Làng Giắng (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) được biết đến là ngôi làng cội nguồn của điệu múa dân gian Giáo cờ - giáo quạt, đã ra đời cách đây hàng trăm năm. Để điệu múa giáo cờ - giáo quạt được lưu giữ cho tới ngày hôm nay, đó là nhờ công lao và tâm huyết của những người nghệ nhân. Một trong những nghệ nhân ưu tú của điệu múa dân gian độc đáo này là cụ Nguyễn Thị Thơi – người luôn hết lòng với việc giữ lửa và truyền nghề cho thế hệ trẻ, người được coi là báu vật sống của “Giáo cờ - giáo quạt” làng Giắng.
Sự tận tâm với việc truyền dạy của các tiền nhân như cụ Nguyễn Thị Thơi mà điệu múa Giáo cờ- giáo quạt tại xã Đông Tân, huyện Đông Hưng được giữ gìn và phát triển đến ngày nay.
Ở tuổi 83, cái tuổi xưa nay hiếm, dáng người gầy, nhỏ nhắn, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn. Nhưng hàng ngày, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thơi vẫn hăng say cùng với những người đồng nghiệp – những cụ bà trong đội múa Giáo cờ - giáo quạt làng Giắng luyện tập từng động tác, cử chỉ, bước đi của điệu múa truyền thống này. Học múa từ năm 12 tuổi, cụ Thơi vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên được đi múa ở hội làng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Thơi kể lại: “Mồng 1 Tết nguyên đán thì bố mẹ bảo này nay mồng 1 đấy. Con ăn uống rồi nghỉ ngơi. Mồng 3 là tắm gội đi nhá. Mồng 4 là đi múa. Tôi nghe là phấn khởi lắm, sướng lắm. Tôi sang bảo Sầm ơi, Bể ơi, ngày kia ta được đi múa rồi nhà. Thế là ba cô cháu ôm nhau cười khúc khích.”
Chuẩn bị cho ngày hội làng, cụ Thơi cùng các cụ bà trong đội múa tập trung ra sân đình để luyện tập. Mỗi lần ra tới sân đình, cụ như quên hết cái mệt mỏi, chậm chạm của tuổi già và sải những bước chạy, những động tác múa uyển chuyển, cùng đội múa luyện tập trong tiếng trống, trong lời ca, tiếng hát mặn mà.
Giáo cờ - giáo quạt là điệu múa truyền thống của làng, thường được biểu diễn mỗi khi làng tổ chức lễ hội đầu xuân. Điệu múa độc đáo và đặc sắc này chỉ duy nhất có ở làng Giắng.
Điệu múa do công chúa Trần Thị Quý Minh (con vua Trần Duệ Tông) sáng tạo ra, rồi dạy cho dân làng. Điệu múa gồm 36 cấp múa, lời ca dựa trên câu chuyện xưa kia Vương Chiêu Quân đi cống nước Hồ. Hầu hết phụ nữ trong làng đều biết múa giáo cờ, giáo quạt. Dân làng có câu cửa miệng rằng: Không biết múa không phải con gái làng Giắng.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Thơi là một trong 5 nghệ nhân gạo cội của điệu múa giáo cờ, giáo quạt cùng với cụ Thắng, cụ Rược, cụ Vin, cụ Gái. Gắn bó nhiều năm trong đội múa với cụ Thơi, cụ Nguyễn Thị Thắng – một trong những nghệ nhân của làng (86 tuổi), khi được hỏi về cụ Thơi, về điệu múa Giáo cờ giáo quạt của làng Giắng, cụ Thắng như được sống lại những ngày tháng đã qua. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thắng tâm sự: “Là đồng nghiệp với nhau, cũng đi múa nước ngoài, đi múa hạn hán cơn mưa. Đặc biệt, bà Thơi, chịu khó truyền dạy, nhiệt tình với điệu múa giáo cờ giáo quạt, cho nên bà truyền lại cho các cháu. Bà thì bà hay dạy múa má cho các cháu. Còn bà Thơi thì dạy múa đôi, múa xứ. Ngày đấy thì hăng lắm. Bấy giờ suốt ngày ở đình, dạy múa ngày, múa đêm”.
