Đình làng kết hợp với nhà văn hóa thôn - sự sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 27/06/2016 | 10:33:20
2,576 lượt xem

Làng – nước xưa nay vốn là 2 cõi đi về của người Việt. Người ta bảo: “làng” có hồn thì hồn ấy nhập vào mái đình, thành sức mạnh trường tồn của dân tộc. Gắn yếu tố văn hóa với đời sống tâm linh là một trong những cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở xã Đông Dương, huyện Đông Hưng.

Đình làng văn hóa "2 trong 1"  được xây dựng lại ở  xã Đông Dương, huyện Đông Hưng.

Chứng kiến một cuộc họp Chi bộ của thôn Phương Cúc, xã Đông Dương cũng giống như bất cứ cuộc họp chi bộ nào. Nhưng điều khác biệt là cuộc họp đó được thực hiện tại Đình làng. Câu chuyện bắt đầu từ việc người dân trong thôn đã biết kết hợp đình làng với hội trường thôn là “2 trong 1” để thực hiện các hoạt động văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Điều này được thực hiện khi xã Đông Dương tiến hành triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Một buổi sinh hoạt thôn tại Đình làng của người dân thôn Phương Cúc, xã Đông Dương.

Thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, khi đó các thôn trong xã đều chưa có hội trường thôn đạt tiêu chuẩn. Cùng với sự đồng tình của cấp trên, xã Đông Dương đã đồng ý để thôn Phương Cúc huy động nguồn lực từ con em xa quê, của chính người dân trong thôn đóng góp để khôi phục lại Đình làng cũ đã bị tàn phá trong chiến tranh, kết hợp với nhà văn hóa thôn để hoạt động. Và khi bàn bạc dân chủ, nhân dân đồng tình thực hiện chủ trương này. Ngôi đình làng Phương Cúc được hoàn thành vào cuối năm 2012. Nơi đây đã trở thành nơi sinh hoạt tinh thần của người dân và được nhân dân gìn giữ.

Cụ Trần Văn Tư là thủ từ Đình Phương Cúc cho biết: “Tôi được Chi bộ thôn cử, dân tín nhiệm ra coi Đình. Chúng tôi hàng tháng dọn dẹp sạch sẽ nơi thờ tự để những ngày lễ, ngày họp hành luôn luôn đẹp đẽ, không để ô nhiễm môi trường, giữ vững được giá trị tâm linh văn hóa của nhân dân nơi đây.

Cụ Trần Văn Tư đang lau dọn nơi thờ phụng thành hoàng làng tại ngôi đình văn hóa của thôn.

Đình được xây dựng nhờ có sự đóng góp phần lớn của con em xa quê quyên góp ủng hộ và của chính người dân góp công, góp sức. Mặc dù hoạt động được nhiều năm nhưng do được giữ gìn tốt nên mọi thứ ngăn nắp và sạch sẽ. Khuôn viên Đình xây dựng rộng rãi, hội trường đủ các chỗ ngồi, bàn ghế khang trang với đủ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.… Nơi đây còn có sân khấu ngoài trời, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao của người dân trên địa bàn xã. Bà Phí Thị Duyên, thôn Phương Cúc, xã Đông Dương nói: “Đình làng là nơi tụ họp của người dân trong thôn, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh trong những ngày lễ, ngày hội. Những người dân như chúng tôi tham gia dọn dẹp vệ sinh để Đình ngày càng đẹp hơn và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc”.

Mọi vấn đề về xây dựng của thôn đều được bàn bạc dân chủ, công khai, nên người dân đều hăng hái ủng hộ, trong đó các đảng viên luôn đi trước, làm gương. Ông Phạm Văn Tham, một trong những điển hình của phong trào này chia sẻ: “Những công việc của thôn khi được đưa ra bàn với chúng tôi, mọi người đều hăng hái ủng hộ. Và những Đảng viên như chúng tôi không những đóng góp tinh thần, trách nhiệm, mà còn vận động những người thân trong gia đình, bà con làng xóm và con em xa quê hướng về địa phương”.

Ông Phạm Văn Tham (ngồi thứ 2 từ trái sang phải) nói về sự gương mẫu đi đầu của các đang viên trong thôn, trong xã.

