Thanh toán xong công nợ – Kinh nghiệm ở xã Đông Phương huyện Đông Hưng

Thứ 4, 24/10/2018 | 17:23:12
2,893 lượt xem

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn mới của các vùng quê trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có những đổi thay đáng kể. Tuy nhiên để đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều địa phương đang phải gánh 1 khoản nợ không nhỏ do đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Làm thế nào để xử lý nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới? Ghi nhận tại xã Đông Phương huyện Đông Hưng

Bắt đầu xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, xã Đông Phương huyện Đông Hưng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí là xã cán đích nông thôn mới đợt 1 (tháng 6/2014) với tổng mức đầu tư 96 tỷ đồng. Một con số không hề nhỏ đối với một xã nghèo thuần nông độc canh cây lúa như Đông Phương cho nên khi đã về đích nông thôn mới nhưng Đông Phương vẫn còn nợ tới 17 tỷ đồng song địa phương luôn kiểm soát được nợ đọng.

Ông Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND xã Đông Phương huyện Đông Hưng: “Đông Phương đã lường trước những hậu quả về quản lý đầu tư và cũng nghĩ đến việc huy động sức dân, phát sinh công nợ cho nên trong đề án phát triển hạ tầng chúng tôi đã phân ra cấp đầu tư nên xã kiểm soát được nguồn vốn kể cả công trình ngõ xóm dân tự làm cũng như công trình của xã ví dụ như quyết định đầu tư một hạng mục công trình gì thì cũng phải thuyết minh được xuất xứ nguồn vốn hiện có cũng như dự báo để thanh toán công nợ”

Xây dựng kế hoạch, đề án phát triển hạ tầng, lộ trình thực hiện, xác định rõ nguồn lực ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dưng nông thôn mới giúp Đông Phương kiểm soát được công nợ,  huy động được nguồn lực lớn từ sự đóng góp trong nhân dân, ủng hộ của các doanh nghiệp và con em xa quê hương trên 35 tỷ đồng. 

Diện mạo nông thôn mới tại xã Đông Phương huyện Đông Hưng

Kể chuyện về những ngày làm đường giao thông nông thôn ông Vũ Viết Hồ, trưởng thôn Trung vẫn còn nhớ rõ các cơ chế hỗ trợ của địa phương đối với từng thôn xóm lúc bấy giờ. Theo ông khi làm đường giao thông đối với đường trục xã, đường liên thôn thì xã làm chủ đầu tư, các tuyến đường còn lại thì giao cho nhân dân trực tiếp làm rồi phân bổ kinh phí hỗ trợ từ 40%, 30%, 20% cho từng tuyến đường trục thôn, ngõ, xóm.

Ông Vũ Viết Hồ, Trưởng thôn Trung xã Đông Phương huyện Đông Hưng: “Căn cứ vào đó chúng tôi phát động nhân dân tự nguyện đóng góp. Khi làm các tuyến đường ngõ xóm mà có 5-7 hộ vận động bà con tự đóng góp kinh phí để làm chứ tập thể không hỗ trợ. Sau đó họp dân ở tuyến nào nhân dân ủng hộ cao tự đóng góp chúng tôi báo cáo về xã, xã có một tổ chuyên kiến thiết xây dựng đường khảo sát xong lên định mức, cho nên cứ được tuyến nào dứt điểm tuyến ấy, thanh toán với bà con nhân dân nên hoàn thành xây dựng nông thôn mới chúng tôi không còn nợ đọng”

Với cách làm này mà ở Đông Phương 100% tuyến đường được bê tông hóa dài 40km. Khi được tỉnh hỗ trợ 1500 tấn xi măng, Đông Phương tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình như nhà văn hóa xã, thôn; hệ thống thủy lợi… Vốn là một xã thuần nông nhưng nhờ nắm bắt cơ hội phât triển các thế mạnh sẵn có mà đời sống của người dân nơi đây được cải thiện, nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh là điều kiện để Đông Phương bố trí đủ nguồn vốn thanh toán xong công nợ trong xây dựng nông thôn mới vào tháng 10/2016. Và tiếp tục bố trí đủ nguồn vốn 6 tỷ đồng xây dựng công trình trường tiểu học, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, thiết bị con em trong xã yên tâm học tập và sáng tạo. Đây cũng là cách mà địa phương không chỉ giúp nâng cao dân trí của người dân qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, mà còn tạo ra thê hệ tương lai có kiến thức phục vụ cho chính quê hương. 

Ông Hoàng Đức Lanh, thôn Đại Phú xã Đông Phương “Chúng tôi rất vui khi địa phương tiếp tục đầu tư cho sự nghiệp giáo dục"

Có được kết quả như hôm nay, bí quyết xây dựng thành công chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đông Phương chính là mục tiêu vì dân, đáp ứng khát vọng của người dân về cuộc sống ấm no hạnh phúc. 

Ông Vũ Viết Hồ, Trưởng thôn Trung xã Đông Phương huyện Đông Hưng chia sẻ thêm “Nếu cứ được sự đồng thuận của dân cao thì việc khó mấy làm cũng thuận hơn dù đầu tư nhà nước một phần kích cầu cho nhân dân, quyền lợi của nhân dân được đảm bảo thì từ việc thứ nhất sang việc thứ 2 thuận lợi” 

Ông Phạm Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND xã Đông Phương huyện Đông Hưng chia sẻ về bài học rút ra trong xây dựng nông thôn mới trong đó có xử lý nợ công:  “Thứ nhất là chủ động trong xây dựng kế hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng;  xuất xứ nguồn vốn đầu tư; thứ hai là tăng cường giám sát;quản lý đầu tư: khảo sát thiết kế lập dự toán rồi tổ chức thi công; nghiệm thu thanh quyết toàn bảo đảm công khai minh bạch” 

Từ những kinh nghiệm trên, Đông Phương tiếp tục phát huy nội lực giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới để nông thôn mới thực sự đổi mới./.

Hồng Hạnh

Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...