Hơn 60 năm gắn bó với điệu múa giáo cờ, giáo quạt, những lời ca của bài Gióng đã in sâu vào tâm trí của cụ Thơi, theo cụ trong cuộc sống hàng ngày.
Cụ Thơi sinh được 5 người con, các con của cụ giờ đây đều đã trưởng thành, ai cũng nhất lòng ủng hộ niềm đam mê của mẹ. Là con dâu của cụ, chị Nguyễn Thị Đào đảm đang quán xuyến việc nhà và luôn tạo điều kiện để cụ có thời gian tham gia việc làng, việc xã. Chị Nguyễn Thị Đào (con dâu cụ Thơi) cho biết: “Bà đi các công việc của bà, ở đình, chùa, các nơi thì gia đình thoải mái, tạo điều kiện cho bà đi. Các bà đi dạy các cháu để cho các cháu theo truyền thống cha ông. Các bà nhiệt tình đi dạy, các cháu cũng nhiệt tình học”.
Những ngày cuối tuần, khi các cháu thiếu nhi trong làng được nghỉ học, cụ Thơi cùng các cụ, các bà trong đội múa vẫn dành thời gian và động viên các cháu ra đình làng để truyền dạy, uốn nắn từng động tác của điệu múa truyền thống sao cho mềm, cho dẻo, cho đúng. Cụ Thơi rất tỉ mỉ, say mê trong việc truyền dạy. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thơi chia sẻ: “Cháu nào nó quá kém, mà tập đến hai, ba ngày vẫn còn vụng, tôi lại đưa nó ra một góc sân đình. Như ở xóm này, thì tôi gọi đến nhà tôi, tôi dạy thêm. Các cháu, những đứa nó đi tập thì nó tập rất là ý thức”.
Việc lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ về điệu múa cổ truyền của quê hương là để gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của các bậc tiền nhân trước sự bào mòn của thời gian. Ông Lại Thành Kiên - Trưởng phòng Văn hóa –Thông tin huyện Đông Hưng đánh giá về vai trò của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thơi trong việc bảo tồn điệu múa truyền thống như sau: “Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thơi, mặc dù tuổi đã cao, nhưng vẫn nhiệt tình truyền dạy cho các cô gái ở trong làng để giữ gìn điệu múa giáo cờ, giáo quạt truyền thống cho quê hương. Trong thời gian vừa qua, cấp ủy Đảng, chính quyền của huyện, đến xã Đông Tân, luôn quan tâm cả về vật chất và tinh thần của các nghệ nhân để giữ gìn múa giáo cờ giáo quạt. Đặc biệt, UBND huyện Đông Hưng đang phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch làm hồ sơ khoa học đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.
Theo tục lệ, trước ngày hội một năm, dân làng sẽ bầu chọn ra hai bà Thợ là những người phụ nữ cao tuổi mẫu mực trong làng. Bà Thợ sẽ đứng ra dạy múa cho các cô gái từ 6-7 tuổi trở lên. Cụ Nguyễn Thị Thơi đã được chọn làm bà Thợ vào lễ hội làng năm 2013. Và năm 2015, cụ vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Say mê với nghề truyền dạy múa Giáo cờ - giáo quạt, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thơi nói:“Tôi còn đi được, chân còn bước được, mồm còn sàng sạc cãi nhau với các bà được đây này, thì tôi còn đi. Tôi là tôi tâm niệm, làm sao giữ được điệu múa này, mãi mãi muôn đời, kiếp kiếp cho các cháu về sau. Đừng để nó phôi pha đi, đừng để nó hao mòn đi”.
“Chỉ khi nào, không còn đi được nữa thì tôi thôi…..Chứ còn đi được chân còn bước được, tôi vẫn sẽ đi múa”. Trở về sau cuộc gặp gỡ, câu nói ấy của nghệ nhân Nguyễn Thị Thơi cùng ánh nhìn và gương mặt của cụ vẫn còn hiển hiện rất rõ trong tôi. Hình ảnh của cụ gợi tôi nhớ tới câu hát “Như cánh chim không mỏi”. Cánh chim ấy sẽ không ngừng nghỉ, sẽ tiếp tục còn bay mãi và là bệ nâng đỡ những cánh chim non tiếp nối lửa truyền thống quê hương.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...