Tuy nhiên, một trong những vấn đề nổi cộm của việc quản lý di sản hiện nay là chưa xây dựng được một mô hình ban quản lý (BQL) chung, cũng như chưa thống nhất được việc quản lý về mặt hành chính với quản lý về mặt chuyên môn, dẫn tới việc chồng chéo về chức năng… Và thực chất các BQL có quyền đến đâu đang là câu hỏi đặt ra tại nhiều địa phương có di sản được UNESCO vinh danh.
Thành Nhà Hồ
Tính cả Quần thể danh thắng Tràng An vừa được UNESCO vinh danh vừa qua, Việt Nam hiện có 22 di sản văn hóa được UNESCO công nhận, bao gồm 9 di sản văn hóa vật thể, 9 di sản văn hóa phi vật thể và 4 di sản tư liệu.
Ở cấp quản lý Bộ, Cục Di sản chỉ ra những hạn chế đang tồn tại trong công tác quản lý Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam: Chúng ta cần tăng cường công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định ở cấp Trung ương và địa phương liên quan tới lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới cho phù hợp với tình hình thực tế. Kế đó, cần kiện toàn mô hình, cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của các Ban/Trung tâm quản lý Di sản Thế giới. Việc quản lý di sản VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, Thành Nhà Hồ, Phố cổ Hội An và Khu Di tích Mỹ Sơn còn có nhiều chồng chéo nên cần được sắp xếp lại bộ máy quản lý. Đồng thời xây dựng và ban hành quy chế hoạt động của các Ban/Trung tâm quản lý Di sản Thế giới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới…
Ngay cả Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cũng thừa nhận: Hiện nay, mô hình BQL di tích còn nhiều bất cập. Bộ máy quản lý di tích chưa được củng cố, kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Mỗi địa phương áp dụng một mô hình riêng, dẫn đến việc chồng chéo về chức năng, chưa rõ ràng trong phân cấp và rất khó quy trách nhiệm khi sai phạm xảy ra.
Và điều đáng buồn là khi xảy ra sai phạm thì những người phát hiện, nêu ra thực trạng di tích bị xâm phạm không phải là những người làm công tác quản lý di tích, di sản mà chính là nhân dân và các cơ quan báo chí. GS. Ngô Đức Thịnh, Ủy viện Hội đồng Di sản quốc gia gay gắt: Những người hưởng lương của Nhà nước để quản lý di tích thì không phát hiện ra sai phạm ngay tại chính di tích mình quản lý, hoặc biết mà cố lơ đi theo kiểu "cha chung không ai khóc”. Đau xót hơn, khi sai phạm được phát hiện, không ai chịu đứng ra chịu trách nhiệm trực tiếp. Cuối cùng, việc xử lý sai phạm cũng chỉ là làm cho có.
Còn PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng: Việt Nam nên thực hiện đúng theo những đề nghị của UNESCO. Tổ chức này đặt ra hai yêu cầu cơ bản đối với một di tích muốn được công nhận là di sản văn hóa thế giới: Thứ nhất, di tích đó phải được nhất thể hóa (thống nhất được việc quản lý). Thứ hai, quốc gia sở tại phải có kế hoạch quản lý đối với di tích đó (phải có quy hoạch tổng thể, xác định những nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn, chân xác của di sản; đề ra được chương trình hành động để ngăn chặn, triệt tiêu những tác động xấu có thể xảy ra đối với di sản và có báo cáo hàng năm...). "Nếu báo cáo này đến lần thứ năm vẫn không đạt thì UNESCO sẽ loại di sản đó khỏi danh sách di sản văn hóa thế giới”, ông Bài nhấn mạnh.
Trở lại câu chuyện BQL di sản thế giới tại Việt Nam hiện nay có quyền hạn tới đâu. Nhất là với nhiều di sản thiên nhiên thế giới, người ta đang đặt lợi ích kinh tế lên giá trị di sản. Như việc "xẻ thịt” di sản Vịnh Hạ Long, rồi xây nhà trong vùng lõi di sản Thành Nhà Hồ… Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ cho biết: Các hộ gia đình có giấy đăng ký quyền sử dụng đất, tự ý xây dựng các công trình dân sinh trong vùng lõi di sản gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý di sản. Điều này, gây ra những khó khăn, lúng túng trong việc giải quyết của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý di sản… Thực tế này đã phần nào trả lời cho câu hỏi quyền của ban quản lý di sản đến đâu? Có lẽ, chính người trong cuộc cũng rất khó trả lời.
Phương Đông
Daidoanket.vn