Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình

Thứ 7, 10/10/2015 | 09:26:44
956 lượt xem

5 năm qua, bằng nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh Thái Bình đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương.

Nét đổi thay tại các xã NTM của tỉnh Thái Bình

Vai trò rõ nhất trong xây dựng NTM của MTTQ các cấp là hướng về cơ sở, cụ thể qua sự đổi mới ở các khu dân cư và các xã NTM, điển hình như xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải.

Về xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải có thể thấy rõ đổi thay trong diện mạo nông thôn. Những tuyến đường thôn xóm, liên xã đã được đổ bê tông rộng và đẹp. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà cửa được chỉnh trang sạch đẹp.Nhà nhà cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa , tích cực sản xuất để nâng cao thu nhập , phát  triển kinh tế  Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã mang đến luồng sinh khí mới cho Nam Thắng, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ông Vũ Ngọc Tính- Chủ tịch UBND xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải cho biết: “ Trong quá trình thực hiện thành công xã đạt chuẩn NTM , cấp ủy, chính quyền khẳng định vai trò của MTTQ các cấp, đã đóng vai trò quan trọng trong việc kêu gọi các  tầng lớp nhân dân, đoàn thể trong xã đóng góp ngày công xây dựng NTM”.


Với cách làm “ Việc dễ làm trước, việc khó làm sau, việc gì mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân thì dù khó cũng phải làm” nên mỗi tiêu chí xây dựng NTM ở Nam Thắng đều được thực hiện một cách linh hoạt và đạt hiệu quả cao. Ở các tiêu chí khó, phức tạp như dồn điền đổi thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp đất làm đường giao thông, Ban công tác mặt trận xã đã tổ chức lấy phiếu xin ý kiến tới từng hộ gia đình, đến từng hộ gia đình vận động. Từ đó, tạo ra sức mạnh đoàn kết toàn dân.

Xây dựng NTM tại huyện Đông Hưng

Không chỉ riêng xã Nam Thắng mà ở các địa phương trong tỉnh Thái Bình, cán bộ làm công tác mặt trận đều cần mẫn với công việc, lăn lộn với phong trào. Và trong quá trình thực hiện một chương trình nhiều khó khăn và còn kéo dài như xây dựng NTM thì lời Bác dạy  “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” được mỗi cán bộ mặt trận ghi nhớ và thực hiện một cách tốt nhất. Chẳng quản nắng, mưa, họ " đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” giải thích rõ cho người dân hiểu về vai trò chủ thể và đối tượng được thụ hưởng từ mục tiêu này, từ đó tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà cùng đóng góp tiền của, chung sức xây dựng quê hương mình. Chưa có khi nào phong trào hiến đất, mở đường, góp công góp của , xây dựng đường làng ngõ xóm mà người dân hào hứng, vui vẻ, tự nguyện như xây dựng NTM.

Trong quá trình xây dựng NTM, với tư cách là cán bộ mặt trận, Trưởng ban công tác mặt trận, trước hết mình phải là con người gương mẫu, phải minh bạch. Trong xây dựng NTM, gia đình tôi đã hiến 180 m2 đất và đóng góp theo chỉ tiêu là 2.150.000 đồng và hàng chục ngày công lao động.” - Ông Nguyễn Văn Yên -Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Bái Thượng, xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy chia sẻ.

Ông Phạm Đức Toại, thôn Lam Sơn, xã Đông Thọ, Thành phố Thái Bình kể lại: “Trong thời gian qua, thực hiện xây dựng NTM, gia đình tôi đã vận động con cháu đóng góp về quê hương để xây dựng nông thôn. Con rồi cháu, tất cả gia đình tôi góp 300 triệu. Còn tôi tích cực vận động bà con làm con đường thôn.”
Xây dựng NTM là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện và lâu dài, trong đó, người dân là chủ thể. Vì thế đông đảo đồng bào giáo dân trong tỉnh đã và đang tích cực, chủ động tham gia với những cách làm hay, sáng tạo, góp phần mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Kể từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, người dân trong tỉnh đã đóng góp hàng vạn ngày công, hàng trăm tỷ đồng, tự nguyện hiến hơn 2.000 ha đất… góp phần cùng các địa phương hoàn thành các tiêu chí khó, cần nhiều kinh phí chỉ trong thời gian ngắn như: đào, đắp 17.670.000m3 bờ vùng, bờ thửa, cứng hóa gần 1000 km kênh mương, nạo vét hàng nghìn ki-lô-mét sông ngòi, xây mới, chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp trên 4.700km đường giao thông thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, 1.634 công trình công cộng, dân sinh…
Xác định nâng cao đời sống kinh tế cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, MTTQ các cấp phối hợp với các đoàn thể vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giàu.

