Quản lý lễ hội đầu năm tại Thái Bình

Thứ 6, 11/03/2016 | 16:41:27
1,237 lượt xem

Thái Bình là một trong những tỉnh có nhiều lễ hội trong cả nước. Việc quản lý lễ hội dịp đầu năm đang được ngành Văn hóa và các ngành liên quan vào cuộc để đảm bảo an toàn và niềm vui trọn vẹn cho người dân khi tham gia các lễ hội. Nhân dịp đầu năm, Thaibinhtv.vn đã cuộc phỏng vấn bà Trương Thị Hồng Hạnh – Tỉnh ủy viên, Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh để hiểu thêm việc quản lý lễ hội tại Thái Bình.

 Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Tỉnh ủy viên, Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thaibinhtv.vn: Cảm ơn bà Trương Thị Hồng Hạnh – Tỉnh ủy viên, Giám Đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tham gia chương trình của chúng tôi. Thưa bà, đầu năm, nhân dân ta thường đi du xuân hòa mình vào không khí lễ hội, vậy xin bà cho biết, hiện nay, các lễ hội trong diện quản lý của tỉnh có số lượng bao nhiêu? Nét đặc trưng của các lễ hội tại Thái Bình?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Theo số liệu dã thống kê được đến thời điểm cuối năm 2015, hàng năm tỉnh Thái Bình có hơn 450 lễ hội, chủ yếu là lễ hội dân gian ở thôn, làng, trong đó, có 253 lễ hội được tổ chức từ 3 ngày trở lên. Những lễ hội lớn gồm: Lễ hội chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư)  khai hội xuân ngày 4 tháng Giêng và hội thu vào 13-15/9 âm lịch; Lễ hội Đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) khai hội ngày 13 tháng Giêng; Lễ hội Đình (chùa La Vân, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ) khai hội ngày 4 tháng Giêng; Lễ hội Đền Hét (xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy) khai hội ngày 8 tháng Giêng; Lễ hội đền Tiên La (xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà) khai hội 15-3 âm lịch; Lễ hội Đền A Sào  (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ) khai hội vào 10/2 và 20/8, Lễ hội Đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ) khai hội ngày 20/8

Trong các hội làng ở Thái Bình có tới hơn 30 tục thi mang đậm sắc thái văn hóa nông nghiệp. Ngoài các tục thi trình nghề như dệt chiếu, dệt vải, xe đay, làm bánh, làm bún... còn có các trò đua tài giải trí như : Vật cầu, vật ống, bơi chải, bắt chạch, bắt vịt, thả diều, pháo đất, kéo lửa nấu cơm... Cho đến nay, các hội làng mùa xuân ở Thái Bình có  tới gần 20 điệu múa dân gian còn được duy trì như: Múa Ếch vồ, chải cạn ở lễ hội chùa Keo, xã Duy Nhất; múa Giáo cờ, Giáo quạt ở lễ hội làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, huyện Đông Hưng); múa Kéo chữ ở một số xã huyện Quỳnh Phụ; múa Bát dật (lễ hội làng Lộng Khê, xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ); múa Bệt (làng Vọng lỗ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ); múa Ông Đùng, bà Đà (ở hội làng chùa Hưng Quốc, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy)…

Thaibinhtv.vn: Như thế, lễ hội tại Thái Bình có nhiều, Sở VH-TT&DL với chức năng là đơn vị chủ trì sẽ có kế hoạch quản lý lễ hội như thế nào?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Với chức năng là đơn vị chủ trì, Sở VH-TT&DL luôn tích cực tham mưu giúp UBND tỉnh Thái Bình ban hành các văn bản quản lý nhà nước về lễ hội, phân cấp quản lý hoạt động tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh; quyết định quy mô, thời gian, tần suất tổ chức, lượng khách mời tham dự lễ hội bảo đảm tiết kiệm, tránh phô trương lãng phí, hạn chế sử dụng ngân sách của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tăng cường phối hợp với Sở VH-TT&DL trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở VH-TT&DL thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban thuộc Sở tích cực phối hợp với phòng Văn hóa, Thông tin các huyện, thành phố và chính quyền địa phương cơ sở mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về quản lý, tổ chức lễ hội nhằm nâng cao trình độ, nhận thức và trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức lễ hội. Ngoài việc ban hành và đôn đốc  thực hiện các văn bản về tổ chức và quản lý lễ hội tới chính quyền và các cơ quan chức năng theo thẩm quyền, Sở VH-TT&DL chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh; xử lý các vi phạm pháp luật hoặc đề nghị các cơ quan chức năng  xử lý các hành vi  vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thaibinhtv.vn: Thưa bà, trong quản lý các lễ hội năm 2016, có điểm nào sự mới (bổ sung) thêm so với các năm trước?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Quản lý lễ hội luôn là vấn đề nhạy cảm, có nhiều phức tạp tạo áp lực, khó khăn cho các nhà quản lý. Trước những hiện tượng không lành mạnh, phản cảm diễn ra ở nhiều lễ hội trên toàn quốc thời gian qua làm ảnh hưởng xấu tới không gian linh thiêng của lễ hội, ngày 22/12/2015 Bộ VH-TT&DL đã ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL quy định về tổ chức lễ hội. Thông tư này quy định chi tiết một số điều về tổ chức lễ hội tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ. Theo đó, công tác quản lý lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể hơn, chặt chẽ rõ ràng hơn, kèm theo 18 tiêu chí chấm điểm dánh giá lễ hội. Một số quy định cụ thể như sau:

