Năm Dậu nói chuyện con gà trong văn hóa dân gian

Thứ 4, 25/01/2017 | 15:59:40
2,842 lượt xem

Năm 2017 Việt Nam và một số nước ở Đông Á gọi là năm Đinh Dậu (năm con gà). Từ xa xưa, con gà được xếp hàng thứ 10 trong 12 con vật (Thập nhị chi), bắt đầu là con chuột (Tý), cuối cùng là con lợn (Hợi).

 Người xưa giải thích sự sắp xếp ấy là do khi Đức Phật tổ chức đại hội thế giới loài vật, chỉ có 12 con vật đến dự và được sắp xếp theo thứ tự đến trước, đến sau. Gà là con vật gần gũi với con người, tục ngữ, ca dao, câu đố, trò chơi dân gian xưa nói nhiều đến gà. Người xưa đã mượn hình ảnh con gà, tiếng gà làm đề tài để nói về cuộc sống, đạo đức, nhân cách của con người.                                                                                                                  

                   

                         A- CON GÀ TRONG TỤC NGỮ, CA DAO

                       1- Tục ngữ, ca dao nói về chọn giống gà để nuôi:

                                      - Mua gà phải chọn giống gà

                                       Gà Ri bé giống nhưng mà lớn mau

                                      - Nhất to là giống gà nâu

                                       Lông dầy thịt béo về sau đẻ nhiều

                                        Gà nâu chân thấp mình to

                                        Đẻ nhiều, trứng lớn, con vừa khéo nuôi

                                        - Ai ơi chớ vội mà nhầm

                                           Mua trầu chọn phải lá đa

                                         Tìm mua con gà lại vớ cuốc con

                                           - Gà trắng chân chì, mua gì giống đó

                      2- Tục ngữ ca dao về chọn gà ăn thịt:

                                        Gà ba tháng vừa ăn, ngựa ba năm cưỡi được

                                       Gà cựa dài thịt rắn, gà cựa ngắn thịt mềm.

                                      Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua

                                     - Cau phơi tái/ Gái đoạn tang/ Chim ra ràng/ Gà mái ghẹ

                                      -  Cơm chín tới/ Cải ngồng non/ Gái một con/ Gà nhẩy ổ

                                        - Gà mổ đằng bụng, chim mổ đằng lưng

           Đồng dao lại có bài nói về các gia vị khi ăn thịt gà, lợn, chó:

                                   Con gà cục tác lá chanh

                                   Con lợn un ỉn mua hành cho tôi

                                   Con chó khóc đứng, khóc ngồi

                                  Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng

                    3- Tục ngữ ca dao nói về gà báo sáng, báo thời tiết:

                          Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa

                          Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa

                          Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống

                          Trời đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa

                          - Mười ba trăng lặn gà kêu

                          Mười bốn trăng lặn, gà đều gáy ran

        4 - Tục ngữ ca dao mượn con Gà để so sánh, để khuyên nhau và những chuyện ngược đời:

                           - Gà ba lần vỗ cánh mới gáy

                            Người ba lần ngẫm nghĩ mới nói

                             - Khôn ngoan đá đáp người ngoài

                             Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

                                - Gà đẹp mã nhờ lông

                               Người dễ trông nhờ của

                                 - Gà đẻ, gà cục tác

                                - Con gà ghét nhau tiếng gáy

                                - Gà người gáy, gà nhà cũng gáy

                                Gà già khéo ướp lại tơ, nạ dòng trang điểm gái tơ mất chồng

                                  Gà què ăn quẩn cối xay/ Ăn đi, ăn lại cối này còn đâu ?

                                   Gà chê thóc chẳng bới, người mới chê tiền

                                     Bút sa gà chết

                                       Gà trống nuôi con/ Ông nói gà, bà nói vịt/ Mẹ gà con vịt

                                     - Gà tơ xào với mướp già

                                     Vợ hai mươi tuổi chồng đà sáu mươi

                                       Ra đường chị giễu em cười

                                       Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng

                                        Đêm nằm tưởng cái gối bông

                                       Giật mình gối phải râu chồng nằm bên

  Mượn tiếng gà gáy để nói lên cảnh tương phản giưa ba người: vợ, chồng, em vợ và phê phán tính lăng nhăng của chồng:

                                                 Nửa đêm gà gaý o… o

                                          Quân tử không ngủ còn bò đi đâu ?

                                                 Nửa đêm gà gáy o…o

                                          Anh ngủ chẳng được, anh bò đi chơi !

                                                An bò thì mặc anh bò

                                          Cửa dì, dì giữ ai bò mặc ai !

- Cưới em chẳng có con gà

   Có dăm sợi bún, có vài sợi xôi

Cưới em còn nữa anh ơi

Có một đĩa đậu, hai muôi rau cần

                                        - Người ta thách lợn thách gà

     Còn em chỉ thách một nhà khoai lang.

                    

                       B- CON GÀ TRONG TRÒ CHƠI DÂN GIAN

             1- Trò chơi của trẻ em:

                 - Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Đến cửa nhà trời/ Lạy cậu lậy mợ/ Cho cháu về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà bới bếp.

                 - Thỉa đỉa ba ba/Chớ bắt đàn bà/Phải tội đàn ông/Thỉa đỉa ba ba/Làm ngỗng làm gà/Làm voi làm gấu/Làm anh cá sấu/Làm chị ễnh ương.

              2- Thi gà:

       Dân gian Thái Bình có câu ca nói về sản vật tiêu biểu ở một số vùng quê Thái Bình: “Gà Tò, lợn Tó, vó Vạn Đồn”. Tò xưa là một làng sau này tách thành sáu thôn: Tô Đê, Tô Trang, Tô Xuyên, Tô Đàm, Tô Hồ, Tô Hải (nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ). Làng Tò có một giống gà rất to, nặng. Trong ngày hội của làng, các giáp thường chọn con gà to nhất, "xiêm y" đẹp nhất đem ra đình để thi với làng. Con nào thắng cuộc chủ gà sẽ được thưởng, sau đó gà được làm thịt để tế thành hoàng, tế xong chia phần cho dân làng ăn lấy may.

         3- Chọi gà.

         Chọi gà đã thành một thú vui trong dân gian từ xa xưa, nó không chỉ diễn ra trong lễ hội mà còn là thú vui hàng ngày. Chọi gà không chỉ là một trò chơi thông thường mà còn mang tính nghệ thuật, muốn chơi chọi gà, người ta phải chọn giống tốt, phải luyện tập dầy công.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...