Đông Dương là xã đi tiên phong trong việc gắn kết xây dựng đình làng với nhà văn hóa thôn ở huyện Đông Hưng. Những ngôi đình được xây mới nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ, bản sắc văn hóa của làng, xã Việt Nam xưa. Ông Phạm Đức Thuận - Bí thư chi bộ thôn Phương Cúc, xã Đông Dương, huyện Đông Hưng nói: “Cán bộ và nhân dân muốn khôi phục nét văn hóa tâm linh, khi  ra nghị quyết, mọi người cùng tâm huyết thực hiện, nhất là các đồng chí đảng viên. Từ 2 bàn tay trắng, nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của mọi tầng lớp nhân dân, chúng tôi đã xây dựng lại Đình trên đất hương án xưa để làm nơi sinh hoạt tâm linh cũng như phục vụ sinh hoạt cộng đồng của thôn”.

Trước kia ở Đông Dương có Đình thờ tướng quân Lê Ngọ và 2 con của ông, nhưng sau chiến tranh hầu hết các ngôi đình đều bị tàn phá. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, khi nhân dân có nguyện vọng khôi phục lại ngôi Đình, xã định hướng cho các thôn nên gắn kết xây dựng Đình với nhà văn hóa, vừa dễ huy động sức dân và con em xa quê vừa đảm bảo tính tâm linh cũng như không gian văn hóa tâm linh của cộng đồng.

Đội văn nghệ thôn Phương Cúc luyện tập tại sân Đình làng văn hóa.

Ðến nay, 3/4 thôn của xã Đông Dương đều xây dựng được đình làng khang trang với kinh phí hàng tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa. Ngoài nơi thờ, các đình đều có khuôn viên, nơi hội họp được trang bị cơ sở vật chất đầy đủ như: loa, tăng âm, đầu thu hình, bàn ghế phục vụ nhân dân đến họp và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đến nay, tất cả các cuộc họp của Chi bộ, của thôn, các đoàn thể, sinh hoạt văn hóa cộng đồng đều diễn ra ở đình. Trong không gian ấm cúng, tôn nghiêm, linh thiêng của đình làng, người dân nâng cao ý thức chấp hành nội quy, quy định, tham gia đóng góp ý kiến một cách nghiêm túc.

Bất kỳ sự kiện lớn nhỏ, các hoạt động văn hóa của thôn đều tổ chức tại đình làng văn hóa. Từ khi có đình, nhân dân được tham gia nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng, đi họp cũng đông đủ hơn, tình đoàn kết xóm làng cũng thêm bó bện. Ông Nguyễn Quang Huy – Trưởng ban Văn hóa xã Đông Dương, huyện Đông Hưng cho biết thêm: “Các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất văn hóa, Ban văn hóa cùng cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban công tác mặt trận thôn đề xuất thực hiện và bổ sung thêm. Ví dụ như quy hoạch đình làng kết hợp nhà văn hóa thôn, trên cơ sở giữ gìn những giá trị truyền thống, bồi đắp thêm giá trị mới, nâng cao giá trị văn hóa đình làng trong không gian văn hóa làng xã nông thôn mới hôm nay”.

Một góc đình làng - nhà văn hóa, mô hình sáng tạo trong xây dựng NTM ở xã Đông Dương, huyện Đông Hưng.

 Xây dựng đình làng kết hợp với nhà văn hóa thôn hoạt động hiệu quả. Thực tế ở Đông Dương cho thấy: cấp ủy, chính quyền thôn vận động nhân dân góp công, góp của xây dựng đình làng văn hóa dễ hơn rất nhiều so với vận động xây nhà văn hóa thôn. Khi có họp hành hay lễ hội, bà con ra đình tham dự bao giờ cũng đông đủ. Như vậy, việc xây dựng đình làng văn hóa cũng là một cách làm sáng tạo, huy động được sức dân để chăm lo đời sống cho nhân dân.

Ông Vũ Quý Mạnh – Chủ tịch UBND xã Đông Dương, huyện Đông Hưng cho biết: “Việc kết hợp tâm linh với các hoạt động văn hóa của cộng đồng thì đã nhận được sự hưởng ứng đồng tình của người dân và như thế chúng tôi đã huy động được mọi người cùng tham gia vào hoạt động này. Chúng tôi coi đây là một trong những nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới, giữ vững giá trị, những nét đẹp văn hóa truyền thống với giá trị hiện tại vốn có”.

Cùng với mái đình

cổng làng - cũng là một trong những biểu tưởng văn hóa của người dân Đông Dương.

 Mô hình kết hợp xây dựng đình làng và nhà văn hóa ở xã Đông Dương, huyện Đông Hưng là cách làm sáng tạo, huy động được sức mạnh của cộng đồng, sự đồng thuận của nhân dân không chỉ trong các công trình cơ sở vật chất văn hóa, mà từ đó tạo thành đòn bẩy, thúc đẩy địa phương hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Và qua đó cũng góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...