NGÀY XUÂN TẢN MẠN VỀ CÂU ĐỐI

Thứ 5, 04/02/2016 | 09:08:11
1,747 lượt xem

 Câu đối là một loại hình văn học đặc biệt của phương Đông. Trên thế giới chỉ có bốn nước cùng một loại hình văn tự đơn âm là Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên (ngày nay gồm cả Hàn Quốc), Nhật Bản là có câu đối.

 Truyền thống của người Việt Nam xưa, "thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ" là những hương vị không thể thiếu trong ngày tết Nguyên đán. Nhà  giàu thì treo câu đối viết trên lụa, là, gấm, vóc. Nhà nghèo thì dán câu đối viết trên giấy hồng điều. Nhà có chữ thì tự viết lấy theo sở đắc của mình. Nhà nghèo thì đi nhờ người viết hộ, sao cho hợp với gia cảnh. Sử sách còn lưu truyền là vào thời Hồng Đức (1470 - 1497), vua Lê Thánh Tông đã ra chỉ dụ cho mọi nhà đều phải dán câu đối vào ngày tết

  Không chỉ với ngày tết, câu đối còn được dùng rộng rãi trong đời sống xã hội. Khi vui, lúc buồn người ta thường vận dụng câu đối để bày tỏ nỗi lòng, để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau. Câu đối còn được dùng phổ biến để phụng thờ gia tiên tại gia đình, từ đường, lăng mộ; thờ Thánh, thờ Thần, thờ Phật tại các đình, đền, miếu, phủ, chùa chiền hoặc tụng ca công đức của các bậc anh hùng, nghĩa sỹ…Ngày trước, câu đối được dùng làm đồ trang sức trong các gia đình giàu có, khá giả. Được chạm khắc trên gỗ quý theo hình phẳng hoặc hình lòng máng, hình tàu lá chuối, sơn son thếp vàng treo trên các hàng cột. Mặt khác, câu đối còn là một trong những phương tiện được coi là vũ khí sắc bén để chống ngoại xâm và chống các thế lực áp bức cường quyền hoặc phê phán các thói hư, tật xấu trong xã hội…

Thuở trước, ông cha ta thường phân câu đối thành nhiều loại. Nếu phân theo chủ đề thì có các loại  câu đối: mừng tết (xuân liên), mừng tuổi, mừng thọ (niên linh) mừng thi đỗ (đăng khoa) mừng nhà mới (đệ trạch) mừng đền miếu mới (từ vũ) mừng đám cưới (giá thú) mừng nghề mới (bách nghệ) phúng viếng đám ma (ai vãn)…Nếu phân theo hình thức nghệ thuật thì những câu đối có từ bốn, năm, sáu bảy chữ gọi là câu đối thơ; từ tám chữ trở lên gọi là câu đối phú, có câu đối chữ Hán, câu đối chữ Nôm…

Câu đối vốn là một công trình nghệ thuật thâm thuý về ý, trau chuốt về lời. Thực chất của câu đối là nghệ thuật chơi chữ, chọn hình ảnh, chọn chữ đối nhau. Không biết chơi chữ thì không làm được câu đối hay.

Cái khó của câu đối là làm thế nào vừa đối được ý lại đối được âm. Ý và âm hoà quyện vào nhau, đối nhau chan chát. Có những câu treo trong nhà, thoáng đọc thì rất hay, ý đối nhau rất chuẩn, có nội dung tư tưởng tốt nhưng xét về luật bằng trắc của câu đối thì không thể gọi đó là câu đối. Ví dụ câu:

Công ơn Đảng Bác to như núi,

Nghĩa sinh cha mẹ lớn bằng non.

Nếu xét về niêm luật thì câu đối này thất niêm. Các chữ thứ hai, thứ tư, thứ sáu không đối nhau về bằng, trắc theo quy định "nhất, tam, ngũ bất luận; nhị, tứ, lục phân minh"(chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm có thể tự do nhưng các chữ thứ hai, thứ tư, thứ sáu phải đối nhau về bằng, trắc).

Cũng vì câu đối là nghệ thuật chơi chữ nên mới có chuyện thách đối và nhiếu vế đối xưa nay vẫn chưa có người đối chỉnh được. Câu đối khó làm, thường là người biết chữ, có học mới làm được. Người không có chữ thì không làm được câu đối, người ít chữ thì khó làm được câu đối hay. Thuở ban đầu, câu đối là thú chơi của các nhà nho sau dần thành thú chơi của các giai tầng trong xã hội. Dưới thời phong kiến, những vị học quan được cử đi làm sứ giả của các nước chịu ảnh hưởng của chữ Hán thường là những người phải có tài ứng đối giỏi mới giữ gìn được quốc thể. Trong dân gian, câu đối trào phúng là loại hình câu đối được lưu truyền rộng rãi nhất. Đây là loại câu đối hóm hỉnh, trào lộng dùng để châm biếm, đả kích kẻ thù hoặc mỉa mai, phê phán các hiện tượng xã hội, hoặc mang tính trào lộng giải trí. Trong mỗi câu đều có một vài  chữ mang nghĩa bóng, nghĩa thực, nghĩa ngược, nghĩa xuôi, nghĩa Nôm, nghĩa Hán…nhiều khi như mật ngọt chết ruồi. Ví dụ:

Hồ Xuân Hương ra vế đối có ý nói lái hai chữ cuối:

Tán tía, tán vàng, che đầu nhau đỡ khi nắng cực.

Chiêu Hổ đã đối lại vế đối cũng có ý nói lái hai chữ cuối:

Thuyền rồng, mui vẽ, vén buồm lên rồi sẽ lộn lèo.

 Câu đối tết của Tú Xương:

Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo,

Nhân tình bạc thế lại bôi vôi.

Vì câu đối là hương vị, là thú chơi trong ngày tết cho nên nhiều năm qua, dường như không có tờ báo xuân nào ở nước ta là không in một vài câu đối. Phổ biến là câu đối ca ngợi, cổ vũ cuộc sống, thảng hoặc cũng có những câu đối phê phán các hiện tượng không lành mạnh trong xã hội. Nhưng cũng dường như ít  có câu đối hay được lưu truyền rộng rãi. Lại có cả những  câu đối viết dễ dãi, thiếu chau chuốt, thậm chí sai cả niêm luật vẫn được in trên một vài tờ báo xuân làm người đọc như nhai phải hạt sạn khi thưởng thức hương vị câu đối ngày xuân.

 

 

 

 

   

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...