Lễ hội là một hoạt động văn hóa mang tính tất yếu và thiết yếu trong đời sống văn hóa xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Lễ hội là sản phẩm của lịch sử, nó ra đời, tồn tại và vận hành cùng lịch sử. Chừng nào còn con người, chừng đó còn có đời sống văn hóa, trong đó có hoạt động lễ hội. Còn du lịch ra đời muộn hơn nhưng lại phát triển với tốc độ nhanh chóng và cũng trở thành một nhu cầu không thể thiếu của con người trong xã hội hiện đại. Tự thân hai hoạt động này tìm đến nhau như là những thành tố của một xã hội phát triển, một xu hướng phát triển tất yếu, khách quan của xã hội loài người trong không gian, môi trường, điều kiện và hoàn cảnh mới.
Tỉnh Thái Bình hiện nay đã thống kê được 493 lễ hội, trong đó phần lớn là loại hình lễ hội dân gian, còn lại thuộc loại hình lễ hội tôn giáo, lịch sử cách mạng, văn hóa du lịch, ngành nghề. Có 03 lễ hội thuộc cấp huyện quản lý, 188 lễ hội thuộc cấp xã, phường, thị trấn quản lý và 302 lễ hội thuộc cấp thôn, làng, tổ dân phố, khu phố quản lý. Nhiều lễ hội đã để lại những điểm nhấn và ấn tượng sâu sắc đối với du khách thập phương. Phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống, phần hội được tổ chức phong phú, đa dạng với nhiều loại hình hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Cùng chung với đặc điểm lễ hội vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, lễ hội truyền thống ở Thái Bình được phân bố với mật độ cao vào những tháng nông nhàn theo chu trình sản xuất của hai vụ lúa chiêm, mùa với tâm thức “tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Riêng những hội làng lớn duy trì nhiều lễ thức cổ xưa lại tập trung nhiều vào tháng tư và tháng chín. Các lễ hội vào tháng tư, tháng chín thường kéo dài ngày, có ảnh hưởng nhiều đến các vùng phụ cận
Những tác động tích cực giữa lễ hội và du lịch
Trong Pháp lệnh Du lịch được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua nêu rõ: “Nhà nước Việt Nam xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao; phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng của nhân dân và khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, mùa lễ hội cũng là mùa du lịch, vì thế đã tạo nên hình thức du lịch lễ hội kéo theo sự phát triển của ngành kinh tế du lịch.
Khi du lịch phát triển, cũng là dịp để chúng ta giới thiệu, quảng bá hình ảnh các lễ hội của địa phương tới bạn bè trong và ngoài nước. Đến với các lễ hội ở Thái Bình, du khách được hòa mình trong không gian văn hóa đặc sắc, trong tình cảm cộng đồng sâu sắc. So với một số tỉnh trong khu vực thì Thái Bình còn duy trì nhiều hội làng hơn. Vì cho đến những thập kỷ cuối của thế kỉ XX thì hơn 90% dân số Thái Bình vẫn sống ở khu vực nông thôn với khá đầy đủ thuộc tính vốn có của nông dân. Mặt khác, Thái Bình còn hiện diện hơn 1.400 thiết chế tín ngưỡng vốn là nơi tổ chức hội làng thưở trước, nay do nhu cầu tâm linh tín ngưỡng nên nhiều lễ hội đã được phục hồi. Cũng có lẽ do yếu tố công nghiệp, thị dân còn mờ nhạt nên các trò chơi, trò diễn dân gian như: thi pháo đất, thi bắt trạch, thi nấu cơm, thả diều... vẫn còn tồn tại bền bỉ. Qua các hội làng đã được khôi phục, thống kê được trên 30 tục thi mang đậm sắc thái văn hoá nông nghiệp. Ngoài các tục thi trình nghề như: dệt chiếu, dệt vải, xe đay, làm go, làm bánh, làm bún... còn có các trò đua tài giải trí như: vật cầu, vật ống, bơi chải, bắt trạch, bắt vịt, thả diều, pháo đất, kéo lửa nấu cơm... Mỗi trò chơi ở mỗi hội lại có sự khác nhau. Thi kéo lửa nấu cơm hội chùa Keo khác với thi kéo lửa nấu cơm hội làng Tống Vũ, hội làng Bạt Trung khác với hội làng Đa Cốc, tục thả diều ở hội làng Sáo Đền khác với hội làng Tuộc.... Mỗi hội lại có những tục thi riêng gắn với huyền thoại về sự tích, hành trạng của vị thần được thờ và những điệu múa dân gian gắn với nghi thức tín ngưỡng. Trong số những hội làng ở Thái Bình đã khôi phục, có tới gần 20 điệu múa dân gian được duy trì ở các lễ hội. Có những điệu múa mang tính phổ biến trong nhiều hội như múa trống trắc, múa lân, múa phượng, múa tứ linh, múa cờ, múa rồng..., có điệu múa chỉ có trong nghi thức tế thánh ở một số hội như múa quạt, múa đèn, múa dâng hương dâng hoa, múa chèo đò, múa kéo chữ...
