Một nhà sư trẻ gập người quỳ vái lạy trước tượng Phật cao vợi trong ngôi chùa Bái Đính. Tôi nghe nhà sư cầu nguyện và giật mình khi trong lời nguyện ấy, có những từ về “Biển Đông” và “hòa bình”. Không gian chùa mát lạnh, trời bên ngoài hiu hiu gió, nhưng mồ hồi chảy từng giọt trên và thấm ướt lưng áo nâu của nhà sư có pháp danh Thích Trí Minh này.
Sau khi đã ngừng vái lạy và cầu nguyện, nhà sư Thích Trí Minh chia sẻ với tôi: “Tôi từ miền Nam ra đây dự Đại lễ Vesak thấy lòng rất hoan hỉ nhưng lại theo dõi thông tin báo chí biết được Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, chúng sinh cả nước đều bất bình. Tôi rập đầu trước đức Phật cầu nguyện cho hòa bình”.
“Thưa nhà sư, nếu chỉ cầu nguyện, liệu có ngăn được chiến tranh”. Nhà sư trẻ cười: “Anh có biết vì sao người ta gánh nước đầy, họ bỏ vào đó một lá sen, để nước không đổ ra ngoài. Cầu nguyện giống như lá sen ấy, làm cho người ta biết được giới hạn của mình và tránh để dục vọng “tràn” ra ngoài. Nếu trên thế giới này, mọi người đều hướng về Đức Phật và cầu nguyện mỗi ngày thì làm gì có xung đột đổ máu”.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh - đến từ Quảng Ninh- đang trò chuyện với với hai nhà sư Ấn Độ. Tôi nghe họ bàn luận về những tham vọng sân si đang đe dọa hòa bình thế giới. Rảo bước trên sân chùa, câu chuyện của ba nhà tu hành cứ kéo dài ra mãi, quên cả trời bắt đầu lác đác vài hạt mưa. Tình hình biển Đông nổi sóng, Ukraina đang bờ vưc chiến tranh, Thái Lan lại sắp có biểu tình lớn, tai nạn chìm phà ở Hàn Quốc, MH370 mất tích... bao nhiêu thế sự của chúng sinh dường như cũng khiến các bậc tu hành bận lòng?
Đại đức Thích Trúc Thái Minh không đề cập trực tiếp tới chuyện Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, nhưng giọng nói trầm ấm khoan thai chứa đựng sự kiên định: ”Giáo lý đạo Phật không bao giờ chủ trương chiến tranh, nhưng đức Phật khuyên con người phải bảo vệ tổ ấm của mình. Đất nước chính là tổ ấm của chúng ta. Nhưng nhân loại không phải ai cũng hiểu điều này, họ muốn giành giật đất đai trời biển của người khác. Chúng ta trước hết phải đem tấm lòng từ bi, nhẫn nhịn để đối xử với họ. Nhưng từ bi, nhẫn nhịn của Phật không phải là từ bi và nhẫn nhịn yếm thế, cam chịu mà dựa vào đức hạnh và trí tuệ”.
“Thưa đại đức, nếu Trung Quốc vẫn lấn tới, không chịu rút giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của ta thì nên làm thế nào?”.
Đại đức nhìn xa xăm, dường như bậc tu hành không bận tâm tới những câu hỏi thế sự quá cụ thể, ông chậm rãi nói:
“Nhất tâm cầu nguyện cho hòa bình. Adi Đà phật”.
Nhà sư Thích Minh Sang đến từ miền Trung đang ngồi trầm tư ngắm chùa Bái Đính, khẽ chau mày nói:
“Cuộc sống bây giờ phức tạp quá, thế giới có rất nhiều biến động, bất ổn, làm thế nào để chúng sinh được an hưởng hòa bình, không có chiến tranh, xung đột? Nếu ai cũng làm theo lời Phật dạy thì chắc chắn thế giới an hòa.
