Hiện nay, khoảng 100 quốc gia tham gia kỷ niệm Ngày Nhà giáo thế giới hàng năm.
Hôm nay là ngày Nhà giáo Việt Nam, một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20/11. Đây là ngày hội của ngành giáo dục và là ngày "tôn sư trọng đạo" nhằm mục đích tôn vinh những người hoạt động trong ngành này. Ngày này là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn với những người thầy. Vậy các quốc gia khác trên thế giới có một ngày nào đó để dành riêng cho những người đứng trên bục giảng hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Trước tiên, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc - UNESCO - đã quy định lấy ngày 5/10 hàng năm là Ngày Nhà giáo thế giới từ năm 1994, với mục đích thu hút sự chú ý của xã hội đến tình trạng của các nhà giáo, vai trò của họ trong việc hình thành và phát triển xã hội, đồng thời huy động sự hỗ trợ cho các giáo viên và để đảm bảo rằng các nhu cầu của các thế hệ tương lai sẽ tiếp tục được các giáo viên đáp ứng. Hiện nay, khoảng 100 quốc gia tham gia kỷ niệm Ngày Nhà giáo thế giới. Hàng năm, Liên đoàn Quốc tế Giáo dục phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức của công chúng để làm nổi bật những đóng góp của nghề giảng dạy. Dưới đây là những lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo của một số quốc gia:
Hoa Kỳ
Tổ chức giáo dục Liên bang (National Education Association - NEA) đã chọn ngày 6/5 hàng năm để tôn vinh những người làm công việc "gõ đầu trẻ" tại đất nước này. Thậm chí, tuần lễ xuất hiện ngày 6/5 cũng được coi là Tuần Nhà giáo Hoa Kỳ. Trước đó, Quốc hội Hòa Kỳ từng tổ chức một lễ kỷ niệm dành cho các thầy cô vào ngày 7/3/1980, nhưng về sau NEA đã quyết địng dời ngày này qua tháng 5. Vào ngày này, các học sinh và sinh viên thể hiện sự kính trọng đối với thầy cô trong ngày này bằng việc tặng thầy cô các món quà kỷ niệm.
Ấn Độ
Quốc gia đông dân thứ 2 thế giới đã chọn này 5/9 để dành cho những người làm trong ngành giáo dục những sự kính trọng và biết ơn với họ. Trong ngày lễ này, mặc dù thầy cô giáo và học sinh sinh viên vẫn đến trường nhưng các hoạt động học tập trong trường lớp được thay thế bằng các buổi lễ kỷ niệm, và các hoạt động thăm hỏi, cảm ơn của học sinh sinh viên đối với giáo viên. Ngày này có nguồn gốc từ ngày sinh của Thủ tướng thứ 2 của Ấn Độ - Sarvepalli Radhakrishnan, một tiến sỹ triết học.
Hàn Quốc
Ngày Nhà giáo Hàn Quốc bắt nguồn từ việc một nhóm thanh niên là thành viên của Hội Chữ thập Đỏ đến thăm các thầy cô giáo cũ đang ốm tại một bệnh viện. Lúc đầu, chính phủ Hàn Quốc quy định sẽ có lễ kỷ niệm vào ngày 26/5/1963 nhưng đến năm 1965 thì lại đổi qua ngày 15/5. Thậm chí, trong giai đoạn 1973-1982 thì ngày này lại không được tổ chức. Trong ngày này, buổi học thường kết thúc sớm và các học sinh sinh viên thường tặng cho thầy cô của mình những bông hoa cẩm chướng. Một số trường cho thầy cô và học sinh nghỉ vào ngày này vì họ không muốn thấy hiện tượng các học trò tặng thầy cô bằng những món quà quá đắt tiền. Một số trường khác lại tổ chức các chuyến đi chơi xa cho các thầy cô giáo.
Nga
Đất nước có diện tích lớn nhất thế giới vốn quy định ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 10 sẽ là ngày học sinh, sinh viên tổ chức 1 lễ kỷ niệm dành cho các thầy cô giáo trong giai đoạn 1965-1994. Sau năm 1994 thì chính quyền quốc gia này quyết định kỷ niệm ngày Nhà giáo quốc gia sẽ trùng với ngày Nhà giáo thế giới.
Trung Quốc
Ngày Nhà giáo của Trung Quốc vinh danh đức hạnh, những đóng góp của của thầy cô giáo cho xã hội cũng như những khó nhọc mà họ phải chịu đựng khi đã theo đuổi nghề này. Năm 1939, theo quyết định của Bộ Giáo dục Trung Hoa Dân Quốc, ngày Nhà giáo sẽ được kỷ niệm vào ngày 27/8 hàng năm và nhiều người coi đây cũng là ngày sinh của Khổng Tử. Mãi đến năm 1952, sau khi nghiên cứu kỹ về ngày sinh của Khổng Tử/ thì chính quyền mới đổi qua ngày 28/9.
Theo: Tintuc.vn