Tại Điều 4 của Thông tư đã quy định chi tiết những yêu cầu về nội dung khi tổ chức lễ hội bao gồm:  Nghi lễ được tiến hành trang trọng, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ hoặc thay thế những tập tục không còn phù hợp. Phần hội đảm bảo vui tươi lành mạnh, đa dạng về hình thức, phù hợp với quy mô, tính chất đặc điểm của lễ hội; khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống. Không tổ chức các lễ hội có nội dung:Kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm: những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam bao gồm: mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo. Mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị. Mô tả cảnh thỏa mãn khoái trá của kẻ gây lên tội ác. Mê tín dị đoan làm mê hoặc lòng người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức bao gồm: Cúng khấn trừ ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác.. Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Trong đó, tại Điều 8 của Thông tư quy định chi tiết việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội cho các tổ chức cá nhân khi tổ chức hoặc tham gia lễ hội: Thực hiện đúng nội quy quy định của Ban tổ chức lễ hội; tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu đặt đúng nơi quy định của Ban tổ chức lễ hội, không ném thả tiền xuống ao hồ, cài tiền lên tay tượng, tay phật, thực hiện các hành vi phản cảm khác. Trang phục đẹp, lịch sự đúng thuần phong mỹ tục.không nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội. Yêu cầu về tổ chức dịch vụ trong khu lễ hội: Cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng quán không lấn chiếm khuôn viên di tích, không cản trở giao thông trong khu vực lễ hội. Niêm yết giá bán, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá, không bày bán đồ chơi có tính chất bạo lực, thịt động vật hoang dã theo quy định.

Thaibinhtv.vn: Bà có thể chia sẻ những vấn đề còn khó khăn trong việc quản lý lễ hội hiện nay và đề xuất giải pháp giải quyết?

Bà Trương Thị Hồng Hạnh: Những vấn đề còn khó khăn trong công tác quản lý lễ hội hiện nay là tại một số lễ hội lớn như Lễ hội Chùa Keo, Lễ hội Đền Đồng Bằng, Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Đền Tiên La... trong những ngày chính hội có thể tập trung hàng vài chục nghìn người về trảy hội mỗi ngày; dẫn đến sự quá tải nên cũng phát sinh những hiện tượng chen lấn, xô đẩy, nạn trộm cắp hoặc xả rác. Ý thức của một số khách tham dự lễ hội chưa cao: Ăn mặc phản cảm, xả rác bừa bãi hoặc thiếu hiểu biết về nội dung các lễ hội dẫn đến những hành vi thiếu văn hóa. Ở một số lễ hội còn có hiện tượng vì mục đích thương mại mà lấn chiếm lòng đường, chèo kéo khách hoặc ép giá. Thời gian tổ chức lễ hội thường ngắn nhưng lượng người tập trung lại đông, các hoạt động của người tổ chức và tham gia lễ hội lại đa dạng, thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan khác nhau, ví dụ: kinh doanh xuất bản phẩm thuộc lĩnh vực thông tin truyền thông; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế; quản lý việc đổi tiền thuộc lĩnh vực ngân hàng,...

Để quản lý lễ hội đạt kết quả cao, chúng tôi cũng đề một số giải pháp chính sau: Các địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền trước, trong và sau lễ hội về pháp luật, nếp sống văn minh, phong tục tập quán, nội dung lễ hội và chương trình lễ hội. Chính quyền địa phương các cấp tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các Ban Tổ chức lễ hội tuân thủ nghiêm pháp luật trong tổ chức các hoạt động lễ hội, có sự phân công nhiệm vụ và trách nhiệm rõ ràng của các thành viên các ban tổ chức lễ hội; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm tại các lễ hội; áp dụng các công nghệ tiên tiến trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, như lắp đặt hệ thông camera có độ phân giải cao nhằm phát hiện kịp thời những hiện tượng vi phạm ở những khu vực tập trung đông người của lễ hội hoặc những nơi dễ phát sinh những hành vi tiêu cực.

Thaibinhtv.vn:  Vâng! Cảm ơn bà!

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...