Người dân Việt Nam tìm đến bảo tàng tham quan chủ yếu là trong các dịp sinh hoạt tổ chức đoàn thể hoặc các ngày kỷ niệm lớn! Còn, để người dân tự tìm đến các bảo tàng, đưa gia đình đến vui chơi vào ngày nghỉ, có lẽ ở Hà Nội giờ vẫn chỉ có Bảo tàng Dân tộc học.
Trong khi đó, chúng ta có cả một hệ thống bảo tàng, từ bảo tàng quốc gia, bảo tàng địa phương cho đến bảo tàng chuyên ngành. Có người ví rằng, bảo tàng ở Việt Nam đang “hôn mê sâu”. Nhưng, vị chuyên gia đầu ngành bảo tàng thì cho rằng: “Nếu nói nó ngủ thì chưa đúng mà là đang uể oải vươn tới thời đại”.
Hiện vật nghèo nàn, cách trưng bày sáo mòn
Con gái tôi là học sinh trung học cơ sở được nhà trường cho đi tham quan Bảo tàng Hà Nội. Gặng hỏi cháu và các bạn cảm nhận về bảo tàng như thế nào, bọn trẻ chỉ kể được vài chi tiết nhỏ nhỏ, tức là ở đây không có điểm nhấn để tạo ấn tượng cho trẻ chơi và học.
Câu chuyện về Bảo tàng Hà Nội vốn được coi như bài học trong ngành bảo tàng khi việc xây dựng hình thức với nội dung không đi liền với nhau. Những người làm công tác xây dựng chỉ lo sao cho công trình hoàn thiện, đúng với mục tiêu khánh thành vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Nghĩa là, chỉ quan tâm đến cái vỏ, còn ruột thì rỗng. Tập trung vào “vỏ” không đồng bộ với “ruột” không chỉ là tình trạng lãng phí 5 năm qua ở Bảo tàng Hà Nội mà còn làm mất lòng tin đối với công chúng.
Tôi đến Bảo tàng Mỹ thuật vào một sáng thứ 6. Có khoảng hơn chục khách là người nước ngoài đến tham quan. Họ đi theo gia đình, hầu hết là tự khám phá, đọc chú thích bên dưới các hiện vật. Phòng trưng bày khá rộng nhưng người tham quan lần đầu dễ bị rơi vào tình trạng đi loanh quanh, trở đi trở lại. Tôi chứng kiến hai vị khách nước ngoài phải đi một vòng, mở cửa nọ, đi vòng cửa kia rồi quay ngược lại chỗ vừa tham quan mới tìm được lối ra. Thực ra, các gian trưng bày không phải quá khó cho người tham quan, vấn đề chỉ là cách chỉ dẫn chưa khoa học.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra đời từ năm 1966, trưng bày hơn 3.000 hiện vật trong tổng số gần 20.000 hiện vật mà bảo tàng đang lưu giữ, sắp xếp theo tiến trình lịch sử. Có bề dày gần 50 năm, lại nằm ở vị trí đắc địa, bên cạnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám, không gian rộng nhưng Bảo tàng Mỹ thuật không có sức hút khách.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng tọa lạc ở vị trí đẹp tại số 1 Tràng Tiền và 216 Trần Quang Khải. Nhưng, khách đến bảo tàng đông cũng chủ yếu chỉ là các đoàn tham quan, học tập. Còn khách đến tự nhiên không nhiều. Khi tôi có mặt tại đây tìm hiểu thì cũng chỉ có vài vị khách nước ngoài. Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ và bảo quản trên 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam. Trong đó có gần 8.000 hiện vật, tư liệu lịch sử được trưng bày trên tổng diện tích 3.700m². Bản thân giá trị kiến trúc của bảo tàng đã là một sức hút cho du khách. Nhưng, công chúng chưa tìm đến bảo tàng trong những dịp lễ tết, ngày nghỉ cho thấy sự thờ ơ với di sản văn hóa, là sự báo động cho những người làm công tác bảo tàng.
Khi thực hiện bài viết này, tôi cũng đã phỏng vấn một cô giáo mới đưa học trò cấp trung học phổ thông đi thăm Bảo tàng Lịch sử quốc gia theo kế hoạch của nhà trường. Cô bảo cô mới đến đây lần đầu. Hỏi cô thấy bảo tàng thế nào, cô bảo: “Em thấy cũng được, cũng hay”. Nhưng hỏi cụ thể hay thế nào, được thế nào thì cô không chỉ ra được.
