Trường Sa - mùa biển lặng: Cho những ước mơ xanh

Thứ 5, 17/07/2014 | 10:23:22
1,386 lượt xem

Chưa kể đến du khách quốc tế, là người Việt Nam, ai chẳng mong trong cuộc đời có một lần được đến Trường Sa, nơi đất thiêng của Tổ quốc giữa biển khơi. Ước mơ Trường Sa trở thành một thành phố biển, thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam trên Biển Đông là ước mơ chung của mọi người dân Việt Nam. Mơ ước ấy rồi sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.

 

 Con mắt biển khơi, luôn luôn cảnh giác
1. Trong chuyến đi Trường Sa lần này, tình cờ tôi gặp anh Bùi Văn Sâm. Sinh năm 1973, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An. Năm 1993, Sâm vào bộ đội. Sau khi học sơ cấp xây dựng 6 tháng, thế rồi từ đó là những ngày tháng lênh đênh trên các đảo. Xây dựng và xây dựng. 20 năm đã trôi đi, Sâm không nhớ anh đã tham gia xây dựng biết bao nhiêu công trình. Hôm gặp tôi, các anh đang xây dựng một trại chăn nuôi cho đảo Đá Tây. Những cột bê tông vừa mới tháo cốt pha. Chắc khoảng 2 tháng nữa, cái trại chăn nuôi trên biển, dù chỉ khoảng mấy chục m2 thôi sẽ hoàn thành. Sâm kể, sau bao năm tháng lăn lộn cùng sóng gió, năm 2009 anh mới về đất liền lấy vợ. Bây giờ anh đã có hai đứa con, con đầu 3 tuổi, con thứ 2 mới 7 tháng... 
Đã có biết bao những con người âm thầm hy sinh như trường hợp của anh Sâm. Tất cả cho ước mơ cho Trường Sa trở thành một thành phố nổi trong tương lai. Đến Trường Sa, chúng tôi cũng đã thấy rất nhiều công trình, ngôi nhà mới được xây dựng. Trường Sa đang được phố hoá. Các đảo là những thành phố nhỏ đang hiện dần, nổi dần trên biển cả mênh mông. Từ những công trình năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời cho đến hệ thống chứa nước mưa, hứng nước mưa. Trên công sự, hào giao thông là những dây bầu, dây bí, xoè rộng những tán lá bàng.
2. Trường Sa rất giàu tiềm năng về khai thác hải sản. Cá tự nhiên phong phú, đa dạng, vậy nhưng hướng về tương lai, trên đảo Đá Tây, Trung tâm nuôi trồng thuỷ sản Trường Sa thuộc Hải đoàn 129 đang tiến hành thí điểm nuôi cá lồng. Hàng chục lồng cá chim trắng, cá chép đang được thả trên biển. Anh Đậu Bá Quý - Đội trưởng Đội nuôi trồng cho biết: Mỗi lồng cá chim này có khoảng 1000 con. Cá nuôi phát triển rất tốt. Đội nuôi trồng đã bắt tặng đoàn tàu mấy chục con cá chim trắng, mỗi con khoảng 2kg. Khỏi phải nói cá thả trực tiếp trên biển tươi ngon như thế nào. Bên cạnh đó, Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây cũng đang hoạt động rất tích cực. Đây là nơi cung ứng dầu, lương thực, thực phẩm, các hàng hoá, sửa chữa ngư cụ, máy móc cho tàu thuyền. Mỗi năm trạm đã cung ứng hàng trăm ngàn lít dầu, hàng ngàn lít nước ngọt, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm... Đây thực sự là mô hình hỗ trợ cho nghề khai thác hải sản, hỗ trợ tốt cho ngư dân.
 
