Đọc lại cuốn sách “Những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”: Những con chữ đầy sức nặng

Thứ 3, 27/05/2014 | 08:02:39
1,904 lượt xem

Đó là nhận xét của ông Đặng Văn Phú (Sơn Tây, Hà Nội) - một trong rất nhiều bạn đọc gửi về báo Đại Đoàn Kết sau khi đọc cuốn sách "Những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa”. Sức nặng ấy, theo ông Phú, không phải được thể hiện bằng những lý lẽ suông, hay viết lấy được, mà bằng sự nghiên cứu công phu, những tư liệu dày dặn và thuyết phục về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông, đặc biệt là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

 
Đảo Sơn Ca trong quần đảo Trường Sa
 
Những ngày này, khi Biển Đông đang dậy sóng, đã có rất nhiều bạn đọc hỏi về cuốn sách được báo Đại Đoàn Kết phối hợp cùng NXB Thông Tấn ấn hành vào cuối năm 2011. Nhiều người nói rằng, họ muốn đọc một cách hệ thống nhằm có thêm những kiến thức cần thiết để tiếp tục phản đối Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời, để nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới biết được Việt Nam có đầy đủ những tư liệu pháp lý về chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
 
Được biết, cuốn sách "Những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” được hình thành từ loạt bài cùng tên được đăng trên báo Đại Đoàn Kết từ ngày 21-6-2011, trước sự việc tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam cắt cáp tàu Bình Minh của ta xảy ra trước đó gần 1 tháng. Sự việc ấy đã vi phạm trắng trợn chủ quyền biển đảo, đe dọa tới sự toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. 
 
29 bài viết được đăng tải đã gây được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc, tạo lên một cơn dư chấn không hề nhẹ trong giới trí thức cũng như những học giả quốc tế. Lần đầu tiên, người ta thấy một loạt bài đầy đặn, lớp lang như thế trên tờ báo của Mặt trận. Những con chữ không hời hợt mà sục sôi mang theo tiếng sóng từ Biển Đông. Nhưng không vì thế mà cực đoan hay tỏ ra mất kiềm chế. Trái lại, đọc những bài viết: Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, Chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong các bản đồ lịch sử, Hải đội Hoàng Sa thực thi chủ quyền… người ta thấy sự cẩn trọng trong công tác tư liệu. 
 
 
Bìa cuốn sách
 
Đặc biệt, bài viết "Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam” đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Đại Đoàn Kết là một trong số ít những tờ báo có bài viết về "Công hàm 1958” mà trước đó trên các trang mạng có nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng có lẽ, Đại Đoàn Kết là tờ báo duy nhất có một bài viết kỹ càng, phân tích thấu tình đạt lý, với những lớp lang để độc giả trong và ngoài nước hiểu cội nguồn sâu xa, hiểu rõ bối cảnh thế giới lúc đó, và chỉ rõ: "Trong bối cảnh lịch sử đặc biệt nêu trên càng thấy rõ một sự thật hiển nhiên là Công hàm ngày 14-9-1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đơn giản chỉ ghi nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc, không hề nhắc lại các nội dung mập mờ liên quan đến các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về thực chất, Công hàm 1958 thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Thực là phi lý, nếu cố tình suy diễn và xuyên tạc (như lập luận phía Trung Quốc), cho rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người con ưu tú của dân tộc, lại ký văn bản từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước trong khi chính ông và cả dân tộc Việt Nam đã chiến đấu hết mình để giành độc lập, tự do” (Độc giả có thể đọc lại nguyên văn bài viết trên trang 12 của số báo này). 
 
Những bài viết ấy đã được giải A - Giải Báo chí vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2011.
 
Phần 2 và phần 3 của cuốn sách cũng đầy sức nặng. Ở phần 2 "Biển Đông đang cuộn sóng” với các bài: Cùng ngư dân giữ biển, "Lưỡi bò” phi lý và truyền thông hăm dọa… giúp độc giả có thêm những góc nhìn về những âm mưu của Trung Quốc cũng như việc họ sử dụng truyền thông để biến không thành có. Đặc biệt, trong phần 3 của cuốn sách tập hợp 6 phóng sự về "Trường Sa hôm nay” do các phóng viên Đại Đoàn Kết thực hiện. Tươi tắn, ấm áp nhưng không kém phần sục sôi. Những con chữ về Trường Sa như được dồn nén từ những lớp sóng Biển Đông đã thổi vào tâm hồn độc giả những cảm nhận về một quần đảo thiêng liêng ngoài khơi xa, nơi đó có những chiến sĩ ngày đêm căng mình bám biển mà còn thể hiện rất rõ thái độ nhất quán về chủ quyền đất nước. 
 
Góp phần vào những con chữ đầy sức nặng của cuốn sách là nhiều bức ảnh, bản đồ, châu bản, dụ… khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Hoàng Thu Phố
Theo: Daidoanket.vn
  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...