Người Việt Nam có nhiều phẩm chất đáng quý như lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tính cộng đồng, hài hòa, linh hoạt, hiếu khách và yêu chuộng hòa bình… Những phẩm chất đáng quý ấy đã giúp chúng ta vượt qua phong ba bão táp, chiến thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ toàn vẹn quyền độc lập tự chủ của quốc gia. Tuy nhiên, cùng với thời gian, các giá trị văn hóa truyền thống ấy cũng phải thay đổi cho phù hợp với thực tế cuộc sống vốn dĩ luôn vận động, phát triển không ngừng.
Vì vậy, việc Ban chấp hành Trung ương ban hành một nghị quyết về xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước là cần thiết. Đó là một nền văn hóa hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; Đó là xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, có lối sống tốt đẹp, yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết và sáng tạo.
Người Việt Nam có nhiều phẩm chất đáng quý như lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tính cộng đồng, hài hòa, linh hoạt, hiếu khách và yêu chuộng hòa bình… (Ảnh minh họa)
Muốn vậy, trước hết, cần có một quan niệm đầy đủ và nhất quán về khái niệm văn hóa, một cấu trúc hợp lý về vị trí và các thành tố của văn hóa, một hệ giá trị thích hợp để phát huy ưu điểm và hạn chế khuyết điểm; chọn lọc tiếp nhận đúng những phẩm chất tốt đẹp của nền văn hóa công nghiệp - đô thị. Từ đó, xây dựng được một khung lý thuyết khoa học, hài hòa và mang tính hệ thống cao về văn hóa.
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập sâu rộng với thế giới. Đây là cơ hội cho chúng ta tiếp nhận những tinh hoa văn hóa, phẩm chất hiện đại để bổ khuyết cho những gì mà con người Việt Nam còn thiếu. Sự tiếp nhận ấy phải hết sức chân thật, cầu thị, trên tinh thần gạn đục khơi trong.
Xây dựng văn hóa phải bắt đầu từ xây dựng con người. Vấn đề là làm sao xây dựng cho được một hệ giá trị cho phép vừa giữ gìn bản sắc dân tộc vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng con người Việt Nam hiện đại, có ý thức tổ chức kỷ luật, biết tôn trọng thứ bậc; người trên gương mẫu, kẻ dưới phục tùng; làm sai biết nhận lỗi, năng lực kém biết từ chức; trên dưới đồng lòng vì nước, vì dân.
Sự nghiệp Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa yêu cầu phải có một cách nhìn toàn diện hơn trong việc đổi mới chính sách xây dựng con người. Trước hết là phải khắc phục những thói hư tật xấu, tập trung xây dựng con người Việt Nam hiện đại, văn minh, có bản lĩnh để mạnh dạn đổi mới; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình chứ không chạy theo đám đông, trốn tránh trách nhiệm khi thất bại; có trí tuệ hiểu biết và tư duy khoa học để khắc phục tư tưởng hẹp hòi, thiếu tầm nhìn xa; có tác phong công nghiệp, sống và làm việc theo pháp luật để xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh.
Cùng với Hiến pháp 2013, Nghị quyết Hội nghị trung ương 9 về văn hóa là cơ sở quan trọng để hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người mới có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, của kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.