 Những ngọn hải đăng luôn thức cùng Trường Sa
3. Trên đường đi ra các đảo ở Trường Sa, hay trên đường trở vào đất liền, chúng tôi đã gặp khá nhiều giàn khoan. Nhìn những giàn khoan sừng sững trên mặt biển, hừng hực những ngọn lửa hồng cháy suốt ngày đêm, ai ai cũng cảm thấy một niềm tự hào. Tổ quốc ta đúng là rừng vàng, biển bạc. Nguồn hải sản phong phú ở biển, nguồn dầu khí tiềm tàng trong lòng đất dưới thềm lục địa. Theo xác định, dưới thềm lục địa nơi đây có trữ lượng dầu khí lên tới khoảng 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác cũng khoảng 2 tỷ tấn. Hiện nay chúng ta cũng đã phát hiện hàng chục mỏ dầu khí có trữ lượng khai thác công nghiệp, đã đưa vào khai thác gần 10 mỏ, hằng năm thu hàng chục triệu tấn dầu và hàng tỷ m3 khí.  Anh Trần Hải Huỳnh - một chuyên gia của Viện Dầu khí cho biết: Hiện chúng ta đã học hỏi những kỹ thuật khoan, khai thác tiên tiến nhất trên thế giới. Ví như trước đây chỉ có thể khoan thẳng đứng, nay có thể khoan nghiêng, đến bất cứ điểm nào, để tận dụng tối đa trữ lượng dầu ở mỏ. Trữ lượng dầu mỏ của ta lớn, tuy nhiên, việc khai thác như thế nào là cả một vấn đề lớn. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu khai thác cần tận dụng như chất dẻo, các loại khí khác hãy còn hoang phí...
4. Biển Đông là 1 trong 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất thế giới, giao thông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới, hằng ngày có khoảng 200 - 300 tàu từ 5000 tấn trở lên qua lại, chiếm ¼ lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới. Trường Sa, Hoàng Sa nằm án ngữ trên con đường huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; giữa Châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Từ trên các đảo ở Trường Sa, qua quan sát, các chiến sĩ cho biết: Tàu bè đi lại thường xuyên. Từ tàu đánh cá đến tàu chiến, tàu vận tải đủ loại thông thương...
 
 Nuôi cá lồng ở Trường Sa
5. Chưa kể đến du khách quốc tế, là người Việt Nam, ai chẳng mong trong cuộc đời có một lần được đến Trường Sa, nơi đất thiêng của Tổ quốc giữa biển khơi. Ao ước nhất là những cựu chiến binh, đặc biệt những người lính thuỷ đã có thời tham gia giải phóng Trường Sa, hay đã từng lăn lộn trên sông nước, biển Việt Nam. Tuy nhiên ước mơ ấy hiện với nhiều người cũng đâu dễ thành hiện thực. Mặc dù ngoài con tàu HQ996, binh chủng Hải quân cũng đã đóng thêm 2 con tàu nữa, nhưng mỗi một năm, có sắp xếp giỏi lắm cũng chỉ được khoảng 15 - 20 chuyến đi. Nhiều cơ quan, đơn vị hàng ngàn người, với hàng ngàn mơ ước, nhưng cũng mới chỉ thoả mãn với số lượng đếm được trên đầu ngón tay. Để có được một con đường, tuyến du lịch trên biển ra Trường Sa khai thác mùa biển lặng cũng vẫn còn là mơ ước, chờ mong sự đặc biệt quan tâm của Nhà nước trong chiến lược phát triển tới đây. 
Thay cho lời kết:  Ước mơ Trường Sa là một thành phố nổi, thành phố du lịch, cùng bao dự định khác là ước mơ chung của mọi người dân Việt Nam. Mơ ước ấy rồi sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa. Bởi nơi đây đang kết tụ linh khí, sinh khí từ mọi miền Tổ quốc dồn về, khi cả nước hướng về Trường Sa, làm tất cả vì Trường Sa. Dù sao, Trường Sa cũng vẫn còn hoang sơ, biển Trường Sa và khu vực phía Đông Nam Tổ quốc ta cũng vẫn còn nguyên sơ lắm. Chính vì nguyên sơ, vì cuồn cuộn, ngồn ngộn tiềm năng mà bao thế lực bành trướng, tham vọng đang ngày đêm nhòm ngó, thèm khát, tìm đủ mọi âm mưu, thủ đoạn để thực hiện dã tâm. Năm 2013 này, dù mùa biển lặng, nhưng mặt sóng đã gợn lên ở Trường Sa khi nơi đây gia tăng lượng tàu bè giả danh qua lại, lởn vởn như những bóng ma...
Và rồi ý chí của cả dân tộc Việt Nam, như đã thể hiện ở những người con Việt Nam đang đứng mũi, chịu sào nơi đây - từ chỉ huy Nguyễn Đăng Hùng đã 12 năm bám trụ trên nhà giàn hay chàng lính hải quân trẻ Vũ Trọng Hoà, mới ra đảo Đá Nam 4 tháng; từ những chàng công binh, pháo binh, thiết giáp cho đến người ngư dân - tất cả đều thể hiện quyết tâm: người còn thì đảo còn, nhà giàn còn, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh trong bất cứ hoàn cảnh nào... để bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất, thước nước của Tổ quốc thân yêu. Xin cảm ơn các anh, các chị, những người đang gìn giữ, nâng niu cho những ước mơ của người Việt Nam xanh, xanh mãi.
Mai Kiên Long
Theo: Daidoanket.vn
  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...