Thực hư chuyện ‘Kích hoạt não’ để con thành thiên tài?

Thứ 2, 28/11/2016 | 10:43:30
480 lượt xem

Theo lời quảng cáo, sau hai ngày được “kích hoạt não” với gần 9 triệu đồng, con bạn có thể sẽ trở thành một thiên tài (!?). Trẻ có thể xem hình, đọc sách, chơi cờ, đi lại trên phố, làm việc mà không cần nhìn bằng mắt. Học đến phần 2 trẻ có thể có thần giao cách cảm, ngồi ở lớp mà vẫn biết bố mẹ đang làm gì ở nhà... Đó là một vài lời quảng cáo của nhân viên tại các lớp học “kích hoạt não giữa”, mĩ miều hơn là “đánh thức não giữa, khơi dậy thiên tài” được quảng cáo rầm rộ tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây.

Kích hoạt não hai ngày, tốn chục triệu

Trong vai người nhà cần đi tìm lớp học kích não cho em trai tám tuổi, chúng tôi tìm đến Trung tâm Huấn luyện thần đồng Trí Tuệ Việt (79 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1). Theo lời quảng bá của trung tâm này, não giữa chỉ phát triển và dễ dàng kích hoạt sức mạnh ở giai đoạn các bé 6-12 tuổi. Nếu biết giáo dục đúng cách, mỗi đứa trẻ đều có thể trở thành thiên tài.

Nhân viên đưa tờ rơi giới thiệu về khóa học kèm khẳng định sau khóa học trẻ sẽ có những khả năng đặc biệt như có thể đọc sách không cần mắt, có khả năng thần giao cách cảm, ghi nhớ siêu tốc độ và thời gian nhớ rất lâu, có khả năng đọc với tốc độ 300 trang sách trong vòng 10 phút... Học phí mỗi khóa là 8,7 triệu đồng. “Trung tâm đang có khuyến mãi, nếu mình đăng ký sớm, chỉ 2,6 triệu đồng thôi thay vì 8,7 triệu đồng như giá gốc” - nhân viên cho biết.

Nhân viên tư vấn cam kết: “Nếu trẻ không thể tiếp thu được, trung tâm sẽ tặng thêm một khóa học nữa. Sau hai khóa, nếu trẻ vẫn không tiếp thu được sẽ hoàn lại phí”. Nhưng nhân viên này khẳng định hoạt động hơn một năm nay, trung tâm chưa phải hoàn lại phí bao giờ.

Tại một cơ sở khác ở địa chỉ 269A Nguyễn Trọng Tuyển (phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM) cũng với những lời quảng cáo tương tự nhưng hai ngày kích não ở đây có giá tới 9,5 triệu đồng. Ngoài ra, trẻ sẽ được thêm một tháng luyện tập miễn phí tại lớp cùng các thầy cô, mỗi tuần ba buổi.

“Ở cấp độ 2, với những trẻ thông minh có thể tự linh cảm được: Bố ở nhà đang làm cái gì, mẹ ở nhà đang làm cái gì. Đến cấp độ 3, trẻ có khả năng ghi nhớ siêu tốc độ… Bên em thì có trẻ mới đạt đến cấp độ 3 thôi vì lớp mới hoạt động được hơn năm” - nhân viên tại đây cho biết.

Tôi đề nghị được lên tham dự xem qua các bé học gì để yên tâm gửi gắm. Ban đầu nhân viên này từ chối với lý do: Cô giáo đang dạy không vào được. Khi thấy tôi khăng khăng nhất quyết phải được xem mới đăng ký cho con học, cuối cùng nhân viên này cũng miễn cưỡng đồng ý với điều kiện chỉ lên xem lát rồi xuống luôn.

15 phút trong lớp học tiền triệu

Trước khi vào lớp, nhân viên yêu cầu tôi tắt toàn bộ điện thoại rồi mới mở cửa vén rèm cho vào. Phòng khá tối, không bật điện, các cửa sổ bị rèm cửa che gần hết. Điều hòa ở nhiệt độ thấp, lớp có bảy học trò, bốn cô giáo. Theo như quan sát thì một cô giáo chính và ba cô phụ. Các em đều bị bịt kín mắt. Cô giáo chính ngồi trên bục giảng cùng chiếc laptop điều khiển buổi học. Qua ánh sáng le lói, ba cô giáo phụ giảng nhìn khá trẻ, đoán chừng như sinh viên.