Bảo tàng là một hoạt động của đa ngành, đa lĩnh vực, có khoa học, lịch sử, có nhân học… nhưng bên cạnh lĩnh vực khoa học đó còn có kiến trúc sư, họa sỹ, người làm đồ họa, đó là một kíp sáng tạo. Thế nhưng, hiện nay nhiều bảo tàng không có kíp thiết kế trưng bày, kiến trúc sư, họa sỹ chuyên môn cao về bảo tàng. Thế nên, hệ thống đồ họa thiết kế theo lối mòn. Đó là hình ảnh, hiện vật được bày ra trong khuôn viên bảo tàng hay trong tủ kính với lời giới thiệu về hiện vật, tư liệu, không tạo được điểm nhấn… Tình trạng đó diễn ra nhiều năm qua, ở cả những bảo tàng có tuổi đời vài chục năm cho đến cả trăm năm. Bởi vậy, đông đảo người dân chỉ hiểu đơn giản bảo tàng là nơi cất giữ, trưng bày các hiện vật cổ.
Thiếu chiến lược
Các nhà khoa học cho rằng, nếu biết cách khơi dậy thì bảo tàng sẽ là nơi giáo dục thế hệ trẻ, là nơi truyền lại những giá trị lịch sử, văn hóa, thậm chí là kiến thức khoa học, những nền văn minh thế giới… Quan trọng nhất, bảo tàng là trường học cho người dân của đất nước mình, địa phương mình. Thế nhưng, nhiều năm qua bảo tàng chưa làm được vai trò lịch sử đó.
Đặt vấn đề so sánh giữa bảo tàng và các trung tâm thương mại, đương nhiên là khập khiễng, nhưng có một nguyên nhân tạo ra sự chênh lệch khách vào những dịp nghỉ lễ chính là cái… máy điều hòa nhiệt độ. Muốn giữ được khách lâu ở bảo tàng thì phải có không gian mát mẻ nhưng thực tế ở hầu hết các bảo tàng đều chỉ đáp ứng được điều hòa ở một phần không gian.
Trên thế giới và Việt Nam đang có cuộc cạnh tranh giữa các cơ quan văn hóa như bảo tàng, nhà hát với các dịch vụ của các đơn vị thương mại. Ở Việt Nam, cuộc cạnh tranh này đang diễn ra mạnh mẽ. Các siêu thị họ làm lớn, có nhiều dịch vụ chất lượng cao bên trong, đặc biệt là có điều hòa nhiệt độ. Người ta chọn trung tâm thương mại, siêu thị vì được hưởng điều kiện về vật chất, trải nghiệm mát mẻ, sạch sẽ. Đó là một phần, quan trọng hơn là nội dung chuyên môn. Sự nhàm chán sẽ không kéo được người dân đến với bảo tàng.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Các bảo tàng đang thay đổi một cách từ từ, chậm chạp, dần dần. Toàn bộ hệ thống bảo tàng nếu coi nó ngủ thì không phải mà là uể oải vươn tới thời đại, ở thời đại mà sự đổi mới, thay đổi chóng mặt để hội nhập. Trong khi đó chúng ta đã có nhiều lĩnh vực, nhiều ngành thay đổi như ngân hàng, truyền hình, hải quan… Giới bảo tàng không có chiến lược, không tạo ra được một cuộc cách mạng từ bảo tàng quốc gia, tỉnh, thành phố, chuyên ngành. Và, có một điều nữa liên quan đến cơ chế, chính sách. Những người có chuyên môn về bảo tàng đã bị tách ra khỏi quá trình xây dựng bảo tàng ngay từ đầu. Trong khi đó, có kiến thức chuyên môn về bảo tàng thì mới xây dựng được bảo tàng hợp lý, đúng mục đích và tránh lãng phí. Ngay hiện tại, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang trong quá trình chuẩn bị khởi công xây dựng cũng ở tình trạng trên. Ban quản lý dự án xây dựng bảo tàng thì nằm ở Bộ Xây dựng trong khi cơ quan chủ quản của bảo tàng tương lai lại nằm ở Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch”.
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 156/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo tàng đến năm 2020 với mục tiêu kiện toàn và phát triển hệ thống bảo tàng, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học và hưởng thụ văn hóa của công chúng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Hầu hết các dự án xây dựng mới, cải tạo các bảo tàng quốc gia và bảo tàng chuyên ngành đều sử dụng vốn đầu tư phát triển, chỉ có 3 dự án sử dụng vốn ngân sách sự nghiệp. Cơ chế vốn, cơ chế chi tiêu cho bảo tàng vẫn đang là câu hỏi lớn để ngành bảo tàng phát triển kịp với thế giới hiện đại.
Theo Việt Hà
Công an nhân dân
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường xem xét, biểu quyết thông qua các dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...