Xây dựng nền lý luận văn nghệ Việt Nam trên nền tảng truyền thống

Thứ 6, 08/08/2014 | 17:09:31
1,638 lượt xem

Muốn xây dựng một ngôi nhà thật tân kỳ thì kiểu dáng, công nghệ, vật liệu... là có thể vay mượn. Nhưng chí ít, có một cái không thể vay mượn được, phải là của mình, đó là cái nền.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ" (1) .

Để đạt được Thuần túy Việt Namnhư Bác nói, trước hết phải hiểu biết và không ngừng học di sản tinh thần của cha ông ta.

Hai đặc điểm, hai giá trị cốt lõi của văn học Việt Nam

1- Tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm Từ xa xưa, đời này sang đời khác, người Việt đã phải chống chọi, chinh phục rừng núi hoang vu, đầm lầy mênh mông để lập nên xóm làng, trại ấp; phải chống chọi với hàng trăm cuộc xâm lăng. Vì thế, muốn tồn tại được, phải có giáo nhọn, rìu sắc. Nhưng rìu sắc, giáo nhọn, tức cái vũ khí, cái văn minh vật chất thường thua kém người khác. Cần có một thứ hơn người, ở đỉnh cao thời đại, đó là tinh thần, trước hết là tinh thần yêu nước, tinh thần sáng tạo và đoàn kết một lòng.

Rất lý thú là, trong Nam quốc sơn hà, một trong những tác phẩm khởi đầu của nền văn học viết, đã thể hiện đầy đủ tinh thần yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước của văn học. Nội dung bài thơ là khẳng định chủ quyền, thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền ấy. Bài thơ được ngâm trong đền thờ để cổ vũ quân sĩ, tức là được sử dụng như một phương tiện, một vũ khí lợi hại để tăng thêm sức mạnh trong cuộc chiến đấu chống xâm lược. Một truyền thống quý báu như thế, không thể bị xem nhẹ.

Trong thời kỳ đầu của văn chương nước nhà, tuy có những bài thơ thoát tục đượm màu sắc tôn giáo; nhưng chủ đề cơ bản của văn chương thời kỳ Lý Trần vẫn là tình yêu quê hương đất nước, hào sảng một tinh thần độc lập. Ngôi nước (Quốc tộ) được coi là thiêng liêng nhất. Còn truyền lại đời sau là những gì? Là Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm Hồ Hàm Tử quan/ Thái bình tu nỗ lực/ Vạn cổ thử giang san (Trần Quang Khải); là Bạch đầu quân sĩ tại/ Vãng vãng thuyết Nguyên Phong, là Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Trần Nhân Tông)...

Nguyễn Trãi, người sống cách đây gần 600 năm, đã đề cao tính chiến đấu, tính trách nhiệm của văn học, sự thống nhất giữa sống và viết. Điều đó được thể hiện rõ trong bài thơ Bảo kính cảnh giới: Văn chương chép lấy đôi câu thánh Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung Trừ độc, trừ gian, trừ bạo ngược Có nhân, có trí, có anh hùng.

Trong lời tựa Vân đài loại ngữcủa Lê Quý Đôn, tiến sĩ Trần Danh Lâm (1704 - 1784) cho rằng, sách viết ra là để "sửa sang việc đời, giúp rập nhà nước". Lê Quý Đôn (1726 - 1784), có một luận điểm rất đáng chú ý về chức năng của văn học, đó là: "Tùy thời lập ra chính giáo, thông biến cho kịp với ý muốn của dân" (Vân đài loại ngữ). Tức là văn học phải tham gia chính trị, phải liên tục vận động, lắng nghe nguyện vọng của nhân dân, lấy việc phục vụ sự nghiệp của nhân dân và yêu cầu của thời đại làm đầu.

Những quan niệm trên rất gần với đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng ta, gần với quan niệm về văn nghệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong "Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951", Người khẳng định một cách rõ ràng, thẳng thắn: "Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị.

Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị".

Trong quá trình đổi mới, đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng đông đảo. Vai trò cá nhân, tự do sáng tạo được đề cao. Tuy nhiên, có xu hướng phủ nhận truyền thống, đề cao cái tôi. Sự thiếu thống nhất, lạc hậu, thậm chí mơ hồ trong lý luận, phê bình đã tác động tiêu cực đến sáng tác. Có nhà văn "bế tắc": bây giờ không biết viết cho ai và viết cái gì nữa; thoát ly hẳn đời sống lớn của nhân dân, từ bỏ tính phục vụ... Thực tế cho thấy rằng, nếu chỉ viết để thỏa mãn cái tôi cá nhân, thoát ly nhân dân và Tổ quốc, chỉ là những trang viết nhạt nhẽo, nhanh chóng bị lãng quên.

2- Tính dân chủ và nhân bản Về cơ sở kinh tế, từ săn bắn hái lượm đến làm ruộng nước, đòi hỏi phải hợp tác chặt chẽ, phải đổi công, phải nhờ nhau lấy nước, tiêu nước qua ruộng của nhau. Tức là sản xuất tập thể. Do đó mà sinh ra tình cảm thương người như thể thương thân, mà có đoàn kết một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Người Việt coi trọng họ tộc, làng xã - một cộng đồng sống chết có nhau. Có thể coi làng Việt Nam như một "tiểu bang", nơi đó có luật lệ, hương ước.

Quy định nhà nước hay thay đổi theo triều vua, lệ làng ổn định hơn; do đó có câu "Phép vua thua lệ làng". Người Việt không máy móc về đẳng cấp: "Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ". Người Việt quan niệm vua quan nhất thời, dân vạn đại, hết quan hoàn dân.

