Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân địa phương. Tham gia du lịch cộng đồng, du khách sẽ ăn, ngủ tại nhà dân, sinh hoạt và lao động cùng với người dân để tự khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo. Ở miền Bắc, du lịch cộng đồng đã phát triển tại một số bản làng của Mai Châu (Hòa Bình) và Sa Pa (Lào Cai). Từ những năm 1990, ở Bản Lác, Mai Châu (Hòa Bình), du lịch cộng đồng đã hình thành, phát triển theo hướng tự phát. Nhưng chỉ sau ba năm (1993), du lịch cộng đồng tại đây đã vào "khuôn khổ" khi ngành du lịch Hòa Bình đưa ra những định hướng phát triển cụ thể và du khách đến đây đã rất yên tâm khi sử dụng các dịch vụ homestay (nhà ở của người dân có phòng cho khách du lịch thuê). Đến thời điểm hiện tại, du lịch cộng đồng Bản Lác phát triển khá mạnh, trung bình mỗi năm có 3 - 4 vạn lượt khách đến tham quan, nghỉ lại. Mô hình du lịch cộng đồng ở Bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa cũng có sức cuốn hút du khách. Được xây dựng từ đầu năm 2001, đến nay Bản Dền với cảnh quan đẹp, văn hóa phong phú, ẩm thực đa dạng, đã đón được từ 3 đến 3,5 vạn du khách/năm, doanh thu hằng năm đạt từ 3 đến 4 tỷ đồng. Bình quân, các hộ gia đình tổ chức homestay có thêm thu nhập từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng.
|
Du khách xem sản phẩm truyền thống tại Bản Lác, Mai Châu (Hòa Bình). Ảnh: Hồng Duyên |
Tuy nhiên, du lịch cộng đồng ở nước ta còn gặp khó cả về cơ chế chính sách và xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo. Cán bộ quản lý du lịch ở các tỉnh có sản phẩm du lịch cộng đồng cho biết: "Hầu hết các thôn, bản phát triển du lịch cộng đồng đều còn nhiều hộ nghèo và cận nghèo, nên người dân không đủ vốn để đầu tư xây dựng phòng đạt chuẩn cho khách thuê. Trong khi đó, địa phương cũng chưa có chính sách hỗ trợ giúp người dân vay vốn với lãi suất thấp hoặc khuyến khích người dân làm du lịch cộng đồng. Và thêm một thực tế đáng buồn là người dân - chủ nhân của du lịch cộng đồng - được hưởng lợi rất ít. Hầu hết các hộ dân làm homestay phụ thuộc vào hướng dẫn viên của doanh nghiệp lữ hành. Hộ nào chi phần trăm lợi nhuận cho hướng dẫn viên thì hộ dân đó mới đón được khách, bán được sản phẩm lưu niệm. Cùng một mô hình như nhau, nhưng ở mô hình du lịch cộng đồng tại Kenia (Châu Phi) hay Nêpan (Châu Á), người dân được hưởng đến 70% nguồn thu từ du lịch; còn ở Việt Nam, người dân mới chỉ được hưởng từ 20% đến 30% nguồn thu từ du lịch cộng đồng.
Không làm đại trà
Có thể khẳng định, du lịch cộng đồng đã mang lại nguồn thu đáng kể, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo (cho dù nhiều mô hình mới chỉ ở dạng dự án thí điểm). Nhưng nếu địa phương không vào cuộc, có định hướng sản phẩm rõ ràng, không quan tâm đầu tư nguồn vốn đúng mức thì hiệu quả sẽ không cao. Vì thế, các tỉnh Tây Bắc phát triển rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng, nhưng các sản phẩm, dịch vụ na ná nhau, như: Ngủ nhà sàn Thái, thưởng thức ẩm thực, văn nghệ Thái… Sản phẩm giống nhau dẫn đến tình trạng bản sắc văn hóa của địa phương bị lai tạp, những nét hay, nét riêng biệt đặc sắc của văn hóa, ẩm thực các địa phương bị mai một dần. Và quan trọng hơn là không có điểm nhấn để thu hút du khách.
Theo các chuyên gia du lịch, muốn hạn chế tình trạng phát triển tự phát về du lịch cộng đồng như hiện nay thì nhất thiết phải có quy hoạch cụ thể và rõ ràng. Mặt khác, các nhà khoa học cần phối hợp nghiên cứu rồi hướng dẫn người dân bản địa hiểu sâu hơn về bản sắc riêng của văn hóa tộc người, vẻ đẹp tài nguyên du lịch tự nhiên… để từ đó xây dựng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, không trùng lặp. Khảo sát thực tế cho thấy, để thu hút được du khách tham gia du lịch cộng đồng thì người dân địa phương phải giữ nếp sinh hoạt truyền thống của địa phương, ví như truyền thống canh tác nông nghiệp, phát triển nghề thủ công, giữ nét đẹp trao đổi sản phẩm canh tác, chăn nuôi… tại các chợ phiên. Tiến sỹ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lào Cai cho rằng: "Du lịch cộng đồng tuyệt đối không nên phát triển ồ ạt, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch, cả làng làm du lịch, người người làm dịch vụ. Vì như vậy sẽ mất "gốc" của tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, du khách không tìm thấy nét đẹp tự nhiên họ sẽ không đến".
Du lịch là một ngành kinh tế khá nhạy cảm. Vì vậy, muốn phát triển du lịch cộng đồng cần có sự nghiên cứu cụ thể ở nhiều lĩnh vực: Cuộc sống cư dân bản địa, văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt, khí hậu… Mặt khác, du lịch cộng đồng phải thực sự là mô hình do người dân thực hiện và vì cuộc sống của người dân. Chỉ khi nào người dân thực sự được hưởng lợi, lúc đó du lịch cộng đồng mới phát triển. Ngoài ra, những địa phương có thể phát triển được loại hình du lịch cộng đồng cũng cần có chính sách dành riêng cho loại hình du lịch này, trong đó phải tính đến việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng, giúp cơ sở đào tạo nhân lực.
Du lịch hướng tới sự phát triển của cộng đồng
(HNM) - Theo thông báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Ngày Du lịch thế giới năm nay (27-9-2014) sẽ có chủ đề "Du lịch và sự phát triển của cộng đồng". Với chủ đề này, Ngày Du lịch Thế giới 2014 sẽ tuyên truyền nổi bật tiềm năng của ngành là mang lại những cơ hội mới cho cộng đồng để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn trên khắp thế giới; nhấn mạnh vai trò then chốt của cộng đồng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững. Ngành du lịch phát triển sẽ không đích thực nếu đe dọa đến các giá trị và nền văn hóa của cộng đồng địa phương, hay các lợi ích kinh tế xã hội được tạo ra bởi ngành du lịch không đến được với cộng đồng.
Lễ kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới 2014 sẽ chính thức được tổ chức tại thành phố Guadalajara, Mexico vào ngày 27-9 với sự hiện diện của các bộ trưởng, các chuyên gia phát triển và đại diện ngành du lịch để bàn về các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch dựa vào cộng đồng theo hướng có lợi cho phát triển bền vững.
Vũ Hoa |
Lâm Vũ