Phổ biến Quốc ca đến tất cả mọi người để tình yêu Tổ quốc
in sâu vào tâm thức, nâng cao lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ
Thưa ông, MV (video âm nhạc) Quốc ca với sự tham gia của rất nhiều người, khi cất lên nghe vừa hùng tráng, nhưng cũng thật uyển chuyển, mềm mại và lay động lòng người. Ông đánh giá thế nào về ý tưởng vô cùng đặc biệt này?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Tôi cho rằng, đây là một sáng kiến rất độc đáo. Qua đó nhìn thấy rõ được trách nhiệm, tâm huyết của giới nghệ sĩ trước vận mệnh của đất nước. Và hơn nữa, nghe và xem bản phối MV Quốc ca này, với sự tham gia của các em nhỏ, học sinh- sinh viên, cựu chiến binh, nghệ sĩ…thì sẽ thấy rõ sự kính trọng của người Việt Nam đối với Quốc ca của nước mình. Về hình thức trình diễn, do công nghệ ngày càng phát triển nên giờ đây chúng ta có thể thực hiện trên một nền nhạc soạn sẵn, và nhiều nơi, nhiều chỗ có thể cùng hát, cùng thu, ghi hình. Đây là một hình thức thu âm không phải là mới đối với thế giới, nhưng ở Việt Nam là hết sức mới mẻ.
Rõ ràng, việc có đông đảo các ca sĩ, nghệ sĩ tham gia trong MV Quốc ca, sức hút cũng như sự lan tỏa trong cộng đồng của giai điệu Tiến quân ca sẽ nhanh hơn, xa hơn… Và tôi nghĩ rằng, việc các nghệ sĩ tham gia thực hiện những dự án âm nhạc ý nghĩa như thế này sẽ trở thành một truyền thống tốt đẹp.
Rõ ràng lâu nay không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa và cũng thuộc lời Tiến quân ca. Từ buổi chào cờ sáng thứ Hai đầu tuần trong các trường học, cho đến những hoạt động có nghi lễ truyền thống, giờ đây người ta thường dùng những băng ghi âm sẵn thay cho việc tự hát?
- Trước hết phải thấy rằng, trong xã hội mà thông tin đa chiều như hiện nay, đời sống văn nghệ phát triển phong phú, thì tiếng nói chính thống bằng âm nhạc của một dân tộc, một quốc gia càng cần được khẳng định. Và tiếng nói chính thống ấy chính là Quốc ca.
Việc phổ biến Quốc ca cho các tầng lớp nhân dân là việc làm cần thiết, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Quốc hội cũng đã có quy định trong các cuộc mít tinh, nghi lễ, kỷ niệm, hội họp yêu cầu tất cả công dân Việt Nam phải hát Quốc ca. Chỉ có điều, hiệu quả của việc hát Quốc ca cho đến ngày hôm nay vẫn chưa được như mong muốn.
Tôi cho rằng, không một loại bản ghi sẵn, nhạc cụ nào có thể thay thế hiệu quả giọng người hát trực tiếp. Bởi khi hát lên, nó chứa đựng tình cảm, biểu lộ lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Và hơn lúc nào hết, ở thời điểm này, mọi người chỉ cần thuộc và hát những giai điệu tự hào của Quốc ca, đã là hành động tăng cường cho khối đại đoàn kết dân tộc.
Các nghệ sĩ trẻ tham gia MV Quốc ca
Vậy theo ông, làm sao để việc hát Quốc ca trở thành tự nguyện, đặc biệt là trong thế hệ trẻ?
- Có thể khẳng định, Quốc ca đã trở thành một phần giá trị tinh thần song hành cùng lịch sử dân tộc gần 70 năm qua. Quốc ca là quốc hồn, quốc túy, là tinh thần dân tộc được kết tinh qua giai điệu, lời ca. Âm nhạc ấy, được bao thế hệ người dân Việt Nam hát vang đầy tự hào, đặc biệt là chiến sĩ đồng bào đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từng hát, từng nâng niu trân trọng như một vật báu của dân tộc.
Vậy nên, trong giai đoạn hiện nay, việc hát Quốc ca càng có ý nghĩa sâu nặng hơn, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Tôi nghĩ rằng, việc phổ biến Quốc ca đến từng thành viên trong xã hội là việc làm hết sức cần thiết, để âm nhạc ấy in sâu vào tâm thức của mỗi người dân, nâng cao lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hội nhạc sỹ Việt Nam mong muốn Quốc ca sẽ được phổ biến, truyền dạy một cách khoa học, bài bản đến tất cả các tầng lớp nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đơn cử như trong các chương trình dạy hát trên Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, thì cần có chuyên mục hướng dẫn hát Quốc ca. Đặc biệt, trong các nhà trường, các thầy, cô giáo phải cho học sinh thấy được việc hát Quốc ca không chỉ là niềm tự hào, còn là vinh dự và trách nhiệm của các em.
Thưa ông, còn điều này nữa, vừa qua, Bộ GD – ĐT đã ra chỉ thị yêu cầu các Sở GD – ĐT phải đảm bảo 100% học sinh, sinh viên hát đúng nhạc và lời Quốc ca. Điều này xuất phát từ thực tế là để hát đúng những đoạn điệp khúc cao của Quốc ca, cũng không đơn giản?
- Nhiều người đã hỏi tôi về điều này. Xin giải thích cụ thể là có 2 khái niệm. Thứ nhất là Quốc ca và thứ hai là Quốc thiều. Quốc ca là bài hát mà có cả phần nhạc và lời, còn Quốc thiều, chỉ có giai điệu và trở thành bản nhạc không lời mà khi cất lên mọi người thấy được tín hiệu âm thanh về Tổ quốc, về dân tộc mình. Quốc ca và Quốc thiều đều ra đời từ một tác phẩm âm nhạc Tiến quân ca của cố nhạc sỹ Văn Cao, một bài ca thể loại hành khúc.
Ở đây, tôi lưu ý là giữa bài Quốc ca và Quốc thiều, tuy về mặt âm nhạc giống nhau, nhưng khi trình diễn thì Quốc thiều chọn giọng Si giáng trưởng cao hơn Quốc ca là giọng Fa trưởng. Và đúng là có những nốt cao quá, nhiều người không hát được. Vì vậy việc nghiên cứu làm sao có một bản âm chuẩn, cử âm vừa với giọng hát phổ thông là việc làm cần thiết, để tất cả mọi người có thể hát lên giai điệu của Quốc ca mà không cảm thấy khó trong những nốt nhạc cao. Hiện nay có bản Quốc ca phát chính thức trên Đài tiếng nói Việt Nam mỗi buổi sáng, do dàn nhạc giao hưởng Việt Nam thực hiện. Hợp xướng này được viết ở giọng thấp hơn so với nguyên bản của nhạc sỹ Văn Cao, và theo đó sẽ phù hợp với tất cả mọi người.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Minh (thực hiện)
Theo: Daidoanket.vn