Vai trò và mối quan hệ cội rễ với nghiệp Trần ở thế kỷ XIII đã là những dấu son đặc biệt trong trang sử hàng ngàn năm mở đất và bảo vệ quê hương của Thái Bình nói chung, Hưng Hà nói riêng. Sự quan tâm, tin cậy của nhà Trần đã tạo cho Thái Bình có cơ hội không chỉ bộc lộ, thể hiện được tiềm năng sức mạnh mà còn nâng cao tầm vóc, vị trí miền đất dấy nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và giữ gìn giang sơn bờ cõi của Đại Việt.
Qua gần 8 thế kỷ, Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, Lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung vẫn luôn “khói tỏa, hương trầm”. Người dân Thái Bình tự hào vì mỗi con sông, mỗi cánh đồng, mỗi thôn làng trên vùng đất Long Hưng xưa, Hưng Hà nay đều mang đậm nét những dấu tích anh linh của triều đại nhà Trần.
Mảnh đất Long Hưng - Ngự Thiên (nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) ngay từ đầu thế kỷ thứ XII đã được nhà Trần chọn làm nơi dựng nghiệp để gây dựng nên một vương triều cường thịnh, với hào khí Đông A lẫy lừng, võ công oanh liệt vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Sử thông giám cương mục, Kiến văn tiểu lục... có ghi: “Tổ tiên nhà Trần, đời nối đời làm nghề chài lưới. Từ đầu thế kỷ XII, họ Trần đã đến vùng Tức Mặc (Nam Định) và Lưu Xá (xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) sinh sống và làm nghề đánh cá trên lưu vực sông Hồng, sông Luộc. Bởi thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, cụ Trần Hấp đã di chuyển mộ cha và vợ đến vùng đất Thái Đường - Ngự Thiên thuộc thôn Tam Đường - xã Tiến Đức - huyện Hưng Hà - tỉnh Thái Bình ngày nay và lên bờ định cư, phát triển nông tang”.
Cùng với sự lớn mạnh của dòng họ và hậu thuẫn của các thế lực mạnh thời đó, dòng họ Trần đã từng bước được triều Lý giao cho nhiều công việc quan trọng, trong đó có cả việc tham gia dẹp loạn nội triều. Chính những biến loạn trong triều Lý và sự lớn mạnh của dòng họ Trần trên vùng đất Long Hưng mà Thái tử Sảm của triều Lý (sau này là vua Lý Huệ Tông) đã về vùng đất Long Hưng lánh nạn và gặp gỡ, nên duyên với người con gái tài sắc vẹn toàn của dòng họ Trần (sau này là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung) và đã cùng Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ - với tài thao lược về chính trị và quân sự đặc sắc, đã tạo ra sự chuyển giao quyền lực từ triều Lý sang triều Trần bằng cuộc kết hôn giữa Lý Chiêu Hoàng (vị vua cuối cùng của triều Lý) với Trần Cảnh (con trai cụ Trần Thừa) và việc vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (sau này là vua Trần Thái Tông). Đây là cuộc chuyển giao quyền lực chính trị có một không hai trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam vào năm 1225.
Khi thay thế triều Lý, triều Trần đã về trấn giữ Kinh đô Thăng Long nhưng vùng đất Long Hưng - Hưng Hà vẫn được các vua Trần coi là hậu phương vững chắc. Triều đình đã cho các vương hầu, thân tộc của mình về Long Hưng xây dựng các điền trang, thái ấp, phát triển sản xuất, tích trữ lương thảo làm cơ sở nuôi quân đánh giặc. Trai tráng đất Long Hưng được các vua Trần tin cẩn lựa chọn sung làm quân túc vệ, quân tinh cương bảo vệ triều đình. Đó cũng chính là lực lượng giúp vua phòng khi có binh biến, giặc dã xâm lăng.
Cả ba lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược, mảnh đất Long Hưng - Ngự Thiên đều là nơi nhà Trần chọn làm căn cứ thứ hai (sau thành Thăng Long) để lánh nạn, tập hợp quân sỹ, chuẩn bị vũ khí, lương thảo. Đặc biệt, đã chọn nơi đây để tổ chức các đại lễ bái yết tổ tiên, ban phúc ân cho muôn dân trăm họ và ăn mừng chiến thắng. Trong lễ tế tổ và mừng chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba, ngày 17/3 năm Mậu Tý (1288) vua Trần Nhân Tông đã cảm khái đọc hai câu thơ bất hủ để ca ngợi tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc ngoại xâm của quân dân Đại Việt và thể hiện tấm lòng của vua tôi nhà Trần đối với mảnh đất và con người Long Hưng - Hưng Hà:
" Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu"
Nghĩa là : " Đất nước hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng"
Vai trò và mối quan hệ cội rễ với nghiệp nhà Trần ở thế kỷ XIII đã là những dấu son đặc biệt trong trang sử hàng ngàn năm mở đất và bảo vệ quê hương của Thái Bình nói chung, Hưng Hà nói riêng. Sự quan tâm, tin cậy của nhà Trần đã tạo cho Thái Bình có cơ hội không chỉ bộc lộ, thể hiện được tiềm năng sức mạnh mà còn nâng cao tầm vóc, vị trí miền đất dấy nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và giữ gìn giang sơn bờ cõi của Đại Việt. Đây là niềm tự hào chính đáng và cũng là bài học lịch sử cần được trân trọng giữ gìn và phát huy. Quá khứ sẽ tiếp thêm nguồn nội lực cho các thế hệ nối tiếp của Thái Bình vững vàng tự tin trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.
Đinh Danh Cảnh
Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Bình
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường xem xét, biểu quyết thông qua các dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và Luật...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...