Các loài linh vật Việt trong dòng chảy lịch sử và văn hóa

Thứ 5, 24/11/2016 | 08:31:23
956 lượt xem

Linh vật là những con vật trong huyền thoại hoặc có thật được linh thiêng hóa, bao gồm: rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, voi, ngựa…Trong truyền thống văn hóa Việt, linh vật được sử dụng như những biểu tượng văn hóa để truyền đạt ý niệm và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng… Bên cạnh đó, linh vật cũng góp phần quan trọng phản ánh diễn trình phát triển của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Những loại linh vật này do người Việt Nam trực tiếp sáng tạo ra hoặc là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa bên ngoài. Trong quá trình đó, linh vật vừa mang những đặc điểm chung, phù hợp với truyền thống văn hóa Việt vừa có những biển đổi, thể hiện phong cách nghệ thuật đặc trưng của mỗi thời kỳ.

Rồng, sư tử, nghê và phượng là những linh vật xuất hiện phổ biến.

Rồng

Thời Lý-Trần, Phật giáo là quốc giáo. Bởi vậy, hình tượng rồng thời kỳ này cũng chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo.

Rồng thời Lý-Trần có tính biểu tượng cao và đặc điểm tạo hình đẹp, thống nhất (uốn lượn đều đặn, thắt túi nhỏ dần về đuôi; tùy từng môtíp trang trí lớn hay nhỏ mà con rồng có vẩy hoặc không). Thời kỳ này, hình tượng rồng thường xuất hiện trong các công trình kiến trúc (dùng để trang trí thành bậc, bệ thờ, ngói…); là điểm nhấn trang trí tạo nên vẻ đẹp của nhiều di tích như Hoàng thành Thăng Long, chùa Thầy (Hà Nội), chùa Phật Tích (Bắc Ninh), chù Phổ Minh (Nam Định)…

Đến thời kỳ Lê sơ, Nho giáo phát triển mạnh. Tạo hình rồng có nhiều thay đổi, rời xa tạo hình thời Lý-Trần. Rồng trở thành biểu tượng cho uy quyền nhà vua. Ví dụ, những con rồng trên bia lăng các vua Lê (Thanh Hóa) có tạo hình đầu to, bờm tóc thô dày, mũi lớn, nhiều sợi ria, sừng vặn xoắn ốc rồi chẻ chạc, chân gân guốc xòe rộng các ngón…



Hình ảnh rồng đá thành bậc ở đình Phương Quan (Hà Nội). (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội)

Tới thời Mạc, Lê Trung Hưng, hình tượng rộng tiếp tục có nhiều biến đổi: đầu cân đối, đường cong trán lớn, hàm mở rộng vừa phải có răng nanh phô diễn uy quyền, bờm được chạm khắc uyển chuyển như đang chuyển động…

Trong các kiến trúc làng xã, đặc biệt là ở xứ Đoài, tạo hình rồng mang nhiều yếu tố dân gian: cặp mắt to tròn, tai xòe rộng, hàm mở rộng…

Sư tử

Hình tượng sư tử trong các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc, tượng thờ truyền thống được du nhập vào Việt Nam qua con đường Phật giáo. Sư tử thường được coi là linh vật bảo hộ cho các đền, chùa.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín (Hội Khảo cổ học Việt Nam), thời gian qua, có nhiều người nhầm lẫn trong việc sử dụng hình tượng linh vật này (không phân biệt được sự khác nhau giữa sư tử đá của Việt Nam và sư tử đá của Trung Quốc).



Sư tử được tạo tác từ đá - thế kỷ 11. Ảnh chụp tại triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam,” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tháng 11/2014. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)

Ở Việt Nam, sư tử đá là những con sư tử dạng cách điệu, được chạm khắc công phu, trau chuốt với những đường nét mềm mại, mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân; biểu hiện rất rõ sức mạnh phi phàm nhưng vẫn giữ được dáng vẻ vẫn hết sức gần gũi, bao dung.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, sư tử đá là linh vật để canh mộ có hình thức dữ dằn, gân guốc với dáng vẻ đe dọa. Khi du nhập vào Việt Nam theo kiểu sao y bản chính, những con sư tử đá này ngang nhiên “chễm chệ” ở lối ra vào các đình, chùa, công sở và một số nhà dân với ý nghĩa giúp phát tài phát lộc.

Nghê

Hiện nay, giới nghiên cứu vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về hình tượng linh vật này: có ý kiến cho rằng, đó là một con vật thần thoại (vốn là con của rồng) nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đó là con chó được thiêng hóa để phụng sự các vị thần.

Tạo hình nghê ở Việt Nam có nhiều dạng khác nhau: khi thì uy nghi, lúc lại đùa giỡn thân thiện. Hình tượng nghê phát triển mạnh vào thời kỳ Lê Trung Hưng, được sử dụng để trang trí các công trình kiến trúc, phù điêu, đồ gốm sứ, đứng chầu bên hương án, cửa khám…



Nghê gỗ ở chùa Xối Thượng (Nam Định), thế kỷ 17-18. Ảnh chụp tại Triển lãm chuyên đề “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam,” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tháng 11/2014. (Ảnh: An Ngọc/Vietnam+)


Với tạo hình gần gũi, ngoài chức năng là một chỉ hiệu về cõi thiêng, nghê còn mang trong mình ý nghĩa biểu tượng về cầu mong mưa thuận gió hòa, gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp.

Phượng

Thời Lý-Trần, hình tượng phượng được sử dụng nhiều trong các mảng chạm khắc tại các công trình kiến trúc hay những tác phẩm điêu khắc trang trí, biểu trưng cho yếu tố nữ.

Ở thời kỳ này, phượng có lối tạo hình chung: nhìn nghiêng, hai con đăng đối ứng trong lá đề, phía dưới là một hình mây xoắn, lông đuôi dài bay uốn lượn lên phía trên. Phía trong cốt đuôi được thể hiện thành những chấm tròn chạm thành dải dài lượn sóng và chạy dài nhỏ dần về cuối. Hai cánh phượng dang rộng. Cổ phượng ngắn, mắt tròn, đầu nhỏ, bờm gáy cũng đang bay vút lên phía trên.



Chạm khắc hình tượng phượng tại đình Chu Quyến, Hà Nội. (Ảnh: Bảo tàng Hà Nội)

Từ thời Lê về sau, tạo hình phượng có nhiều thay đổi theo lối dân gian gần gũi, hình khối tự nhiên; được dùng để trang trí trên những cấu kiện gỗ ở các công trình kiến trúc, đồ thờ.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...