Chiếc laptop liên tục phát ra tiếng nhạc không lời nghe như tiếng gió hú mà theo các cô giáo là để kích thích trí não của trẻ. Nhưng thực tế trong căn phòng tối om, im phăng phắc, nhiệt độ thấp cùng với âm thanh sắc lạnh đó, tôi nghe cứ nổi da gà. Cô nhân viên đi cùng thi thoảng xuýt xoa vì lạnh.

Cô giáo chính giọng nghiêm trọng:“Giữ nhịp hít thở, hít sâu và thở chậm ra!” Cô giáo kiểm tra nhịp hít vào bằng mũi, bụng phình ra, thở ra bằng miệng, bụng hóp lại. “Hít thở rất chậm rãi. Bắt đầu. Cô Nga sẽ đếm ngược từ 50 cho tới 1”. Cô giáo tên Nga chầm chậm đếm ngược: “50, 49, 48...”. Xen giữa các số đếm, giọng cô giáo chính vang lên: “Hít sâu và thở chậm, thả lỏng cảm nhận nguồn năng lượng”. Điều buồn cười là dù đếm chậm và không gian yên tĩnh vậy mà cô giáo Nga vẫn sai mấy lần, nhảy cóc số: “35, 33”, “18, 17, 12, 11”… Vài lần sai, cô giáo Nga lè lưỡi nhìn người đồng nghiệp phụ đạo bên cạnh.

Phần đếm vừa kết thúc, cô giáo chính cất lời: “Bây giờ, các con đang cảm nhận được nguồn năng lượng đang tập trung trong cơ thể của mình, đang di chuyển và hội lại ở trán của các con. Các con có khả năng lấy những nguồn năng lượng tập trung này đi về phía trán của mình vận dụng và tỏa sáng. Giờ đây hãy tự nhủ với bản thân mình rằng tôi thông minh hơn, tôi sáng suốt hơn, tôi đủ khả năng để học tập tốt và làm việc tốt. Hít sâu và thở chậm ra, thả lỏng. Khi cô nói: You can do it, các con nói: I can do it, đồng thanh và rõ ràng nhé”.

Những đứa trẻ hồn nhiên nghe lời đồng thanh hô to. Ngay lúc đó, ba cô giáo phụ giảng nhanh chóng cầm những tờ giấy đủ màu sắc đặt lên trán yêu cầu các em giữ và “cảm nhận” xem nó màu gì, có tầm bốn, năm màu: đỏ, vàng, xanh dương, xanh lá cây. Có đứa trẻ đoán đúng màu từ lần đầu tiên, có đứa trẻ sau mấy lượt vẫn đoán trượt. Giọng các bé khá nhỏ, tôi chỉ nghe được hai bé hàng cuối ngay gần, bé trả lời cô giáo như đoán mò: Vàng? Xanh lá cây? Xanh dương? Sau vài lần mò, bé cũng “cảm nhận trúng” - cô giáo đập tay khen giỏi.

 Hiện tại, theo tôi được biết các nghiên cứu não bộ vẫn chưa thể giải mã 100% cấu trúc cũng như hoạt động của nó. Vì thế, tôi cho rằng chưa có đủ căn cứ khoa học để khẳng định việc kích não trở thành thần đồng là hợp khoa học” - TS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng bộ môn Phương pháp dạy Toán, Khoa Toán- Tin, Trường ĐHSP Hà Nội đã nhận định như vậy về lớp học phương pháp kích não đang rầm rộ trên mạng.

TS Trần Thành Nam, Giảng viên trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, cho biết: “Phương pháp kích hoạt não giữa chưa từng được các nước có nền khoa học phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Singapore thẩm định về chuyên môn. Ngoài ra, ông cũng chưa tìm được tài liệu nghiên cứu nào khẳng định tác động của nó đến năng lực vượt trội của trẻ”.

Theo TS Nam, việc kích não sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường như: Khiến trẻ hoặc ảo tưởng về năng lực của mình, hoặc bị áp lực về năng lực đó. Chưa kể, trẻ có thể sử dụng năng lực đó vào những mục đích cá nhân không chính đáng.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...