Đặt cùng một câu hỏi với TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh và nhà thơ - nhà báo Dương Kỳ Anh về việc nên ứng xử thế nào với các dị bản truyện cổ tích Việt Nam, hai nhân vật cùng có quan điểm: Cần lựa chọn các phiên bản truyện phù hợp cho trẻ em.
TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng: “Phụ huynh khi đọc truyện cho con cái nên chủ động lựa chọn các phiên bản truyện khảo dị phù hợp, bởi không thiếu lựa chọn.
Với các truyện như Tấm Cám, Thạch Sanh, Thánh Gióng hay Sọ Dừa, tôi vẫn giữ quan điểm chấp nhận vì đó là truyện cổ dân gian, nếu thay đổi thì sẽ làm mất đi những giá trị dân gian. Hồi nhỏ, khi đọc truyện Tấm Cám, tôi không thấy cô Tấm ác. Bây giờ, khi đã trưởng thành, tôi mới thấy đó là một hành động ác. Người lớn ai cũng nói như vậy là ác. Nhưng vấn đề là, liệu con trẻ có nghĩ như chúng ta không?
Hình minh họa chi tiết “sọ người” trong truyện “Sọ Dừa” của NXB Hồng Đức
Qua quan sát trẻ con, tôi rút ra kết luận là trẻ con không phải bao giờ cũng tiếp nhận như cách người lớn nghĩ. Chi tiết "sọ người" trong Sọ Dừa chưa chắc đã làm trẻ em sợ hãi như người lớn nghĩ”.
Trạng thái cảm xúc, phản ứng tâm lý của trẻ, cảm nhận về sự vật, thậm chí, sự tưởng tượng của trẻ đều dựa trên trải nghiệm thực tế. Bởi vậy, trẻ em có thể sợ từ "đêm" vì cảm giác về ban đêm đối với chúng là rất đáng sợ, còn "sọ người" các em lại chưa nhìn thấy bao giờ nên không hiểu hết ý nghĩa của từ đó. Cũng như vậy, từ "sấm chớp" hay "bố mắng" cũng nghe đáng sợ hơn "sọ người".
Trả lời câu hỏi nên đưa truyện cổ dân gian truyền miệng vào sách in như thế nào cho phù hợp, theo TS Thụy Anh, truyện cổ khi in sách cần có xuất xứ rõ ràng. “Chẳng hạn, một câu chuyện ghi rõ là truyện dân gian vùng nào do nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, hay một đoạn văn về Thánh Gióng ghi rõ là nằm trong một tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Hay nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng viết truyện thiếu nhi từ các tích truyện dân gian. Không thể viết và in sách không ghi nguồn rồi coi đó là truyện dân gian sưu tầm” – chị nói thêm.
Còn nhà thơ Dương Kỳ Anh thì quan tâm với việc cần phải lựa chọn những dị bản phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt và không tạo cho người đọc cảm giác ghê rợn.
Theo nhà thơ “Truyện cổ tích dành cho mọi đối tượng, nhưng chủ yếu là trẻ em. Nếu để nghiên cứu thì ta có thể chấp nhận những chi tiết Thạch Sanh chém trăn tinh phọt óc hay Tấm Cám có thể làm mắm em mình gửi cho dì ghẻ. Nhưng để in sách phục vụ đối tượng trẻ em thì hoàn toàn khác. Chính nhà xuất bản, rồi đến phụ huynh phải là bộ lọc. Quan điểm của tôi là những xuất bản phổ biến thì phải dựa trên cơ sở nhân văn nhân ái và không thể cổ súy cho hành vi bạo lực”.
Theo Mi Ly - Hoàng Lê
Thể thao & Văn hóa