Hồ Chí Minh với cuộc đời hoạt động chính trị bôn ba khắp năm châu bốn biển của mình, tiếp thu bao kiến thức phong phú, sâu sắc, thu nhận được từ cuộc dấn thân của Người vào đời sống chính trị - xã hội thế giới, nhưng tựu trung, ở chính cội nguồn của mình, Người vẫn mang đậm cốt cách văn hóa phương Đông, văn hóa dân tộc Việt Nam với sự bổ sung sáng tạo của Người và sự hòa hợp với tinh hoa của văn hóa phương Tây.
Chúng ta đều biết Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình Nho học uyên thâm của một vùng đất học truyền thống - vùng xứ Nghệ. Những tinh hoa trong tư tưởng, tình cảm của các hiền triết đời xưa - từ Khổng Tử, Lão Tử, Mạnh Tử, Trang Tử… đến Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm… đã thấm sâu vào tâm hồn, trí tuệ của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành qua sự truyền thụ của người cha, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, của người thầy khả kính Vương Thúc Quý và từ những cuốn sách vỡ lòng như Sơ học vấn tân, Ấu học ngữ ngôn, Minh tâm bảo giám đến những tác phẩm đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc” của Nho giáo như Tứ thư, Ngũ kinh.
Sau này, khi bước chân xuống tàu để sang châu Âu, có thể nói Nguyễn Tất Thành đã là một người phụ bếp khác thường - một trí thức Nho giáo với khát vọng tiếp cận với thế giới phương Tây, tìm đường cứu dân, cứu nước.
Nguyễn Tất Thành đã trở thành Nguyễn Ái Quốc rồi là Hồ Chí Minh với bao kiến thức phong phú, sâu sắc thu nhận được từ cuộc dấn thân của Người vào đời sống chính trị - xã hội thế giới, nhưng tựu trung, ở chính cội nguồn của mình, Người vẫn mang đậm cốt cách văn hóa phương Đông, văn hóa dân tộc Việt Nam với sự bổ sung sáng tạo của Người và sự hòa hợp với tinh hoa của văn hóa phương Tây.
Khát vọng cao đẹp, dù không tưởng, của các bậc hiền triết cổ đại phương Đông về một thế giới đại đồng, khi mọi người được sống trong tình thương yêu, trong hạnh phúc, có thể nói đã chiếm một vị trí quan trọng trong suy nghĩ, tình cảm của Người. Từ năm 1921, trên tạp chí Cộng sản, cơ quan của Quốc tế thứ III, Hồ Chí Minh đã viết: “Khổng Tử vĩ đại từng đề xướng chủ nghĩa quốc tế và từng hô hào quyền bình đẳng về của cải. Ngài nói tóm tắt là: Nền hòa bình trên thế giới chỉ nảy nở từ một nền đại đồng thiên hạ… Người ta không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng…”. Ít năm sau, trong cuốn sách nổi tiếng Đường kách mệnh (1927), Người lại viết: “Làm cho thiên hạ đại đồng, ấy là thế giới cách mạng”.
Cũng giống như trong Nho giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao vai trò của đạo đức như là yếu tố quan trọng bậc nhất của văn hóa dân tộc, văn hóa từng cá nhân. Người nhắc nhở: “Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo… Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (Sửa đổi lối làm việc, 1947). Con người có đạo đức trong quan niệm của văn hóa phương Đông mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm đắc nhấn mạnh nhiều lần là con người “chí công vô tư”, “cần kiệm liêm chính”, con người “giàu sang không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục” (Lời bế mạc Lễ ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, 1951). Đó là con người “trung với Tổ quốc, hiếu với nhân dân”, đầy đủ những phẩm chất “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”.
Chăm lo xây dựng con người có đủ đức tài là mối quan tâm suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Câu nói nổi tiếng của vị tể tướng nước Tề thời Chiến quốc Quản Di Ngô “Thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân” đã được Người diễn giải nôm na: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Có thể thấy tư tưởng văn hóa của các hiền triết phương Đông xưa được ghi nhận và phát triển trong các phát biểu của Người. Điều đặc biệt đáng lưu ý là tinh hoa văn hóa phương Đông không chỉ dừng lại ở lời nói của Người, mà đã toát ra từ cốt cách con người, từ cuộc đời của chính vị lãnh tụ Hồ Chí Minh, một cốt cách khoan hòa, ung dung, tự tại, luôn luôn làm chủ được bản thân mình, làm chủ được mọi hoàn cảnh. Nhờ thoát khỏi - thoát khỏi một cách “tự nhiên nhi nhiên”, không cần một sự “ráng sức” nào! - mọi sự ràng buộc của danh lợi cá nhân, chỉ suốt đời theo đuổi một “ham muốn tột bậc” là làm sao cho “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, mà Người đã có được cái phong thái sống ung dung, tự tại đó.
Những kẻ hậu sinh chúng ta đều nhớ lời tâm sự chân thành của Người từ những ngày đầu mới ở cương vị cao nhất đất nước: ngoài “ham muốn tột bậc” nói trên, Người chỉ ao ước cho riêng mình “một căn nhà nhỏ, nơi có non xanh nước biếc, để câu cá trồng rau, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, trẻ em chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi”. Phong thái sống tránh xa “vòng danh lợi” ấy phải chăng Người đã thừa hưởng từ tiếng suối chảy rì rào bên rừng thông, rừng trúc Côn Sơn của Nguyễn Trãi, từ “ngôi nhà nhỏ mây trắng”, “thu ăn măng trúc, đông ăn giá; xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” của Nguyễn Bỉnh Khiêm?...
Ngôi nhà sàn giữa vườn cây, bên ao cá của Người mãi mãi còn là biểu tượng sống động cho cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh.
Khi mà không ít quan chức đủ các cấp bị rơi vào tình trạng “phai nhạt lý tưởng”, bị cầm tù bởi “vòng danh lợi”, xa rời dân, vô cảm trước những bức xúc của dân, chỉ lo “vinh thân phì gia”, hễ có dịp là bòn rút, ăn cắp của công… thì bài học về cốt cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn giữ nguyên tính thời sự nóng hổi.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...