản lý cũng như cộng đồng không theo kịp, có thể dẫn tới lệch pha và những hệ lụy làm cho du lịch cộng đồng kém bền vững.

Anh Nguyễn Quang Trung cho rằng, du lịch cộng đồng giống nguyên bản với du lịch sinh thái. Nếu du lịch sinh thái cần lưu ý tới lượng khách tham quan để không ảnh hưởng tới sự cân bằng của tự nhiên, thì du lịch cộng đồng cũng phải chú ý đến sức chứa để bảo đảm cân bằng giữa văn hóa ngoại lai và văn hóa địa phương. Khi phát triển du lịch cộng đồng, người dân bản địa phải ý thức về việc giữ văn hóa của mình, “đừng thay thắng cố thành mì Ý” để chiều lòng khách du lịch.

Cộng đồng là chủ nhân của văn hóa - nhận thức và hành vi của họ quyết định sự tồn tại, phát triển những giá trị văn hóa của chính họ. Vì thế, theo các nhà nghiên cứu văn hóa, cần có các giải pháp tập trung tác động đến nhận thức của cộng đồng, giúp họ hiểu đâu là giá trị văn hóa cốt lõi, có ý thức bảo tồn và phát huy các di sản kiến trúc, nghệ thuật, trang phục, phong tục, lễ hội truyền thống... Bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng địa phương trong du lịch hiện nay hầu như mạnh ai nấy làm, do chưa được trang bị chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, thiếu hụt nhận thức về tầm quan trọng của yếu tố bền vững trong du lịch cộng đồng, cũng như chưa được bảo đảm về lợi ích. Bởi vậy, cần thiết phải có lộ trình, từ nâng cao nhận thức đến thực hiện các chính sách hỗ trợ và quản lý hiệu quả, định hướng khai thác yếu tố đặc trưng, bảo đảm tính bền vững cho các mô hình du lịch cộng đồng tại Việt Nam.

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...