Điều quan trọng hơn, khi nhận diện được cái tôi, văn học Việt Nam không đẩy con người ra khỏi mặt đất mà liền gắn với sứ mạng đấu tranh vì tự do, dân chủ và những quyền sống thiêng liêng của con người.

Văn học Việt Nam truyền thống quyết liệt tiếng nói phản kháng những áp bức bất công.

Nó sắc bén đường gươm cắt đứt những sợi dây trói buộc phi lý, vạch trần đạo đức giả dối, ngược lại với quyền sống tự nhiên của con người. Nó mơ ước về một xã hội được xây dựng trên lòng dân, trên lẽ phải chứ không phải kim tiền.

Quan có cần nhưng dân chưa vội/ Quan có vội quan lội quan sang(Tục ngữ);Có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ Đời trước làm quan cũng thế a? (Nguyễn Khuyến)...

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ là người chịu nhiều áp bức, bất công nhất.

Văn học đã dành tiếng nói yêu thương, trân trọng đối với họ.

Hình ảnh một Thúy Kiều, không chỉ tài đức vẹn toàn mà còn là cái đẹp của cơ thể được Nguyễn Du tôn vinh là "một tòa thiên nhiên". Cái chữ "một tòa thiên nhiên ấy" xuất hiện vào thế kỷ 17 quả thật là sớm, làm nên tính nhân văn và nhan sắc của một nền văn học.

Chân thiện mỹ và ý thức về bản sắc dân tộc

Các cụ ta xưa rất coi trọng chữ thành (tính chân thực).

Nguyễn Cư Trinh (1716 -1763) viết: "Người làm thơ lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị. Còn việc phải tô điểm cho đẹp đẽ, trau dồi cho khéo léo, lạ lùng thì chỉ nên coi là việc làm thêm mà thôi". Các cụ đặc biệt coi trọng cái thiện, coi trong cái thiện có cái mỹ. Và đó là mục đích của văn chương. Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446), con của Hồ Quý Ly trong Lời tựa tập Nam ông mộng lụccủa mình viết một cách nhẹ nhàng mà thấm thía: "Chuyện thiện tôi rất mê nghe, nên có thể nhớ được; còn chuyện bất thiện không phải là không có, chẳng qua tôi không nhớ đấy thôi".

Chuyện bất thiện, tên của những kẻ đốt đền sẽ không được nhớ đến. I-li-a Ê-ren-bua (1891 - 1962) cũng nói rất hay về điều này: "Lịch sử sẽ quên ngay những hung phạm có tài, những kẻ mạo hiểm thần tình.

Lịch sử giữ lại những tên khác: tên những người bỏ mình vì một lý tưởng, vì nhân dân, vì loài người cho một xã hội tốt đẹp hơn".

Cha ông ta luôn đề cao vai trò hiểu biết thực tế và học vấn của nhà văn. Để có một tác phẩm văn chương đặc sắc, nhà văn phải có vốn sống, vốn văn hóa "đọc nát vạn quyển sách, đi quá vạn dặm đường".

Nhưng như thế chưa đủ, còn cần đến tài năng và cá tính sáng tạo. Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông) đã rất hiện đại khi rút ra và truyền lại đời sau toa thuốc thần diệu: "Hết thẩy những nét chân thực của thiên nhiên phơi bày phóng khoáng đều được thu lại để tạo nên bút pháp. Về sau, ngòi bút bỗng có cái năng lực nhập thần rất kỳ diệu. Đó chính là hiệu quả to lớn của việc không bắt chước người khác, mà bắt chước ngang tạo hóa vậy".

Nói về bản sắc, về quan hệ nhà văn với Tổ quốc, những ý kiến của cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng rất thấm thía: Nhà văn Việt Nam dù thời trước học Tàu, bây giờ học Tây thì cũng phải có quê hương, phải làm việc cho nước nhà mình, còn không quê hương chỉ là hạng viết thuê, làm thuê ở công sở đã là tột bậc (Báo Tiếng dân, 17-4-1929).

Đầu thế kỷ 20, nhiều học giả coi quốc học, quốc văn có quan hệ đến tồn vong của dân tộc. Từ Hoài Thanh đến Bùi Công Trừng; từ Vũ Ngọc Phan đến Thiếu Sơn... đều kêu gọi trong khi học tập Tây phương để làm đầy đủ thêm, phải giữ gìn, vun quén lấy tính cách dân tộc. Năm 1939, nhà văn Lan Khai (1906 - 1945) đã viết một bài báo nổi tiếng "Tính cách Việt Nam trong văn chương" trên Tao đàntạp chí, ngày nay đọc lại ta vẫn thấy mới mẻ: "Mỗi dân tộc có một tinh thần riêng. Sự thực này là một cái gì rất đáng tôn trọng. Nó làm cho nhân loại có vẻ đẹp như một bức thảm trăm màu... Trong địa hạt văn chương, mỗi người chúng ta cần phải giữ gìn và làm cho mỗi ngày một rạng rỡ cái tính cách của mình".

Những tư tưởng ấy được kết tinh trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, là một văn kiện của Đảng, đồng thời đã là di sản của cha ông với ba nguyên tắc lớn: dân tộc, khoa học và đại chúng; với ý chí "chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập".

Hy vọng nền lý luận văn nghệ ngày nay sẽ được phát huy trên một nền tảng vững chắc mà cha ông đã dày công xây dựng; góp phần tăng cường tính trách nhiệm, tính nhân văn của văn học.

NGUYỄN SĨ ĐẠI

(1) Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận, NXB Văn hóa, 1981, tr.516.

Theo: Nhandan.com.vn

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...