Cần linh vật thuần Việt thay linh vật ngoại?

Thứ 2, 01/12/2014 | 09:06:23
959 lượt xem

Vấn nạn linh vật ngoại tại các di tích, công sở ở Việt Nam được các nhà nghiên cứu đánh giá như sự xâm lăng văn hóa. Việc nhận diện linh vật thuần Việt, linh vật ngoại lai đang được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý văn hóa hết sức quan tâm. Bộ VH-TT&DL vừa tổ chức hội thảo với mong muốn nhận diện rõ hơn về linh vật Việt nhằm chống lại sự “xâm lăng” này.

Cần linh vật thuần Việt thay linh vật ngoại? 
Ngoại lai - sản phẩm của thời hội nhập?

Các nhà khoa học đều cho rằng, tất cả các dân tộc trên thế giới đều có giao lưu nhưng từ sự giao lưu đó đều biến thành sản phẩm của quốc gia mình. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc là tiêu biểu nhất. Việt Nam thời Lý, Trần, Lê cũng vậy, ảnh hưởng văn hóa từ các nước láng giềng là điều khó tránh khỏi nhưng các giá trị đó đều được tinh lọc, nhào luyện thành các đặc trưng văn hóa Việt Nam. Sư tử đá Trung Quốc, thực chất cũng được người Trung Quốc sao chép từ khu vực Lưỡng Hà và được người Trung Quốc dùng để canh mộ từ cách đây trên 2.000 năm. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, sự sao chép sư tử đá là y nguyên, chỉ có điều lại dùng để giữ cửa di tích, công sở…

GS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định: “10 năm qua, sự xuất hiện của sư tử đá ở mọi nơi, nhất là các di sản văn hóa của Việt Nam bỗng tạo cảm giác như tất cả các di sản văn hóa của Việt Nam bỗng nhiên hô biến thành những nhà mồ của một nước nào đó từ hàng nghìn năm trước. Đau đớn thay, việc đó đang là sự thật và đang sinh sôi phát triển ở Việt Nam như một hành động tự mình “đồng hóa” mình, tự mình “xâm lăng” mình”.


Sư tử đá tại Hoa Lư.

Ông Tín cho rằng, sự xuất hiện ồ ạt của biểu tượng sư tử đá là do có sự là thẩm thấu dân gian từ nước ngoài rằng linh vật này thì phát tài, linh vật kia thì phát lộc, linh vật nữa thì chuyên môn giữ của. Điều này đánh đúng vào tâm lý rất nhạy cảm của con người thời kinh tế thị trường. Trong khi đó, các nhà khoa học chúng ta tuyên truyền cái vô lý của nó chẳng có cơ sở sách vở nào nói như vậy cả. Và ngược lại cũng không ai nói rõ cái hay, cái đẹp của linh vật Việt Nam.

Đồng quan điểm này, họa sĩ Lê Huy Văn (Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), nhấn mạnh về những lỗ hổng về kiến thức và trình độ quản lý khi đến chợ Gốm Bát Tràng chỉ thấy các mẫu gốm của nước ngoài tràn ngập với những chú chó béc-giê màu vàng, tai vểnh, thè lưỡi đỏ lòm nghênh ngang đứng ngay cửa chợ khiến người ta tưởng đây là chợ chó. Đi đến các đình, đền, chùa để cầu sự bình an thì từ xa đã thấy hai con sư tử đá chễm chệ nhe nanh như hăm dọa, như giận dữ. Điều này là chính chúng ta đã để mình bị “xâm lăng” bởi những tư tưởng trọc phú.

Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nhiều năm trước con sư tử xuất hiện ở chùa Một Cột, Từ Sơn (Bắc Ninh), rồi mới tràn lan như hiện nay. Lỗi là do chúng ta không có gì thay thế. Đây là vấn đề quan trọng để giải quyết thực trạng và những người giữ vai trò chính là giới mỹ thuật.