Đức Phật dạy: Nếu chiến tranh Đức Phật sẽ dùng lòng từ bi hóa giải. Lòng từ bi có thể khuất phục bạo lực. Lấy bạo lực đối xử với bạo lực, bạo lực sẽ chất chồng. Theo tôi, lúc này chưa nên đặt vấn đề bạo lực khi xử lý tình hình biển Đông, mình phải sử dụng các biện pháp ngoại giao, đối thoại, còn có Liên Hợp Quốc, bạn bè quốc tế bên cạnh chúng ta, vì chúng ta có chính nghĩa”.
Mấy ngày hôm nay đại đức Thích Chiếu Tuệ - Phó ban thư ký Hoằng pháp Trung ương GHPGVN - liên tục cập nhật thông tin trên mạng về tình hình biển Đông, không bỏ sót bất cứ một diễn biến nào. Đại đức tâm sự: “Mặc dù mình là tu sỹ, nhưng tu sỹ trước hết cũng là một người con của nước Việt, phải yêu nước và bảo vệ Tổ quốc mình. Mấy ngày hôm nay, tôi bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc”.
Một vị tu hành phải bức xúc hẳn nhiên vấn đề đã đi qua những giới hạn thông thường. Đại đức Thích Chiếu Tuệ cho hay nhiều nhà sư tới dự Đại lễ Vesak cũng dành sự quan tâm tới tình hình biển Đông. Mặc dù chương trình nghị sự của Vesak không đề cập tới câu chuyện này, nhưng bên lề đại lễ những thông tin về giàn khoan Trung Quốc đặt trái phép vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam được nói đến rất nhiều.
Theo đại đức Thích Chiếu Tuệ, có nhà sư còn muốn trao đổi với các bậc tu hành của Trung Quốc đi dự Vesak về vấn đề này. “Trong tinh thần của Đại lễ, các tăng ni cũng muốn làm sao chúng ta tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, khơi dậy lòng yêu nước của người dân. Chúng ta cần kiên trì đường lối hòa bình đối thoại. Nhưng nếu họ lấn tới thì phải bảo vệ biển trời của Tổ quốc. Trước đây, khi Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến, các nhà sư đã cởi áo cà sa khoác chiến bào. Bây giờ cũng vậy, không một nhà sư yêu nước nào đứng ngoài vận mệnh của dân tộc mình”.
Khi Phật giáo nhập thế
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Chủ tịch UB tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ 2014 nói: “Tôi xin trích dẫn câu nói từ tác phẩm kinh điển của Walt Disney: “Đó là một thế giới của tiếng cười, một thế giới của nước mắt. Đó là một thế giới của hy vọng, một thế giới của sợ hãi. Có rất nhiều điều chúng ta cần chia sẻ. Rằng đây là thời gian chúng ta cần ý thức rõ điều này. Đây chỉ là một thế giới nhỏ mà thôi”. Chúng ta đã cùng nhau với tâm trí và tiếng nói tốt nhất của Phật giáo trong thế giới nhằm truyền cảm hứng cho chúng ta nhập thế, phụng sự nhân sinh và xã hội”.
Sự nhập thế mà hòa thượng Thích Thanh Nhiễu đề cập đến càng trở nên gần gũi hơn khi chủ đề của Vesak năm nay là “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”. Những mục tiêu ấy quá sát sườn với cuộc sống của chúng sinh như thế giới hòa bình, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường được các bậc tu hành nhập thế cùng chung tay gánh vác.
Trước sân chùa Đại đức Thích Trúc Thái Minh nói tiếp câu chuyện Phật giáo nhập thế: “Khi xã hội vật chất phát triển, vật dục tăng, phải xây nền đạo đức. Phật giáo luôn hướng tới sự cân bằng giữa vật chất và tinh thần, luôn muốn xây dựng một nền đạo đức hoàn thiện và toàn diện”.