Trong năm 2014, tỉnh Thái Bình đón ước đạt 607.000 lượt khách du lịch đến thăm quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có khoảng 10.000 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu ước đạt 197 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ sự phát triển loại hình du lịch lễ hội đã mang đến cho địa phương có lễ hội một nguồn lợi kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương từ các hoạt động dịch vụ như: dịch vụ lưu trú, dịch vụ phục vụ ăn uống, bán hàng hóa, đồ lưu niệm... Nhân dân vùng có lễ hội vừa có dịp quảng bá hình ảnh về văn hóa, đời sống mọi mặt của địa phương mình, vừa được giao lưu học hỏi tinh hoa văn hóa từ phía du khách.
Du lịch cũng mang đến cho các lễ hội của Thái Bình một sắc thái mới, một sức sống mới, mang đến môi trường, điều kiện để trưng bày, phô diễn những giá trị hàm chứa trong lễ hội. Thông qua các hoạt động nội tại của mình, lễ hội được hoạt động du lịch kiểm chứng, thẩm định, từ đó rút ra được bài học để tự đổi mới, điều chỉnh lễ hội phù hợp với điều kiện mới.
Như vậy, sự phát triển của du lịch, của lễ hội đã tạo ra sức mạnh tổng hợp mà từ đó các loại hình văn hóa được chung đúc, tạo ra một sắc thái mới và động lực mới, mở ra thế và lực mới cho tỉnh nhà.
Những tác động tiêu cực của lễ hội đến du lịch và du lịch đến lễ hội
Với thời gian và không gian hữu hạn của các lễ hội truyền thống, đặc biệt với Thái Bình, ngoài một số hội lớn như hội đền Đồng Bằng, chùa Keo, đền Tiên La, đền Trần, lễ hội làng Quang Lang, lễ hội làng La Vân... có sự quản lý trực tiếp của UBND các huyện, số còn lại đều do UBND các xã chịu trách nhiệm quản lý và tổ chức điều hành lễ hội. Quy mô lễ hội thường ở mức hội làng và tiểu vùng. Vì thế, khi khách du lịch tới đông sẽ làm thay đổi các hoạt động bình thường của cư dân, có thể tác động không nhỏ đến tình hình trật tự an toàn xã hội của địa phương nơi có lễ hội. Bản sắc văn hóa vùng, miền có sự giao thoa theo cả hướng tốt và xấu.
Hoạt động du lịch với đặc thù riêng của nó dễ làm biến dạng các lễ hội truyền thống. Vì lễ hội truyền thống dù có đặc tính mở thì vẫn có những hạn chế nhất định về điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội cổ truyền vốn chỉ phù hợp với một khuôn mẫu và không gian bản địa. Hiện nay, khi hoạt động du lịch mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao…sẽ làm mất sự cân bằng, dẫn tới phá vỡ khuôn mẫu truyền thống của địa phương trong quá trình diễn ra lễ hội.
Những khó khăn thách thức mới sẽ đặt ra cho tỉnh nhà khi các lễ hội của tỉnh ngày nay đang được dần khôi phục lại và phát triển. Điều đó đặt ra cho các nhà quản lý, các nhà tổ chức và khai thác lễ hội phải có sự phối hợp chặt chẽ trong mọi hoạt động, để khi du khách đến với các lễ hội không xảy ra tình trạng “một lần đến, một lần đi, không một lần trở lại”, mà phải xây dựng Thái Bình trở thành một điểm đến du lịch luôn ấn tượng và hấp dẫn.
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...