“Hiện tượng mạng” - Mối nguy cho nghệ thuật biểu diễn

Thứ 7, 19/07/2014 | 08:14:41
1,600 lượt xem

"Hiện tượng" Lệ Rơi hay những clip nhạc "rác" trên mạng đang làm cho diện mạo văn hóa trở nên nhếch nhác trước sự bất lực của nhà quản lý. Vậy phải đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc, thậm chí nghiên cứu và tìm ra câu trả lời để "chặn" ngay những "thảm họa".

 Nghệ thuật bỗng dưng bị lép vế

Hai trường hợp nhắc đến trên nằm trong nhiều vấn nạn gần đây mà nền nghệ thuật của ta đang loay hoay xử trí. Nhóm ca sĩ thực hiện các bài hát được gọi là nhạc "rác" bởi ca từ tục tĩu, phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, sau khi bị Thanh tra Bộ VH-TT&DL xử phạt hành chính, lại thấy xuất hiện MV (music video) thể hiện một trong ca khúc phản cảm ấy, có lời đề tựa đầy thách thức cơ quan quản lý. Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Thanh tra Bộ VH-TT&DL đang phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Tổng Cục phòng chống tội phạm, Bộ Công an) xác định người đưa lên mạng để tiếp tục xử lý "đúng người, đúng vi phạm". Trong khi chưa bị xử lý, bản MV, audio các ca khúc này vẫn tràn lan trên mạng và ngày càng gia tăng lượt truy cập tìm đến. Những người thực hiện chúng vẫn tiếp tục biểu diễn trên sân khấu và lên tiếng kêu gọi, lôi kéo một bộ phận công chúng ủng hộ mình. 

 “Hiện tượng” Lệ Rơi đã từng làm dân cư mạng “điên đảo” một thời gian.
“Hiện tượng” Lệ Rơi đã từng làm dân cư mạng “điên đảo” một thời gian.

Còn anh chàng Nguyễn Đức Hậu với nghệ danh Lệ Rơi "sốt" rần rần trên mạng bởi cái sự hát dở đến kinh ngạc. Sẽ chẳng sao, bởi với một chàng thanh niên Lệ Rơi rồi cũng nhanh rơi vào quên lãng như biết bao chuyện bình thường bị biến thành bất thường trong cộng đồng mạng. Nhưng trường hợp này có thể là mối nguy cho nghệ thuật biểu diễn đích thực nếu thông tin anh đã lên phố trong chiếc xe đắt tiền, trả lời trực tuyến người hâm mộ trên một báo mạng, thu âm ở một phòng thu cao cấp, có minishow trên sân khấu, làm hồ sơ thành đối tác của youtube… là sự thật. Lệ Rơi hoàn toàn có quyền ra album, đứng trên sân khấu biểu diễn (nếu có lời mời) bởi không vi phạm bất cứ điều luật nào liên quan. Một người với con số 0 tròn trĩnh về nghệ thuật cho cả diện mạo, khả năng ca hát, thời gian trau dồi, cống hiến lại được tung hê và đẩy lên đứng cùng với những người làm trong ngành giải trí. Như thế, bộ mặt của nền NTBD nước nhà sẽ ra sao? May thay anh chàng Lệ Rơi vẫn giữ được bản chất thật thà, chất phác, khẳng định sẽ không phát hành album, không nhận lời biểu diễn trên sân khấu.
Chỉ một hai trường hợp thì không đáng lo ngại nhưng nếu không được chấn chỉnh kịp thời thì sẽ là tiền lệ để phát sinh ra một trào lưu mới cho những người muốn nổi tiếng, muốn bước ra ánh đèn sân khấu không cần tài năng, chỉ cần tung mình lên mạng thật "lạ", thậm chí thật "lố". Họ, dù vô tình hay hữu ý, đang đẩy nghệ thuật vào thế bị lép vế. Tủi thay cho hàng trăm nghệ sĩ có tài năng thực thụ, đổ mồ hôi công sức rèn giũa, luyện tập, lao động nghệ thuật chân chính lâu nay quá chật vật để được đứng trên sân khấu, đến với công chúng. 
Sắp có "gậy" điều chỉnh hiệu quả?
Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương bày tỏ lo ngại, trong thời đại kỹ thuật số, công nghệ cao cũng khiến lĩnh vực NTBD diễn biến phức tạp. Ngày càng xuất hiện nhiều "vấn nạn" trong ngành mà để xử lý triệt để không dễ bởi thiếu căn cứ pháp lý. Đề án cấp thẻ/chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực này chưa biết bao giờ sẽ được áp dụng sau… vài lần hoãn và tấm thẻ/chứng chỉ ấy có thể là chiếc "gậy" gạt phăng những mối nguy cho nghệ thuật chân chính? Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương cho biết, Cục đã hoàn thành đề án cấp thẻ/chứng chỉ hành nghề và sửa đổi Thông tư 03/2013/TT-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Song nhận thấy những văn bản này vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự hiệu quả khi áp dụng nên Cục NTBD đề nghị với Bộ VH-TT&DL chọn phương án khác là sửa đổi Nghị định 79/2012/NĐ-CP và đưa phần cấp thẻ/chứng chỉ hành nghề biểu diễn vào Nghị định sửa đổi. Việc làm này xem ra hợp lý hơn trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực NTBD cần và nên chỉ có chiếc "gậy" duy nhất, tối ưu để điều chỉnh, xử lý, tránh những chồng chéo quy phạm pháp luật bấy lâu. Nghị định 79 sửa đổi quy định chi tiết hơn về vấn đề xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực và có thể điều chỉnh hợp lý những trường hợp "không thể xử" phát sinh gần đây. Văn bản cũng có những quy định xa hơn để lường trước và ngăn chặn những trường hợp đi ngược lại với nghệ thuật chân chính. 
Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Nghị định 79 sửa đổi gần như đã được đơn vị hoàn thiện để trình lên Bộ xét duyệt. Dự kiến, văn bản này sẽ trình Chính phủ cuối năm 2014 và áp dụng thi hành từ đầu năm 2015 cùng với Thông tư hướng dẫn. 
Quản lý lĩnh vực NTBD nói riêng và quản lý văn hóa nói chung dựa vào những văn bản quy phạm pháp luật để xử lý, điều chỉnh lâu nay vẫn mang hình thức "chạy theo" sự việc. Vấn nạn tạo "thảm họa", khiến cho diện mạo nghệ thuật, văn hóa nước nhà bị kéo lùi. Và đã đến lúc ngoài chiếc "gậy" để xử lý thì cũng cần phải xét đến khía cạnh công chúng ở chiều sâu hơn là thẩm mỹ nghệ thuật. Đó là câu chuyện dài của việc giáo dục từ gốc.
  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...