Theo lịch sử Phật giáo Việt Nam thì vào thời Lý (thế kỷ XI - XII) đạo Phật được coi là quốc đạo. Hầu hết các vị quốc tăng triều nhà Lý vừa hành đạo vừa tham gia chính sự. Chính vì hành trạng với đạo, với đời như thế nên đời sau, việc phụng thờ các vị ở nhiều đền, chùa theo tâm thức dân gian mới có quan niệm là Phật - Thánh đồng tông. Thiền sư - Đức Thánh Dương Không Lộ được phụng thờ ở chùa Keo Thái Bình là một trong những hiện tượng này.
Gác chuông Chùa Keo Thái Bình ( Ảnh st) xã D
Theo các nguồn sử liệu thì vị thiền sư này họ Dương, huý Minh Nghiêm, hiệu Không Lộ, quê làng Giao Thuỷ, phủ Thiên Trường, đời nối đời làm nghề đánh cá. Có sách chép Dương Không Lộ quê làng Nghiêm Quang, có thể nhầm với tên chùa Nghiêm Quang là tên gọi chùa Keo Giao Thuỷ (thuộc Nam Định) và chùa Keo Hành Dũng Nghĩa (thuộc Thái Bình) nơi Dương Không Lộ trụ trì.
Xưa và nay, hầu như sử sách vẫn chưa phân biệt một cách rạch ròi, thấu đáo những sự tích về thân thế, hành trạng, nhất là những huyền thoại, truyền thuyết về hai vị quốc sư thời Lý là Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Trong tâm thức dân gian thường quan niệm hai vị này là một và đều được truyền tụng, tôn xưng chung là Khổng Minh Không, là Không Lộ, là ông Khổng Lồ…
Thiền sư Minh Không họ Nguyễn, huý Chí Thành, hiệu Minh Không. Bố mẹ làm nghề đánh cá. Quê làng Đàm Xá, huyện Gia Viễn (Ninh Bình). Có sách chép Minh Không quê làng Lại Trì, phủ Kiến Xương (nay thuộc xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Lại Trì là nơi Minh Không tu hành và theo truyền thuyết thì đây là nơi sinh của ông. Nếu xét về tôn thiền thì Minh Không thuộc tổ hệ thứ 13 dòng Tì ni đa lưu chi, được phong quốc sư đời Lý Thần Tông (1128 - 1138); Dương Không Lộ thuộc tổ hệ thứ 9 dòng Vô Ngôn Thông, được phong quốc sư đời Lý Thánh Tông (1054 - 1072). Như vậy, Nguyễn Minh Không phải sinh sau Dương Không Lộ chí ít là hơn 50 năm.
Chùa Lộng Khê, nay thuộc xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ cũng có tục thờ Thiền sư – Đức Thánh Dương Không Lộ với khá nhiều sự lệ khác với chùa Keo. Tục đốt cây đình liệu trong đêm hội chùa Lộng Khê được giải mã từ sự tích: bình sinh, Dương Không Lộ là người có công xây dựng và là bậc khai sơn chùa Lộng Khê. Là thiền sư nhưng ngài sống chan hoà với dân. Hàng ngày sau những giờ hành đạo ngài vẫn cùng dân làng ra sông Luộc, sông Hoá đánh cá. Khi chùa đã được xây dựng khang trang, ngài muốn giao lại chùa cho đại sư Giác Hải trụ trì và đi lập sơn môn khác. Vì không muốn để dân làng quyến luyến nên đang đêm ngài biến mất. Dân làng nhớ thương ngài đã đốt cây đình liệu, châm đuốc đi tìm.
Với Lộng Khê, tình cảm và lòng sùng ái của nhân gian với thiền sư Không Lộ là thế, còn với dân làng Giao Thuỷ (Nam Định) quê ông và làng Hành Dũng Nghĩa (Thái Bình), nơi ông đã xây dựng hai ngôi chùa đều mang tên Keo chắc hẳn còn nồng nàn, sâu nặng hơn nhiều. Riêng với chùa Keo Hành Dũng Nghĩa (Thái Bình) do Không Lộ khởi dựng sau này đã được tôn tạo nguy nga tráng lệ, được coi là "cõi Tây Trúc trong chốn tùng lâm", có hàng trăm toà rộng dãy dài, có tháp chuông kỳ vĩ vào bậc nhất của nước Nam, còn lưu truyền vô kể những sự tích, truyền thuyết, huyền thoại về ngài. Lệ từ cổ xưa, hai làng Keo đối ngạn sông Hồng đều mở hội xuân vào ngày mồng bốn tháng giêng và hội chính vào trung tuần tháng 9 với nhiều sự lệ, nhiều trò chơi, trò diễn có liên quan đến việc mô phỏng lại cuộc đời và hành trạng của thiền sư Không Lộ. Trong rất nhiều sự lệ ở hội chùa Keo còn được duy trì đến ngày nay có thể kể đến những nghi thức trong đám rước khổng lồ với hàng trăm người tham gia. Có lẽ, đây là đám rước độc đáo có một không hai trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam. Nghi thức rước được tiến hành từ sáng ngày 14 đến chiều ngày 15 tháng 9. Sáng rước từ chùa ra đê sông Hồng chiều rước về. Trên đường rước đi và về có nhiều lễ thức diễn tả sự tích thiền sư Không Lộ. Đáng chú ý hơn cả là tục múa rối, có quân rối dây mang tên Bà Chàng, tay vẫy gọi thiền sư, diễn tả sự tích Bà Chàng theo Không Lộ lên trời bán cá, vì mải vui say cảnh thần tiên nên Bà Chàng quên lối về. Hôm sau Không Lộ lại lên trời Bà Chàng trông thấy, mừng quá vẫy tay theo về. Tục đua trải trên sông Hồng, tục múa Ếch vồ và chèo trải cạn cùng nhiều lễ thức khác được tổ chức trong hội chùa Keo cũng gắn với sự tích về cuộc đời và hành trạng của thiền sư Không Lộ…
Lế hội chùa Keo ( Ảnh st)
Trong tâm thức dân gian, Dương Không Lộ vừa là thiền sư, vừa là thánh tổ, vừa là đấng tối linh, tối thiêng, vừa gần gũi ân tình. Phép màu nhiệm mà đạo và đời đã giành cho ông trường tồn trong nhân gian là thế./.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...