CHUYỆN ĂN TẾT VÀ LÀM CỖ

Thứ 2, 01/02/2016 | 09:31:00
1,029 lượt xem

                      

          Ngày đầu năm (tính theo âm dương lịch) là ngày Tết Nguyên đán, từ xưa đến nay, ngày Tết Nguyên đán luôn được coi trọng. Xưa, người dân thường quan niệm: năm cũ đi qua, mọi cái vận, cái hạn, cái xấu cũng đi theo, năm mới vận hội mới tốt đẹp sẽ đến. Người lao động “quanh năm đầu tắt mặt tối” “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngày Tết Nguyên đán là ngày nghỉ  ngơi “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Lao động quanh năm vất vả, ăn đói mặc rách thì đến Tết (một năm lại chỉ có một Tết) cũng phải lo cho cái ăn, cái mặc “đàng hoàng” một chút. Những nhà neo đơn khó khăn, đói rách quanh năm thì cố lo cho ba ngày Tết có cái để mà ăn. Chẳng lẽ ngày đầu năm đã đi vay, đi mượn, mà cũng chẳng ai cho vay cho mượn ? Người xưa quan niệm ngày đầu năm đã đi vay đi mượn thì suốt năm phải đi vay ( ?).

         Những gia đình lao động bình thường có đủ cơm ăn trong ngày Tết lo có nồi thịt đông, nải dưa hành, lo đụng lấy một đùi lợn để con cái có đĩa lòng, bát nước lòng mà ăn vì quanh năm chẳng bao giờ có.

         Những gia đình có mức sống khá giả thì các bữa ăn trong ngày Tết đàng hoàng hơn, thực sự có thể gọi là cỗ Tết.

“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

           Câu đối của các ông đồ xưa mới chỉ nêu được ba món ăn, thực tế cỗ Tết phong phú hơn nhiều, thường thường cỗ Tết phải có món giò lụa, giò cuốn, giò pha, giò xào, phải có ninh, mọc, rau cần nấu ám, thịt hầm khoai sọ, món chả quế, thịt gà, thịt ngan, món hành nén, xu hào, súp lơ xào thịt… xôi đỗ, bánh chưng, bánh dầy, bánh mật, bánh cáy… Ăn chẳng hết nhưng người ta cứ bầy ra thật nhiều mong cho no đủ, thừa thãi. Ngày Tết con cháu đến chúc Tết ông bà, hàng xóm láng giềng đến chúc nhau… đều được mời ăn “ăn cho lấy may” vì sự no đủ thừa thãi thức ăn trong ngày Tết là điều may mắn. Một số làng nổi tiếng về làm cỗ:

* Cỗ làng Tò.

Làng Tò xa xưa còn gọi Tù Hương (nơi bị bao bọc bởi sông nước). Làng Tò đất rộng nên từ thời Trần đã tách thành các thôn xã riêng, nay là các thôn Tô Đê, Tô Đàm, Tô Hải, Tô Hồ, Tô Trang, Tô Xuyên thuộc xã An Mĩ và Thủ Quốc, An Thanh, huyện Quỳnh Phụ. Làng Tò nổi tiếng là một làng văn vật, làng khoa bảng, làng có nhiều người làm quan. Văn học dân gian Thái Bình có những câu nói về làng Tò:

Lê Chằm Vạc, Mạc Tò Hương

Quan làng Tò, bò làng Hệ

Hoặc:

Những người đội mũ vá mo

Chân đi thất thểu người Tò chẳng sai.

Làng Tò có ngôi đình rất to và đẹp được xếp vào một trong bốn cảnh đẹp nổi tiếng của huyện Phụ Phương thời Lý. Là một làng nhiều người đỗ cao nhiều người làm quan thời phong kiến nên có nhiều lễ hội, nhiều cuộc vui, có nhiều lệ thi: thi làm bánh, thi lợn, thi làm cỗ. Cỗ làng Tò được gọi là cỗ yến.

Mâm cỗ xếp hai tầng, trên mâm có đủ các món xào, nấu, ninh, mọc, giò, chả, thịt gà. Gà để nguyên con, có đủ lòng, mề, tim, gan, cật …và phải có cả đôi quả “cà”… không được thiếu thứ nào. Mỗi mâm cỗ phải có một con cá chép nướng nặng 2-3 cân, cá phải để nguyên cả vẩy. Mâm cỗ lại có hình ông Lã vọng ngồi câu cá.

Mỗi thôn trong làng làm một mâm đem tế thành hoàng xong mới chấm giải, mâm cỗ được giải phải đạt yêu cầu nhiều món, bày đẹp, ăn ngon. Người hưởng thụ cỗ yến là những cụ cao niên trong làng, các quan triều, quan trấn đã nghỉ hưu, các chức dịch và những người đến phiên làm cỗ.

Ngày nay lệ thi cỗ không được tổ chức lại nhưng xã An Mĩ đã trở thành xã nghề, trong đó có nghề chế biến lương thực, thực phẩm, nghề chế biến các món ăn ngon nổi tiếng.

* Cỗ làng Nguyễn.

Làng Nguyễn nay là xã Nguyên Xá huyện Đông Hưng, là một làng đa nghề. Trong cái đa nghề của làng Nguyễn có nghề chế biến thực phẩm, nghề làm cỗ. Xưa làng Nguyễn hàng năm thường mở hội vào ngày 28 tháng 11 âm lịch. Thời gian ấy cũng là lúc thu hoạch vụ mùa đã xong, rơm lên đống, thóc vào cót, việc cày vỡ ruộng phơi ải chuẩn bị cho mùa chiêm năm sau còn chờ ải… công việc nhà nông tạm thư nhàn, dân làng Nguyễn vào hội yến lão tại đình làng, làm cỗ dâng lên các cụ già cao tuổi.

Cỗ yến lão của làng Nguyễn bầy 2 tầng: tầng mặn và tầng chay.

- Tầng mặn có 4 đĩa, 4 bát.

+ Bốn đĩa gồm: Giò lụa, giò vân (còn gọi là  giò hoa), giò xào, chả quế. Giò chả làng Nguyễn nổi tiếng thơm ngon.

+ Bốn bát: Ninh, mọc, hầm, nấu. Tất cả đều làm bằng thịt gà, thịt chim, chân giò, bồ câu, thịt trâu bò … và các phụ gia nhưng bốn bát phải tạo hình long, ly, quy, phượng trên bát. Đây thực sự là tài năng, kỹ xảo của các nghệ nhân  mà ngày nay người ta chỉ nói được chứ không làm được. Người làng Nguyễn giải thích xưa làm được như thế vì làng có nhiều người làm quan trong triều, có người đã từng là bảo mẫu của các thái tử, nấu món ăn dâng vua, món ăn cho thái tử … sau đem kinh nghiệm về truyền dạy cho dân.

- Tầng cỗ chay có xôi vò, chè đường, bánh chưng đường, bánh cáy, bánh vừng.

Việc làm cỗ do các giáp đảm nhiệm thể hiện lòng tôn trọng với người cao tuổi, với tình cảm đó mọi món ăn đều được chế biến khéo léo, ngon lành, tinh khiết với trình độ cao. Nhờ đó từ nhiều thế kỷ nay chế biến món ăn đã trở thành truyền thống, thành nghề tinh xảo của người làng Nguyễn, giò lụa, chả quế, chả chìa, bánh dày đỗ, bánh cáy, kẹo lạc … làng Nguyễn đã nổi tiếng khắp thiên hạ.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...