Đối với Đại đức Thích Chiếu Tuệ thì tinh thần nhập thế ấy đã được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Hàng trăm tỷ đồng đã được giáo hội Phật giáo Việt Nam quyên góp được giúp đỡ những người nghèo người neo đơn, không nơi nương tựa. Không chỉ giúp đỡ về cơm áo gạo tiền mà còn nâng bước những người trẻ hiếu học bằng cách trao học bổng, xây trường...
Sức mạnh nhập thế của Phật giáo lớn đến mức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki –moon đã gửi thông điệp tới Vesak - Bái Đính này. Ông viết: “Thông điệp của Đức Phật về hòa bình, từ bi và tình yêu dành cho tất cả chúng sinh tạo ra tiếng vang mạnh mẽ. Thông điệp này kêu gọi chúng ta mở rộng trái tim và vòng tay cho đồng loại của mình, đặc biệt là những người đang thiếu thốn.
Tại một thời điểm căng thẳng đang gia tăng ở nhiều nơi trên châu Á và các nơi khác, những giáo lý vượt thời gian này có thể giúp hướng dẫn các chính phủ và cộng đồng quốc tế. Giáo lý cao quý này có thể truyền cảm hứng cho những nỗ lực của chúng ta để giải quyết những thách thức lớn hơn đang đối mặt với thế giới của chúng ta - từ xung đột, bất bình đẳng đến sự biến đổi khí hậu. Trong mỗi lĩnh vực này, chúng ta phải vượt lên trên những lợi ích cá nhân hẹp hòi, để suy nghĩ và hành động như những thành viên của một cộng đồng quốc tế”.
Một ngày cơm chay và những nụ cười ...miễn phí
Ngày đại lễ Vesak, phật tử khắp nơi về đây đông mà không lộn xộn. Lần đầu tiên được chứng kiến những đám đông trật tự như vậy. Ở đây không có chen lấn xô đẩy, không có mua bán chặt chém, to tiếng ồn ào. Cơm chay miễn phí, nước miễn phí, miễn phí cả những nụ cười tươi. Những nụ cười của các tình nguyện viên chắp tay trước ngực.
Vẻ như trong ngày đại lễ của đạo Phật, những thế tục bon chen của chúng sinh dừng lại trước cổng chùa, ngay cả một người chụp ảnh dạo từng chặt chém du khách cũng cười tươi mà giúp chụp ảnh miễn phí cho các nhà sư và Phật tử. Chiều muộn đói và mệt, được phát túi cơm chay và nước uống miễn phí, kèm theo nụ cười tươi rói, bỗng dưng lòng nếm trải cảm giác an vui. Phải chăng chúng sinh sẽ nếm trải cảm giác ấy khi trong lòng có Phật?
Chùa Bái Đính có gì đặc biệt
Quần thể chùa Bái Đính rộng 80ha bao gồm 20 công trình kiến trúc lớn, nhỏ đa dạng, và là ngôi chùa có nhiều tác phẩm đạt Kỷ lục Guinness Việt Nam nhất. Từ đường Tràng An (TP Ninh Bình) nhìn vào là cổng Tam quan được thiết kế đồ sộ với chiều cao 16,5m, dài 32m, rộng 13,5m có 2 gian được đặt 2 tượng Hộ Pháp đúc bằng đồng nặng 12,5 tấn. Trong cổng Tam quan còn được đặt 8 pho tượng Kim Cương mỗi pho nặng 8 tấn.
Bước qua cánh cổng là hồ Phóng sinh rộng 500m2. Tiếp đó là Điện Thế âm Bồ Tát cao 14,8m, dài 40,4m, rộng 16,8m, được bài trí Bảo tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn đúc bằng đồng và được dát vàng nặng 80 tấn, cao 9,57m, tượng có 42 cánh tay và 958 cánh tay nhỏ. Tiếp đến là tháp chuông được thiết kế 3 tầng mái cong và 24 mái xoay 8 phía với các đầu đao cong vút. Bên trong được treo quả chuông nặng 36 tấn…
Theo: Tienphong.vn