Ngày 9-6, tại Kỳ họp lần thứ 27 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO (ICC MAB), Langbiang đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại miền đất Tây Nguyên hùng vĩ được UNESCO công nhận, đưa tổng số Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam lên con số chín. Đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp do Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng dẫn đầu, cùng đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Langbiang là một trong 20 Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận tại kỳ họp lần này của ICC MAB, diễn ra từ ngày 8 đến 12-6.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang có diện tích 275.439 ha, nằm ở phía bắc tỉnh Lâm Đồng, thuộc khu vực nam Tây Nguyên, Việt Nam và được đặt tên theo ngọn núi Langbiang, nơi có câu chuyện tình lãng mạn giữa chàng Lang và nàng Biang của người K’Ho - cư dân thiểu số bản địa đã sinh sống ở đây bao đời nay. Nơi đây còn lưu giữ những giá trị tiêu biểu về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên hòa quyện với những nét văn hoá đặc sắc của Không gian Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cảm ơn sự ghi nhận của UNESCO. Ông nói: "Đây là niềm vinh dự và tự hào không chỉ của người dân Lâm Đồng mà còn là của tất cả người dân Việt Nam. Chúng tôi cam kết thực hiện những trọng trách để xứng đáng danh hiệu mới mang tính quốc tế. Chúng tôi sẽ tôn trọng bảo tồn để phát triển và phát triển cho bảo tồn, hướng tới phát triển bền vững".
Niềm vui của đoàn Việt Nam sau khi Chủ tịch kỳ họp ICC MAB gõ búa thông qua quyết định công nhận Langbiang.
Khu dự trữ sinh quyển Langbiang bao gồm một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn với vùng lõi là Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, nơi được đánh giá là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật tại đây rất quan trọng và mang tính toàn cầu. Các nhà khoa học đã ghi nhận khu vực này có 153 loài động, thực vật nằm trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và 154 loài có tên trong Danh Lục Đỏ IUCN (2010). Cơ quan bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cũng đã xác định nơi đây là khu vực ưu tiên bảo tồn số một (Khu vực SA3) trong Chương trình bảo tồn các dãy núi chính Nam Trường Sơn của Việt Nam.
Tại đây, các dịch vụ của các hệ sinh thái tự nhiên còn mang lại sinh kế bền vững cho cộng đồng bản địa thông qua chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ Việt Nam. Có hơn 8.000 hộ dân được hưởng lợi từ dịch vụ hệ sinh thái trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới, thông qua những đóng góp của họ cho việc bảo vệ và duy trì các giá trị của hệ sinh thái.
Trả lời phỏng vấn phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, ngay sau khi Langbiang được UNESCO công nhận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm đồng nói: “Chúng tôi rất vui mừng khi Langbiang được công nhận là khu dự trữ sinh quyển. Đây vừa là vinh dự vừa là thách thức. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung bảo tồn và phát triển Langbiang, làm thế nào để thu hút nhiều hơn sự gắn bó của cộng đồng, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch, góp phần nâng cao hình ảnh của khu dự trữ sinh quyển, của Lâm Đồng và đất nước Việt Nam trên bản đồ các khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng như di sản văn hóa và thiên nhiên.
Langbiang là một khu rất đặc thù do tính đa dạng sinh học, có quy mô lớn, và nằm ngay trong thành phố Đà Lạt. Việc Khu dự trữ sinh quyển Langbiang được UNESCO công nhận sẽ giúp Lâm Đồng tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển bền vững thông qua việc khai thác các giá trị tổng hợp của dịch vụ hệ sinh thái. Trọng tâm là phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch, đào tạo, nghiên cứu khoa học của cả nước và là trung tâm nghiên cứu quốc tế về rừng nhiệt đới, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với trọng tâm là sản xuất và xuất khẩu rau, hoa và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khác.
Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang cũng ghi nhận sự đóng góp tích cực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia đối với bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vì Mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc khởi xướng.
Theo ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Đối ngoại UNESCO (Bộ Ngoại giao), Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, việc công nhận của UNESCO có nhiều ý nghĩa. Ở góc độ quốc gia, Tây Nguyên là khu vực còn rất nhiều khó khăn, mới có di sản phi vật thể như cồng chiêng Tây Nguyên. Hồ sơ Langiang được gửi tới ICC MAB xem xét đã đáp ứng đủ bảy tiêu chí của UNESCO, đồng thời, nêu bật được những giá trị của một khu dự trữ sinh quyển.