Nông dân huyện Tiền Hải tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập

Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các hộ nông dân trong tỉnh còn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi gia trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Toàn tỉnh có 690 trang trại chăn nuôi gia cầm, gia súc kết hợp với chăn nuôi thuỷ sản. Bước đầu các gia trại, trang trại đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, MTTQ các cấp còn vận động nhân dân phát triển nghề và làng nghề, để tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Nhiều nghề mới được người dân mạnh dạn du nhập về địa phương, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Anh Phạm Hữu Khoan, thôn Thượng, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng  cho biết: “ Ở quê tôi nghề truyền thống thì có ít mà lao động nhàn rỗi thì nhiều. Tôi quyết định đưa nghề thủ công mỹ nghệ về quê. Cơ sở hoạt động 5 năm nay,  trên địa bàn 5 xã của huyện Đông Hưng và Quỳnh Phụ, lượng công nhân khoảng 500 lao động.”

Đời sống văn hóa tại các khu dân cư ngày càng phong phú, đa dạng

Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đưa bình quân thu nhập đầu người toàn tỉnh đạt 29,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm. Đến tháng 6 năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh Thái Bình còn 2,5 % (giảm 6,66% so với năm 2010).

Cùng với việc vận động nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, trong 5 năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh tích cực vận động và quản lý quỹ "Vì người nghèo". Cũng từ nguồn quỹ này, nhiều gia đình khó khăn đã được hỗ trợ về vật chất, giúp họ ổn định cuộc sống. Trường hợp của gia đình bà Bùi Thị Miên, thôn Tân Mỹ, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà là một trong những hộ nghèo của tiêu biểu của tỉnh được MTTQ giúp đỡ để bà ổn định cuộc sống. Bà Miên già yếu lại phải nuôi 2 cháu còn nhỏ nên cuộc sống chật vật khó khăn. Nhiều năm nay bà cháu bà Miên ở trong căn nhà xiêu vẹo, xuống cấp. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Ủy ban MTTQ tỉnh đã trích Quỹ Vì người nghèo cùng với họ hàng, làng xóm giúp đỡ ngày công và ủng hộ vật liệu xây dựng cho bà Miên căn nhà Ðại đoàn kết rộng 50m2 với tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng.

Trao bò sinh kế cho người nghèo

Ủy ban MTTQ các cấp còn thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như trợ giúp tiền mua giống cây trồng, vật nuôi, khám chữa bệnh, tặng quà tết cho hộ nghèo, hỗ trợ học sinh nghèo. Những việc làm ý nghĩa, thiết thực là nguồn động viên lớn lao để mỗi gia đình, mỗi số phận kém may mắn vượt lên hoàn cảnh.
Cùng với phát triển kinh tế nông thôn, MTTQ còn vận động nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường. Hàng năm, MTTQ các cấp tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tích cực phấn đấu và nâng cao chất lượng, giữ vững danh hiệu làng văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa.

Với sự nỗ lực của cả Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh và đặc biệt là những người làm công tác mặt trận, đến hết năm 2014, Thái Bình đã có 85 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu nghị quyết và hoàn thành sớm 1 năm. Nhiều xã không thuộc điểm chỉ đạo của tỉnh nhưng đã về đích NTM sớm so với dự định như xã Thụy Văn ( huyện Thái Thụy), xã Nam Thắng (huyện Tiền Hải), xã Bình Định (huyện Kiến Xương)…
Từ những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng của MTTQ các cấp trong chương trình xây dựng NTM, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp sức mạnh đoàn kết trong nhân dân. Từ đó, phát huy được vai trò khối đại đoàn kết toàn dân, đồng lòng, góp sức sớm đưa Thái Bình trở thành tỉnh NTM.

Ông Vũ Đức Hạnh- Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh Thái Bình cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi chủ trương tiếp tục xây dựng chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quá trình xây dựng NTM. Từ đó, ở những nơi hoàn thành các tiêu chí NTM thì tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt, những tiêu chí không cần nhiều chi phí như tiêu chí văn hóa…Thứ hai là chăm lo vào tổ chức lại sản xuất để có năng suất cao vì mục tiêu cuối cùng xây dựng NTM là nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn. Thứ ba là chú trọng xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tăng cường đoàn kết tình làng nghĩa xóm…”
Bằng những chương trình hành động cụ thể, thiết thực, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nhân dân "Chung tay xây dựng NTM", góp phần xây dựng tỉnh Thái Bình phát triển toàn diện, bền vững.

Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được trên 50 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới và sửa chữa trên 2.000 nhà Đại đoàn kết, trị giá trên 36 tỷ đồng.

Hỗ trợ sinh kế, vốn, giống, tư liệu sản xuất cho trên 1.800 hộ nghèo phát triển sản xuất, trị giá 5,2 tỷ đồng.

5 năm qua, MTTQ các cấp có hơn 2.000 Ban công tác mặt trận ở cơ sở với  hơn 1.900 tổ hòa giải. Các tổ đã hòa giải thành công gần 28.000 vụ việc mâu thuẫn nội bộ nhân dân, hạn chế đơn thư và tạo sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư.

 

Thu Trang

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...