Cần một định hướng

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất, cần có mẫu linh vật thay thế, đồng thời, các linh vật truyền thống của Việt Nam phải được sáng tạo phù hợp với đương đại.

Về quan điểm này, họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho rằng: Nếu chỉ dọn dẹp những linh vật ngoại lai, mà không có giải pháp thay thế là không hiệu quả. Do đó, cần sáng tạo những linh vật truyền thống, mang sắc thái hiện đại, để ăn nhập với kiến trúc hôm nay, sẽ được người dân ủng hộ

TS Trần Trọng Dương - Viện Hán Nôm cho rằng, trong thời gian gần đây, thuật ngữ “linh vật” được sử dụng khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo, truyền hình, báo mạng... và các trang mạng xã hội), song theo khảo sát thì 40 năm trở lại đây, các từ điển tiếng Việt hiện đại không ghi nhận từ “linh vật”.

Cũng trăn trở về lỗ hổng kiến thức về linh vật, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc bổ sung những kiến thức về mỹ thuật truyền thống thì cần phải có từ điển về mỹ thuật để những người quan tâm tới lĩnh vực này cũng như các học sinh, sinh viên chuyên ngành có thêm các tư liệu để tra cứu, so sánh và đối chiếu.

Họa sĩ, Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Biểu tượng trang trí ngoại lai xuất hiện trong thời kỳ hội nhập là điều đáng quan ngại. Điều này cần được xem xét, giải quyết trên tinh thần gìn giữ bản sắc Việt, tránh tình trạng “Hoa –hóa” dần môi trường xã hội. Bằng mọi cách, chúng ta phải loại bỏ linh vật lai tạp, thay thế bằng biểu tượng trang trí thuần Việt trong môi trường sống từ các khu vui chơi, khu thương mại, các trung tâm văn hóa, các nơi thờ tự, khu phố, nhà ở…. Hơn bao giờ hết các cơ quan Nhà Nước phải có biện pháp tuyên truyền xóa bớt tình trạng mê tín trong kiến thức về phong thủy, thờ cúng, trang trí xa lạ tập quán người Việt. Bởi lẽ bảo vệ văn hóa dân tộc là một phần của bảo vệ tổ quốc”.

GS Vũ Minh Giang khẳng định, đã có một thời gian dài chúng ta đã hồn nhiên chấp nhận nó rồi giờ đây, chúng ta lại quá hoảng hốt. Thậm chí có nhiều người còn lớn tiếng phải đập bỏ, phá dỡ... Song văn hóa không thể can thiệp thô bạo, vì thế, hơn lúc nào hết, chúng ta cần bình tĩnh để tìm giải pháp tháo gỡ. Và hơn lúc nào hết, đây là cơ hội để mọi người cùng tìm hiểu và trở về với văn hóa Việt.

Đồng quan điểm, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, với các di tích Việt, chúng ta bài trừ “ngoại lai” nhưng chúng ta không nên kỳ thị văn hóa, mà vẫn tôn trọng những doanh nghiệp nước ngoài muốn đặt linh vật của dân tộc họ, hoặc doanh nghiệp trong nước đặt, khi họ thấy có thông điệp trong đó.

Đánh giá về việc thực hiện công văn số 2662 của Bộ VH-TT&DL tại các địa phương về việc không sử dụng linh vật, hiện vật không phù hợp tại di tích, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên khẳng định: Dù chủ trương hoàn toàn đúng, tuy nhiên vẫn chưa nhận được sự ủng hộ đúng mức của công chúng, cũng như còn có sự lúng túng trong chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước do thiếu lộ trình. Góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ này của ngành văn hóa, giới mỹ thuật có vai trò quan trọng trong việc tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo, để có được những sản phẩm mỹ thuật mang đậm văn hóa Việt, không mất đi bản sắc thẩm mỹ và đạo đức truyền thống trong mỹ thuật thời hội nhập.

THẢO NGUYÊN
Nhandan.com.vn


  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...