Ông Phạm Sanh Châu nói: "Chúng ta đã nỗ lực để quảng bá và làm cho thế giới biết nhiều hơn trong nỗ lực bảo tồn các di sản. Từ góc độ nhìn nhận của bạn bè quốc tế, đây là nỗ lực lớn của Việt Nam đối với việc bảo vệ khu rừng nguyên sinh liền thửa lớn nhất ở nước ta cho đến nay. Bạn bè quốc tế đánh giá cao việc chúng ta thực hiện chính sách "trả dịch vụ của rừng". Hiện nay, có một vài nước thực hiện nhưng chưa nơi nào trở thành chính sách phổ biến như của chúng ta. Những người dân bản địa mà cụ thể là dân tộc thiểu số đã được trả tiền cho công tác bảo tồn rừng, cũng là môi trường sinh sống của chính họ và điều thú vị nữa là họ đã giữ được bản sắc văn hóa của họ trong khi vẫn tiếp tục cuộc sống của họ thì họ không phá rừng. Đây là nét rất đặc biệt".
Cũng tại kỳ họp lần này, ICC MAB đã xem xét báo cáo định kỳ của Việt nam về việc bảo tồn, phát triển hai Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà và sông Hồng. Theo ông Phạm Sanh Châu, công tác quản lý và bảo tồn các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt nam đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa. Việt Nam nay đã có chín Khu dự trữ sinh quyển, có nhiều kinh nghiệm trong bảo tồn và phát triển so với một số nước trong khu vực. Tây Ban Nha có tới 47 khu dự trữ sinh quyển và 50 di sản quốc gia.
"Nói như vậy để thấy câu chuyện bảo vệ các danh hiệu này quan trọng và có sự cạnh tranh cao. Chúng ta có kinh nghiệm nhưng còn nhiều thách thức về công tác quản lý ở một số khu dự trữ sinh quyển", ông Phạm Sanh Châu nói và bày tỏ sự tin tưởng vào thành công của khu dự trữ sinh quyển Langbiang vì có những dấu ấn quan trọng về giá trị cũng như các chương trình bảo tồn và phát triển.
Việc UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với tỉnh Lâm Đồng và Chính phủ Việt Nam trong việc duy trì các chức năng của một khu dự trữ sinh quyển mang tầm thế giới.
Ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà cho biết: nhằm thực hiện các cam kết với UNESCO, Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang sẽ được thành lập với sự tham gia của nhiều bên liên quan hoạt động theo hướng dẫn của Ủy ban Con người và Sinh quyển Việt Nam, thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Một kế hoạch quản lý theo hướng tiếp cận đa ngành sẽ được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt làm cơ sở cho việc quản lý khu dự trữ sinh quyển này trong tương lai. Một diễn đàn quản lý cũng sẽ được thiết lập và duy trì để quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến bảo tồn và phát triển trong khu dự trữ sinh quyển thế giới. Người dân sẽ được nói lên tiếng nói của chính họ về việc làm thế nào để bảo tồn giá trị mà UNESCO đã công nhận, đồng thời làm thế nào để khai thác những lợi ích của khu dự trữ sinh quyển.
Một dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ Nhật Bản đã được chấp thuận giúp UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc thiết lập cơ chế quản lý khu dự trữ sinh quyển trong năm 2015. Ngoài ra, khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang sẽ kết nối với mạng lưới khu dự trữ sinh quyển trong nước và quốc tế, nhằm chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học của mình.
Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, sự cố gắng của cộng đồng, của Ban Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup và sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, Ủy ban UNESCO Việt Nam cũng như các chuyên gia, Langbiang là một hồ sơ được chuẩn bị trong thời gian rất ngắn. Một trong những điểm nổi bật của hồ sơ Langbiang được UNESCO đánh giá cao là 1.500 người dân trong vùng lõi sống rất hài hòa với thiên nhiên và đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu sinh quyển thông qua việc nhân phí dịch vụ môi trường. Có nghĩa là họ như những người chủ của khu sinh quyền này, có lợi ích và tham gia trực tiếp vào việc bảo tồn Langiang.
Việc công nhận Langbiang là khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ góp phần thúc đẩy du lịch quốc tế, đồng thời là sự ghi nhận nỗ lực của Việt Nam góp phần vào bảo vệ trái đất, môi trường chung của nhân loại.
Các đại biểu quốc tế đến chúc mừng đoàn Việt Nam.
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc...
Sáng ngày 21.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...